Theo nguồn tin từ Computerworld, các thiết bị chạy Windows 8 dựa trên nền tảng chip ARM sẽ không thể cài được các hệ điều hành khác như Linux/Android do vướng phải rào cản bảo mật Secure Boot của Microsoft. Theo đó, một phiên bản Secure Boot sẽ được tích hợp trên các thiết bị di động như điện thoại và máy tính bảng nhằm ngăn người dùng hoặc hacker phá bootloader và can thiệp vào hệ thống. Mặc dù máy tính bảng Windows 8 vẫn chưa ra mắt nhưng ngay với Windows Phone, Microsoft đã áp dụng công nghệ Secure Boot gây khó khăn trong việc chỉnh sửa bootloader và cài đặt các phần mềm "lậu" từ bên ngoài.
Microsoft cho biết người dùng có thể vô hiệu hóa Secure Boot trên các hệ thống lớn hơn nhưng theo tài liệu thiết kế:
Kích hoạt/Vô hiệu hóa Secure Boot: Trên các hệ thống non-ARM (các hệ thống hoạt động trên nền tảng chip Intel), việc vô hiệu hóa Secure Boot yêu cầu phải được thực hiện qua quá trình cài đặt phần sụn (firmware). Người dùng sẽ được phép chọn vô hiệu hóa Secure Boot trong quá trình cài đặt phần sụn mà không bị trói buộc bởi hệ thống mã hóa Pkpriv. Hoạt động vô hiệu hóa Secure Boot trong quá trình khởi động Boot Services hay sau khi thoát EFI Boot Services là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Các hệ thống sử dụng nền tảng ARM cũng KHÔNG ĐƯỢC PHÉP vô hiệu hóa Secure Boot.
Việc Microsoft cải tiến hệ thống bảo mật là một điều tốt nhưng thật đáng tiếc khi với máy tính bảng ARM, người dùng không thể cài song song Windows 8/Linux để trải nghiệm toàn bộ chất lượng phần cứng mà thiết bị mang lại. Đặc biệt là trước tình hình các bản phân phối Linux như Ubuntu, Linux Mint hay Fedora đều đã nâng cấp lên giao diện Gnome 3 và tối ưu hệ thống điều khiển trên màn hình cảm ứng.