Nhịp sống số

Mỹ xây dựng siêu máy tính với chip 16 lõi của AMD

Công ty Cray của Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng chip 16 lõi mới của AMD để xây dựng siêu máy tính 11,5 petaflops phục vụ nghiên cứu khoa học.

Cray Inc. đang xây dựng một siêu máy tính để phục vụ nghiên cứu khoa học do nhà nước Mỹ tài trợ theo một hợp đồng trị giá 188 triệu USD. Ban đầu hợp đồng này thuộc về IBM.

Siêu máy tính có khả năng đạt hiệu suất tối đa 11,5 petaflops (1 petaflops = 1 triệu tỉ phép tính dấu chấm động mỗi giây) khi nó được hoàn thành vào năm tới. Hệ thống này sẽ được xây dựng với 49.000 bộ xử lí (BXL) của Advanced Micro Devices (AMD), hôm thứ Hai 14/11/2011 Cray cho biết.

Các chip AMD sẽ được sử dụng trong hệ thống này là những BXL Opteron thuộc họ 6200, 4200 (trước đây có tên mã là Interlagos) vừa được phát hành hôm thứ Hai 14/11/2011.

Cray và AMD đã không tham gia dự án siêu máy tính có tên là "Blue Waters" ngay từ đầu. Hồi tháng 8/2011, IBM đã kết thúc hợp đồng 4 năm để xây dựng siêu máy tính quy mô petaflops tại Trung tâm Quốc gia cho cácỨng dụng Siêu tính toán (NCSA) của Đại học Illinois (Mỹ) với sự đồng thuận của cả hai bên.

Sự ra đi của IBM khiến trung tâm dữ liệu của NCSA thiếu hệ thống máy tính đáp ứng xử lí các ứng dụng cho 25 đội nghiên cứu khoa học ở đây (cần tới khả năng tính toán của hàng chục nghìn lõi tính toán). Đến tuần trước, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) của Mỹ - nhà tài trợ chính của dự án - đã phê duyệt kế hoạch phần cứng mới.

Cray được thuê một phần vì họ có thể đáp ứng lịch trình ban đầu là hệ thống được đưa vào vận hành trong năm 2012, chi phí xây dựng hệ thống nằm trong ngân sách dự án tổng thể ban đầu là 208 triệu USD. Cray đang triển khai khoảng 300 tủ XE6 của mình (các tủ này sẽ chạy BXL AMD) và phiên bản tương lai của siêu máy tính XK6 với chip đồ họa (GPU) Tesla của NVIDIA.

Hồi tháng 10/2011, Cray đã được Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge của Bộ Năng lượng Mỹ trao hợp đồng trị giá 97 triệu USD để xây dựng một hệ thống, cũng sử dụng chip AMD và GPU NVIDIA, có thể cung cấp hiệu năng lên đến 20 petaflops.