Sau sự xuất hiện khá thành công trong năm 2011, năm 2012 được các chuyên gia dự đoán sẽ chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ultrabook. Ngoài ra, thị trường máy tính bảng cũng được dự đoán sẽ có rất nhiều thay đổi với sự "tham chiến" từ Microsoft.
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là năm được coi là đánh dấu sự đi xuống của công nghệ 3D. Trong khi, người khổng lồ Google được coi sẽ có một năm đầy "sóng gió" ở phía trước.
Dưới đây là 6 dự đoán về sự phát triển của thị trường máy tính trong năm 2012:
"Làn gió mới" mang tên ultrabook
Sau một năm 2011 với khá nhiều dấu ấn, thì năm 2012 được dự báo sẽ chứng kiến sự bùng nổ của dòng máy tính "siêu mẫu" với tên gọi ultrabook. Bên cạnh những hãng lớn như Samsung, HP, Acer... hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện, nâng cấp dòng sản phẩm của mình thì chắc chắn những "gã khổng lồ" trong làng công nghệ khác như Sony, Dell hay ASUS cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chơi.
Bên cạnh sự đa dạng về số lượng cũng như chủng loại, khái niệm ultrabook chắc chắn cũng sẽ thay đổi cả về kiểu dáng, thiết kế cũng như cấu hình. Những tin đồn về sự xuất hiện của những mẫu "siêu laptop" với thiết kế màn hình từ 14 inch trở lên cũng sẽ có nhiều khả năng trở thành hiện thực.
Ngoài ra, khi chi phí sản xuất ổ SSD đang ngày càng trở nên rẻ hơn, giấc mơ về những chiếc ultrabook với cấu hình cao, khả năng lưu trữ lớn cùng giá thành ở mức bình dân chắc chắn không phải là điều quá ư xa vời.
Sự vươn lên mạnh mẽ của ổ cứng thể rắn SSD
Xuất hiện từ cách đây khá lâu và luôn được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ là sự thay thế về mặt lưu trữ cho thế hệ ổ cứng thông thường, nhưng rào cản về giá thành sản xuất luôn khiến ổ cứng SSD vượt xa khỏi tầm với của đại đa phần cộng đồng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, mọi chuyện được dự báo là sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2012 khi giá thành sản xuất ổ cứng SSD đã giảm rất mạnh so với thời điểm mới xuất hiện trên thị trường (năm 2006). Ngoài ra, việc giá thành ổ cứng truyền thống đang bị tăng lên do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân (đáng kể nhất là trận lũ lịch sử tại Thái Lan) nên việc diễn ra một sự chuyển giao thế hệ giữa hai loại ổ cứng này là rất có khả năng xảy ra.
So với ổ cứng thông thường, ổ SSD có khả năng truy xuất dữ liệu cao hơn rất nhiều. Thiết bị này còn có chế độ bảo mật cao cùng độ bền lên tới hàng chục năm.
Máy tính bảng Android liệu có đổi vận?
Năm 2011 chứng kiện cuộc "quyết đấu" giữa hai hệ điều hành Android và iOS. Tuy nhiên, sự áp đảo và thống trị vẫn dành cho "siêu phẩm" iPad của Apple. Dù hệ điều hành Android phiên bản Honeycomb có khá nhiều tính năng thú vị, nhưng nó vẫn chưa đủ sức hút đối với không chỉ giới chuyên gia mà ngay cả người tiêu dùng phổ thông cũng có xu hướng lựa chọn iPad nhiều hơn.
Sự thất vọng của phiên bản Honeycomb còn thể hiện ở chỗ mặc dù xuất hiện trên rất nhiều loại thiết bị của tất cả các hãng sản xuất lớn nhưng ngay trong nội bộ "gia đình" Android, HĐH Honeycomb cũng chỉ dành được vỏn vẹn 3,3% thị phần (con số quá nhỏ so với 55,5% thị phần của phiên bản Gingerbread dành cho smartphone).
Trong năm 2012, Google sẽ tung ra phiên bản Android 4.0 với tên mã Ice Cream Sandwich cùng rất nhiều cải tiến thú vị. Nhưng sức ép dành cho ‘người khổng lồ’ làng công nghệ cũng là không hề nhỏ bởi nếu như phiên bản Ice Cream Sandwich không tạo được sự đột phá, cái tên Android có thể bị loại ra khỏi cuộc chơi trong lĩnh vực máy tính bảng do Microsoft cũng đã quyết tâm gia nhập cuộc đua cùng Windows 8 – hệ điều hành được tối ưu hóa cho máy tính bảng.
Phân khúc máy tính bảng vẫn sẽ "nóng bỏng"
Bên cạnh cuộc đua hứa hẹn sẽ là rất khốc liệt về hệ điều hành giữa 3 ông lớn Apple, Google và Microsoft thì năm 2012 được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ còn chứng kiến sự "lột xác" về thiết kế của các thiết bị máy tính bảng.
Những sáng tạo về mặt thiết kế kiểu như Asus Transformer hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới trên thị trường. Ngoài ra thì việc thay đổi kích thước màn hình máy tính bảng cũng sẽ tạo nên sự đa dạng và mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dùng thay vì các hãng sản xuất chỉ tập trung vào hai kích thước 7 và 10 inch như hiện nay.
Bài toán 3D vẫn chưa có lời giải
Sau khi bộ phim "bom tấn" Avatar được trình chiếu vào cuối năm 2009, công nghệ 3D đã được giới chuyên gia đánh giá rất cao và coi là xu hướng giải trí trong tương lai gần.
Tuy vậy, 2 năm đã trôi qua và trên thị trường TV, mặc dù công nghệ 3D đã bùng nổ trong thời gian đầu nhưng vẫn rất khó khăn để có những bước tiến dài. Trên thị trường máy tính hay các thiết bị công nghệ khác, 3D còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Rất ít trò chơi trên thị trường hiện nay được tích hợp công nghệ 3D. Ngoài ra một rào cản lớn nữa chính là việc các thiết bị tích hợp 3D như laptop, TV vẫn có giá thành không hề rẻ (Sony VAIO F Series tích hợp 3D có giá gần 50 triệu đồng).
Intel và "cây cầu hi vọng" mang tên Ivy Bridge
Sau những thành công nhất định đối với thế hệ bộ vi xử lí thứ hai mang tên Sandy Bridge, Intel tiếp tục nâng cấp thế hệ bộ vi xử lí của mình với tên mã Ivy Bridge. Không chỉ gây ấn tượng với người tiêu dùng nhờ sức mạnh được nâng lên ít nhất là 20% so với thế hệ CPU cũ, cuộc cách mạng do Intel thực hiện còn hướng đến thời lượng sử dụng pin dành cho các thiết bị di động.
Theo đó thì dòng CPU này sẽ được tối ưu hóa nhằm mang đến thời lượng sử dụng pin ở laptop một sự đột phá mới và những chiếc laptop có thời lượng pin cả ngày sẽ không còn nằm ngoài tầm với của đa phần cộng đồng người tiêu dùng nữa.