Cục Quản lí Cạnh tranh khẳng định nếu VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone thì đó sẽ là hành vi nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Vì vậy, để được phê duyệt thì cần có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 23/3/2012, Cục Quản lí Cạnh tranh của Bộ Công thương, Cục Tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính và Jica của Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo Chính sách cạnh tranh và tái cấu trúc doanh nghiệp. Vấn đề pháp lí xung quanh việc nếu VNPT sáp nhập VinaPhone và MobiFone đã làm nóng hội thảo này.
Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Cạnh tranh cho biết, hiện Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa nhận được phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp của VNPT. Tuy nhiên nếu VNPT muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone sẽ nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Cụ thể, điều 18 của Luật Cạnh tranh có quy định cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Trong khi đó, nếu VinaPhone và MobiFone tập trung lại sẽ có thị phần trên 50% nên sẽ vi phạm điều luật này. Vì vậy, ông Vũ Bá Phú cho rằng, nếu VNPT vẫn muốn được chấp thuận thì sẽ phải xin được miễn trừ đối với trường hợp này. Cụ thể tại điều Điều19 của Luật Cạnh tranh đưa ra 2 trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Thứ nhất, sẽ được áp dụng đối với trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản. Thứ hai là việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kĩ thuật, công nghệ.
“Như vậy, VNPT sẽ phải làm hồ sơ đề nghị được miễn trừ và trình Cục Quản lí Cạnh tranh của Bộ Công thương. Bộ TT&TT và Bộ Công thương cũng sẽ xem xét trường hợp sáp nhập của VNPT có thuộc loại được miễn trừ hay không. Sau đó Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng quyết định về việc miễn trừ này”, ông Vũ Bá Phú nói.
Tại buổi hội thảo, ông Osamu Igarashi-chuyên gia của Jica cho rằng, việc sáp nhập hai công ty VinaPhone và MobiFone trong cùng tập đoàn VNPT không phải là vấn đề lớn. Thế nhưng, vấn đề ở đây cần xem xét là nó có ảnh hưởng như thế nào đến việc cạnh tranh trên thị trường. Nếu việc sáp nhập ảnh hưởng đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác thì cũng cần phải xem xét.
Đại điện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tái cấu trúc. Bên cạnh đó, các Bộ chủ quản phải xây dựng quy hoạch ngành hay nói cách khác là quy hoạch quốc gia. Sau khi quy hoạch được công bố thì các doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện theo quy hoạch.
Hiện Bộ TT&TT cũng đã xây dựng Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo đó, ở mỗi dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng... phải đảm bảo thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên phù hợp để có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), để phát triển bền vững và hiệu quả, phải có ít nhất 3 doanh nghiệp viễn thông có thị phần tương đồng để tạo thành thế chân vạc trên thị trường. Ông Phạm Hồng Hải ví dụ nếu chỉ có 2 doanh nghiệp có thị phần lớn và 1 doanh nghiệp chiếm thị phần nhỏ thì cũng sẽ không thể tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú cho rằng nếu thị trường di động tồn tại 3 mạng di động có thị phần tương đồng thì rất tuyệt vời cho việc cạnh tranh. Thế nhưng, trong trường hợp chỉ còn hai mạng di động thì chính sách quản lí cạnh tranh phải được áp dụng chặt chẽ để chống các hành vi vi phạm cạnh tranh.
Theo dự thảo Quyết định Phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ TT&TT xây dựng cũng cho phép tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sát nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành các tập đoàn, tổng công ty mạnh trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực, tài nguyên viễn thông; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tập trung kinh tế và việc quản lí, phân bổ nguồn lực, tài nguyên viễn thông một cách bình đẳng để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.