Nhịp sống số

Nhà mạng trước sức ép tăng nội dung số

Lâu nay, doanh nghiệp viễn thông vẫn “chèn ép” doanh nghiệp nội dung. Tuy nhiên, theo xu thế, muốn tăng doanh thu, doanh nghiệp viễn thông phải tăng dịch vụ nội dung!

Lâu nay, doanh nghiệp viễn thông vẫn bị mang tiếng là “bắt nạt, chèn ép” các doanh nghiệp nội dung số khi tỉ lệ ăn chia quá nghiêng về các nhà mạng. Tuy nhiên, trước bối cảnh nhà mạng buộc phải tăng dịch vụ nội dung, liệu ưu thế này có còn tồn tại được không?

Sức ép tăng dịch vụ nội dung

Thị trường viễn thông Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa, các nhà mạng đang cố gắng hút thuê bao bằng cách giảm giá cước (chủ yếu là dịch vụ thoại) nhưng giá dịch vụ thoại hiện đang ở mức sát với giá thành nên cũng khó mà có thể giảm tiếp.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhận định “Ngành viễn thông hiện đã ở giai đoạn bão hòa. Việc cạnh tranh về giá cũng bão hòa”. Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Hưng nhận định: “Năm 2012 - doanh thu sẽ không có gì đột biến, tăng trưởng người dùng sẽ không nhiều. Xu thế trong năm 2012, nếu doanh nghiệp viễn thông muốn tăng ARPU (doanh thu trên mỗi người dùng) thì phải tăng giá trị gia tăng, nhất là các doanh nghiệp được cấp phép 3G”.

Các dịch vụ nội dung phong phú sẽ giúp tăng doanh thu cho nhà mạng

Đối với việc cạnh tranh về cước như đã diễn ra rầm rộ hồi cuối năm 2010 và đầu 2011, Thứ trưởng Hưng cũng cho biết “Thái độ của Nhà nước quyết liệt hơn trong việc không cho phép ra những gói cước mang tính "chèn ép" nhau” (việc các nhà mạng lớn ra những gói cước “phá giá thị trường” sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp viễn thông mới – PV).

Tăng giá trị gia tăng từ dịch vụ nội dung số là lời giải không chỉ cho các nhà mạng trong nước ở hoàn cảnh hiện tại mà là xu hướng chung của ngành viễn thông thế giới. Ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ericsson Việt Nam nhận định: “Với một quốc gia trên 86 triệu dân, dân số trẻ và định hướng trở thành quốc gia mạnh về CNTT tới năm 2020, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của thị trường viễn thông thế giới. Đó là, sự gia tăng của các thiết bị đầu cuối như smartphone và máy tính bảng, từ đó kéo theo lưu lượng dữ liệu ngày càng lớn; Sự dịch chuyển từ các dịch vụ thoại sang dịch vụ dữ liệu trên cả 2 khía cạnh người tiêu dùng và doanh thu của các nhà mạng; Xuất hiện những mô hình kinh doanh mới nhằm phát triển nhiều dịch vụ nội dung tạo ra các gói dịch vụ mang tính linh hoạt đa dạng - ví dụ tạo ra những gói cước chuyên đáp ứng cho những đối tượng cần tốc độ cao, hoặc chuyên cho một loại dịch vụ”.

Doanh nghiệp nội dung không còn phụ thuộc nhà mạng

Những năm trước đây, mối quan hệ giữa các nhà mạng với nhà cung cấp nội dung không được tốt đẹp cho lắm, hay nói cách khác các nhà mạng vẫn “làm cao” khi đưa ra những tỉ lệ ăn chia quá chênh lệch mà phần lớn hơn nghiêng về nhà mạng. Về thực trạng này, Thứ trưởng Hưng lí giải do khi nhu cầu chưa có thì nhà mạng có thể làm cao, chưa có các nhà cung cấp nội dung chuyên nghiệp thì nhà mạng tự làm. Tuy nhiên, khi Nhà nước buộc doanh nghiệp (nhà mạng - PV) tăng giá trị gia tăng thì sẽ có sự thay đổi mối quan hệ tương quan giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp nội dung. Nhà mạng sẽ không bị trách móc rằng phân chia không hợp lí.

Ngoài sức tăng của “cầu” đối với dịch vụ nội dung, các doanh nghiệp nội dung ngày nay cũng không còn phụ thuộc vào các nhà mạng trong việc thu phí khi có hàng loạt hình thức thu phí mới. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp nội dung chủ yếu thu phí qua dịch vụ đầu số hay hệ thống tính cước trực tuyến trong mạng di động (online charging system) thì nay, sự phát triển của các cổng thanh toán cùng sự tham gia nhiệt tình của khối ngân hàng, doanh nghiệp nội dung số có thể thông qua kênh này để thu phí. Đơn cử như các trường hợp thu phí qua cổng thanh toán Ngân Lượng.

Doanh nghiệp nội dung số cũng chủ động tìm đến những hình thức kinh doanh mới mà không phụ thuộc nhà mạng như hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối, chẳng hạn Zing kết hợp với Samsung (ZingPhone); Socbay iMedia với LG (Wink Pro và Wink Style); tham gia các chợ ứng dụng (Nokia Ovi, App Store…).

Thế cờ vẫn ở chất lượng dịch vụ

Tham khảo kinh nghiệm từ những thị trường đi trước, một đại diện đến từ Công ty Maxis (Malaysia) cho biết, ở các nước, câu chuyện ăn chia giữa nhà mạng và doanh nghiệp nội dung thường diễn ra theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, tỉ lệ ăn chia vẫn nghiêng về nhà mạng, giai đoạn 2 các doanh nghiệp nội dung có tiếng nói hơn nhưng cán cân vẫn chưa câacirc;n bằng. Đến giai đoạn thứ 3, khi kho ứng dụng đa dạng thì tỉ lệ ăn chia mới đạt sự cân đối. Còn ở Nhật Bản, nhà mạng chỉ được 8%, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp nội dung. Cần nhìn nhận rằng Nhật Bản là quốc gia có thị trường dịch vụ nội dung cực phát triển với những khoản doanh thu khổng lồ.

Tỉ lệ ăn chia ra sao phụ thuộc vào chính chất lượng của dịch vụ nội dung.

Trở lại hoàn cảnh Việt Nam, dẫu tình hình có những tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp nội dung, một đại diện của mạng di động Viettel vẫn cho rằng “Data (dịch vụ nội dung) là sản phẩm mà các công ty nội dung làm được trong khi doanh nghiệp viễn thông không làm được. Thị trường data 5% di động cần phải được đẩy lên 50%. Internet gia đình từ 10% lên 60%. Đó là điều kiện tiên quyết để bùng nổ dịch vụ nội dung. Đó là sân chơi rộng và phong phú đến mức nhà mạng dù lớn vẫn không làm được. Tuy nhiên, các công ty nội dung phải xác định làm những cái nhà mạng không làm được”.

“Về câu chuyện ăn chia, ai sẽ quyết định? Nếu doanh nghiệp nội dung làm những cái nhà mạng không làm được thì dù tỉ lệ là 90% nghiêng về nhà cung cấp nội dung, chúng tôi cũng chấp nhận”, vị đại diện này kết luận.

Như vậy có thể thấy, các doanh nghiệp nội dung số hiện đang đứng trước thách thức về dịch vụ mới, hấp dẫn người dùng, mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên câu chuyện về bản quyền nội dung số, chi phí đầu tư cho chất lượng nội dung trong bối cảnh kinh tế hiện nay lại là câu chuyện dài mà Tạp chí Thế Giới Vi Tính - PC World Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu và đề cập sau.Theo PCWorld VN