Điện thoại

Người dùng iPhone bị sao chép kho ảnh trái phép

Người dùng iPhone bị sao chép kho ảnh trái phép

Apple và các nhà phát triển ứng dụng cho hãng này đang bị chỉ trích gay gắt sau khi có nhiều bản báo cáo cho rằng một số ứng dụng đã sao chép danh bạ và toàn bộ thư viện ảnh của người dùng các thiết bị iOS mà không cần xin phép.

Các nhà phát triển ứng dụng thừa nhận sau khi người dùng cho phép một ứng dụng trên iPhone, iPad hoặc iPod Touch truy cập vào danh bạ, ứng dụng này có thể sao chép tòa bộ kho ảnh của họ mà không có bất kỳ cảnh báo nào được đưa ra.
 
Hiện chưa xác định những ứng dụng cụ thể nào trên App Store của Apple đang sao chép bất hợp pháp kho ảnh của người dùng. Mặc dù các quy tắc của Apple không cấm cụ thể việc sao chép ảnh, nhưng Apple khẳng định hãng luôn kiểm duyệt tất cả các ứng dụng được gửi đến App Store và sẽ phát hiện những hành vi xấu ở các nhà phát triển. Tuy nhiên, hành vi sao chép danh bạ của người dùng đi ngược lại các quy tắc của Apple và hãng công nghệ Mỹ đã phát hiện nhiều ứng dụng phổ biến đang thu thập thông tin này.
 
Apple hiện chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về vụ việc trên.
 
Thời gian đầu, khi một ứng dụng muốn sử dụng dữ liệu vị trí để lập bản đồ hoặc vì mục đích nào khác thì các thiết bị của Apple sẽ hỏi người dùng có cho phép không thông qua một tin nhắn dạng pop-up có nội dung “cho phép truy cập vào thông tin vị trí trên ảnh và video”. Khi các thiết bị iOS lưu các file ảnh và video, chúng thường chứa kèm tọa độ địa điểm mà chúng được chụp hoặc quay lại - và việc này tạo ra một nguy cơ tiềm ẩn khác.
 
Người dùng thiết bị iOS có nguy cơ bị phát tán ảnh riêng tư 
 
“Có thể hình dung, một ứng dụng truy cập vào dữ liệu vị trí có thể có được toàn bộ nhật ký ghi lại những nơi mà người dùng từng có mặt dựa trên vị trí các bức ảnh”, ông David E.Chen, đồng sáng lập Curio, một công ty phát triển ứng dụng cho nền tảng iOS của Apple “Dữ liệu vị trí cũng như các bức ảnh và video của bạn có thể được tải lên máy chủ. Apple hầu như không có khả năng giám sát hoặc hạn chế việc sử dụng chúng”.
 
Trên các thiết bị của Apple, việc được phép truy cập vào kho ảnh được cho phép lần đầu tiên vào năm 2010 khi Apple phát hành phiên bản thứ 4 của iOS. Thay đổi này nhằm mục đích giúp các ứng dụng ảnh hiệu quả hơn. 
 
“Việc này rất kỳ lạ, bởi Apple đòi hỏi phải có sự cho phép của người dùng khi muốn truy cập vào dữ liệu vị trí nhưng thực sự những gì mà các ứng dụng đang làm là truy cập vào toàn bộ kho ảnh của bạn”, John Casasanta, chủ sở hữu studio phát triển ứng dụng rất thành công Tap Tap Tap.
 
Tờ New York Times đã tiến hành phỏng vấn một nhà phát triển. Nhân vật này yêu cầu được giữ kín danh tính vì ông đang làm việc cho một nhà sản xuất ứng dụng phổ biến. Nhà phát triển này được yêu cầu tạo ra một ứng dụng thử nghiệm để thu thập ảnh và dữ liệu vị trí từ một chiếc iPhone. Khi ứng dụng thử nghiệm mang tên PhotoSpy được mở, nó yêu cầu truy cập vào dữ liệu vị trí. Một khi nhận được sự cho phép, nó bắt đầu quét ảnh và dữ liệu vị trí của người dùng lên một máy chủ từ xa.
 
Một số ứng dụng trên App Store âm thầm sao chép danh bạ và toàn bộ thư viện ảnh của người dùng các thiết bị iOS mà không cần xin phép
 
“Apple có trách nhiệm to lớn như là một người gác cổng cho App Store và các ứng dụng mà người dùng tải về chiếc điện thoại của họ”, David Jocobs, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm thông tin cá nhân điện tử (Electronic Privacy Information Center) nói “Apple và các nhà phát triển ứng dụng nên chắc chắn mọi người hiểu những gì mà họ cho phép”.
 
“Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người nổi tiếng bị lộ ảnh riêng tư và bị phát tán. Nếu việc ăn cắp ảnh được thực hiện dễ dàng hơn thì các vụ rò rỉ ảnh sẽ còn diễn ra nhiều hơn trong thời gian tới”, Jacobs nhấn mạnh thêm “Không chỉ những người nổi tiếng mới có nguy cơ bị lộ ảnh nhạy cảm, rất nhiều trang web đang cố gắng có được ảnh riêng tư từ những người bình thường và các chính trị gia để đưa lên mạng Internet”.
 
Hiện tại, App Store đã có tới 600.000 ứng dụng và trong bối cảnh Apple đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ Google và Android, một số ý kiến bày tỏ lo ngại rằng hãng công nghệ Mỹ đang mất cảnh giác hơn về việc giám sát các nhà phát triển ứng dụng, đẩy người dùng vào những rủi ro không cần thiết và những ứng dụng kém.
 
Hồi tháng trước, Apple đã cho phép một ứng dụng Pokemon giả mạo giá 99 xu. Mặc dù ứng dụng này chỉ cung cấp một loạt các bức ảnh Pokemon không hơn không kém nhưng nó đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng thu phí phổ biến nhất trước khi bị Apple gỡ bỏ.