Tháng 12 năm ngoái, Apple thua kiện Motorola tại Đức trong vụ kiện vi phạm bằng sáng chế 3G/UMTS do Motorola đứng bên nguyên. Hậu quả là Apple phải chấm dứt việc bán nhiều sản phẩm di động chạy iOS tại thị trường này, đồng thời bồi thường thiệt hại cho Motorola. Đến hôm nay, trang Foss Patents đã có trong tay một số tài liệu của tòa án, trong đó liệt kê số tiền bồi thường mà Motorola yêu cầu Apple phải trả là 2,25% doanh thu, tương đương gần 15 USD nếu tính trên giá bán (không trợ giá) của mỗi chiếc iPhone 4S phiên bản thấp nhất.
Từ giữa năm 2011, Motorola đã lên tiếng cáo buộc nhiều sản phẩm điện tử của Apple vi phạm bằng sáng chế về công nghệ 3G của Motorola. Tuy nhiên, Apple cho biết họ đã trả phí bản quyền về các chuẩn công nghệ 3G thông qua một thỏa thuận cấp bản quyền chéo giữa Motorola và Qualcomm. Để bảo vệ cho mình, Apple đã yêu cầu trình thỏa thuận cấp bản quyền này lên tòa án Đức để xem xét, song Motorola đã làm tất cả để ngăn điều đó lại. Kết quả là nội dung bản thỏa thuận chỉ được phân tích trong một phiên tranh tụng kín, thay vì công khai như mong muốn của Apple.
Trong nỗ lực ngăn không cho Apple đưa nội dung bản thỏa thuận với Qualcomm ra tòa, Motorola đã đề nghị với Apple một thỏa thuận cấp bản quyền theo tiêu chuẩn FRAND (công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử). Con số 2,25% xuất hiện trong một lá thư được gửi từ công ty Bardehle Pagenberg đại diện cho Apple đến trưởng nhóm cố vấn pháp lý của Motorola Marcus Grosch. Số tiền này sẽ được đánh trên doanh thu của Apple khi bán các sản phẩm di động iOS, và đủ để trả cho tất cả những công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Motorola mà Apple sử dụng.
Apple phản biện rằng yêu cầu phí bản quyền mà Motorola đưa ra là quá cao, và công ty đã không áp dụng nhưng điều luật của FRAND để đưa ra một mức phí hợp lý hơn. Để so sánh, Apple đã tìm kiếm thông tin về mức phí mà các công ty sản xuất điện thoại thông minh khác trả cho cùng những bằng sáng chế đó của Motorola. Một số công ty mà Apple có được thông tin là Nokia, HTC, LG Electronics và Ericsson. Motorola phản hồi rằng hãng cũng sử dụng một số bằng sáng chế của các nhà sản xuất trên, do đó khoản phí bản quyền mà họ trả cho Motorola có thể thấp hơn của Apple là vì đã khấu trừ đi phần phí của Motorola rồi.
Nếu Apple có khả năng chứng minh rằng mức phí mà Motorola đưa ra là quá cao thì nó không chỉ giúp hãng thoát khỏi lệnh cấm bán của tòa án Đức, mà còn đặt đối thủ vào chiếc ghế nóng trước mặt Ủy ban Châu Âu. Cơ quan này đã tiến hành điều tra chống độc quyền đối với Samsung trong việc cấp bản quyền các bằng sáng chế FRAND sau khi hãng điện tử Hàn Quốc sử dụng chúng để kiện Apple.