Triển lãm và hội nghị truyền thông quốc tế 2011 sự kiện quy mô trong lĩnh vực viễn thông, CNTT - Internet và điện tử hàng năm ở Việt Nam đang diễn từ 16 - 19/11/2011 tại Hà Nội đang thu hút sự quan tâm đông đảo. Trước thềm VietnamComm sáng ngày 15/11 và trong ngày đầu của hội nghị chuyên đã có hội thảo riêng và những nội dung liên quan đến ứng dụng CNTT trong ngành y tế.
<>
<>Các bệnh viện ứng dụng rộng rãi giải pháp hội truyền hình
Hội thảo Phát triển ứng dụng Công nghệ Thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) đối với ngành y tế trước và hội thảo chiều ngày 16/11 của VietnamComm, chủ đề ứng dụng CNTT-VT đối với ngành y tế đã làm nóng ngày đầu Hội nghị VietnamComm 2011.
Sáng 15/11, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo Phát triển ứng dụng CNTT-VT đối với ngành Y tế qua các điểm cầu: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Khánh Hoà, Đắc Lắc, Điện Biên. Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, VNPT, các Sở Y tế, bệnh viện địa phương và một số bệnh viện Trung ương như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Chợ Rẫy đã tham gia.
Đây là một nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT-VT nâng cao hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hạ tầng CNTT giữa tập đoàn VNPT và Bộ Y tế và các bệnh viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN), đơn vị cung cấp giải pháp Hội nghị truyền hình (teleconfrence) và giải pháp khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) cho các bệnh viện cho biết, hiện có 80% nguồn lực, trang thiết bị hiện đại tập trung tại trung ương và các bệnh viện tuyến trung ương; 80% nhu cầu khám chữa bệnh tập trung tại địa phương; Hàng năm có 600.000 - 7,5 triệu bệnh nhân nhập viện bị nhiễm khuẩn do đó, việc quá tải tại các bệnh viện lên tới 300%... Vì vậy, việc ứng dụng hội nghị truyền hình trong y tế mang lại những lợi ích như: Tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; kết nối các điểm cầu tại nhiều vùng địa lý khác nhau; có thể ghi lại toàn bộ thông tin, hình ảnh của phiên họp; trao đổi nhiều loại tài liệu khác nhau dưới dạng hình ảnh, âm thanh, văn bản...
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM trình bày tại Hội thảo cho biết, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị đã ứng dụng CNTT nhiều năm nay. Từ năm 1998, bệnh viện được sự hỗ trợ đường truyền của Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) đã thử nghiệm cầu truyền hình với Trung tâm y tế quốc tế Nhật Bản (IMCJ), hội thảo bệnh lý hô hấp Yokohama, hội thảo phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày; mổ thị phạm/ trình diễn giữa các nước châu Á và ASEAN, VinaRen… Năm 2011, bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thử nghiệm hệ thống hội chẩn trực tuyến chẩn đoán hình ảnh và tiêu biểu giải phẫu bệnh.
PGS. TS. Phạm Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai có hàng trăm buổi hội thảo truyền hình với các nước trao đổi kinh nghiệm quốc tế; truyền hình tất cả các hội nghị khoa học chuyên ngành từ bệnh viện đến 8 bệnh viện vệ tinh; tổ chức các buổi hội chẩn ca bệnh khó vào chiều thứ 6 hàng tuần từ tháng 2/2011 đến nay); tiến hành họp giao ban với các bệnh viện vệ tinh và tập huấn qua mạng.
<>Ericsson và Bệnh viện Tràng An thử nghiệm dịch vụ y tế từ xa
Ericsson giới thiệu đo huyết áp và truyền kết quả đến máy tính của bác sỹ tại VietnamComm 2011 |
Ericsson đã hợp tác với Bệnh viện Tràng An, Hà Nội thử nghiệm thành công phương pháp chăm sóc sức khỏe từ xa đối với bệnh hen suyễn, cao huyết áp và tim mạch.
Vì đây là giải pháp đầu cuối, Ericsson cung cấp bộ thiết bị theo dõi để người bệnh sử dụng, tận dụng Băng rộng di động của mạng Vinaphone và Mobifone, truyền thông tin qua giao diện Web cũng phát triển bởi Ericsson tới các bác sỹ, y tá ở Bệnh viện. Người bệnh được cung cấp các thiết bị theo dõi sức khỏe của Ericsson và mọi diễn biến về tình trạng bệnh của họ được theo dõi từ xa bằng cách truyền tải thông tin qua mạng di động để các bác sỹ tại bệnh viện Tràng An theo dõi và có biện pháp điều trị kịp thời.
Giải pháp này rất có lợi cho các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính nhưng sinh sống xa các bệnh viện và cơ sở y tế. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có nhu cầu rất lớn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe bởi trung bình cứ 10.000 người trong tổng số dân thì có 12 bác sỹ và 29 giường bệnh. Ở các vùng xa xôi khoảng cách tới bệnh viện gần nhất có thể lên tới 14 km.
Ông Ngô Xuân Sinh, giám đốc Bệnh viện Tràng An cho biết "Chúng tôi quyết định ứng dụng giải pháp kết nối băng rộng di động của Ericsson bởi kinh nghiệm của họ trong việc triển khai giải pháp này trên thế giới. Chúng tôi muốn cung cấp cho người bệnh sự chăm sóc tốt nhất dù họ sinh sống ở đâu. Giải pháp này nhằm mang lại cho người bệnh những sự lựa chọn hiệu quả về chăm sóc sức khỏe, đảm bảo sự an tâm và chất lượng cuộc sống."
Thử nghiệm diễn ra trong 1 tháng và vừa kết thúc vào ngày 30/9. Kết quả của thử nghiệm đang được bệnh viện Tràng An nghiên cứu về hiệu quả. Kết quả sẽ được báo cáo với Viện Khoa Học Công Nghệ Bộ Y Tế để đánh giá và bàn các bước kế tiếp cho năm 2012 và tương lai.
Ông Denis Brunetti, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Ericsson Việt Nam cho biết: "Việt Nam có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng viễn thông để triển khai giải pháp này và Ericsson sẵn sàng hợp tác với các nhà mạng di động để khai thác các cơ hội của lĩnh vực này. Giải pháp y tế từ xa là một phần trong tầm nhìn về Xã Hội Kết Nối của chúng tôi. Đó là xã hội mà những đối tượng vốn thừa hưởng lợi ích từ kết nối giờ sẽ được kết nối trực tiếp với nhau. Đây chính là lợi ích của công nghệ di động trong việc giải quyết hiệu quả những thách thức mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang đối diện, thể hiện rõ tiềm năng của công nghệ trong việc mang lại lợi ích tốt hơn cho cuộc sống.”
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo Bộ Y tế, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Phương cho biết "Bộ Y Tế hết sức ủng hộ những giải pháp điều trị từ xa như của Ericsson".
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Phương cũng cho biết ngành Y tế đang gặp nhiều thách thức trong ứng dụng CNTT vào ngành này: thiếu cán bộ chuyên ngành tin học y tế và chưa có chuyên ngành đào tạo môn học này ở bậc đại học và lương thấp cũng không thu hút cán bộ tin học về làm việc cho ngành; mã bệnh nhân chưa được xây dựng thống nhất trên toàn quốc; Mỗi Vụ, Cục ở Bộ có cơ sở dữ liệu riêng chưa tích hợp được, các bệnh viện có nhiều hệ thống tin học khác nhau không làm được việc với nhau… Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng những chuẩn, quy định thống nhất và kế hoạch dài hạn để ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn nữa phục vụ công tác khám, chữa bệnh.