Thời gian gần đây, việc sử dụng những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… dần dà trở thành một món ăn tinh thần phổ biến trong cuộc sống hiện đại , đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Không thể phủ nhận những lợi ích mà các hệ thống mạng xã hội này mang đến cho người dùng. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích thì trào lưu này cũng mang lại không ít những rắc rối và phiền toái.
Chúng ta nghĩ rằng mình đang phát triển giao tiếp qua mạng xã hội – nhưng sự thật là không!
Dạo một vòng quanh các trang Facebook, sẽ có một điều dễ dàng nhận thấy là số lượng bạn bè của các bạn trẻ hiện nay quả là rất nhiều – danh sách bạn bè người thân trong friendslist từ vài trăm đến hàng ngàn là chuyện rất bình thường! Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là có bao nhiêu thành viên trong list ấy là những người bạn-thật-sự? Thật khó để có một thống kê về điều đó.
Chúng ta có nhiều bạn và chúng ta đang lầm tưởng rằng mình đang mở rộng mối quan hệ, tuy nhiên sự thật là chúng ta đang tự giới hạn mối quan hệ thật sự của mình. Chúng ta add friends vô tội vạ, và accept tất cả những yêu cầu kết bạn của cả những người chúng ta chưa hề quen biết. Chúng ta “có cảm giác” rằng mình được giao lưu và kết nối nhiều hơn, nhưng thật sự các kết nối giữa chúng ta và những người bạn thật sự đang lơi dần.
Hội chứng nghiện Facebook
Có một sự thật là hiện nay, có không ít những bạn trẻ (đặc biệt là các em tuổi teen) dành quá nhiều thời gian của mình để online và đắm chìm trong những hoạt động của các trang mạng xã hội. Nhiều đến mức quên cả giờ ăn, giờ ngủ và kết quả là sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, kết quả học tập, làm việc cũng giảm. Đây thật sự là một điều rất đáng buồn.
Có một “gia đình thứ 2” trên mạng xã hội?
Có một điều chắc hẳn cũng ít ai quan tâm, nhưng tôi cũng xin được nói qua, trên trang Facebook có một tính năng cũng khá hay, là cho phép người dùng đưa tên những người thân trong gia đình của mình vào một list, tuy nhiên, có vẻ như phần lớn các bạn trẻ cứ đưa tên những người bạn vào danh sách gia đình một cách vô tội vạ. Dạo quanh một số trang Facebook của các bạn tuổi teen, sẽ bắt gặp không ít những list có các thành viên “gia đình” gồm cả anh, chị, cô, dì, chú, bác, cha, mẹ… ngang bằng tuổi nhau! Đây có thể là một trò đùa vui của các bạn, nhưng liệu các bạn ấy có bao giờ nghĩ rằng bố mẹ mình, nếu biết được những điều đó, sẽ cảm thấy như thế nào?
Lập nhóm hội để cùng trao đổi hay để bêu xấu, công kích nhau
Việc được phép lập ra những hội nhóm tự do trên Facebook đã khiến trang mạng xã hội này càng lúc càng trở nên lộn xộn với hàng loạt những hội, nhóm được lập nên mỗi ngày. Lúc đầu dường như chỉ đơn giản là những trang dành cho các diễn viên, ca sĩ… do các fans lập nên để ủng hộ thần tượng của mình. Rồi sau đó là những biến tướng, bắt đầu xuất hiện những trang của các anti-fans, rồi fans người này công kích người kia, bếu xấu nhau vô tội vạ…, cùng hàng loạt những biến tướng khác của các hội nhóm. Thử nghĩ xem, nếu mỗi ngày giới trẻ lên mạng và bắt gặp hàng loạt những thông tin như vậy, thì điều gì sẽ đọng lại trong đầu họ?
Những người phát triển mạng xã hội luôn mong muốn “đứa con tinh thần” của mình giúp mọi người kết nối và cảm thấy được gần nhau hơn. Tuy nhiên, khi số lượng người dùng ngày một tăng đến mức không thể kiểm soát nổi thì mọi chuyện lại bắt đầu trở nên rắc rối. Thiết nghĩ, việc chung tay xây dựng một ngôi nhà thứ 2 – mạng xã hội để nó phát triển lành mạnh và mang lại lợi ích cho cộng đồng là trách nhiệm không của riêng ai. Sẽ rất khó khăn vỉ điều đó đòi hỏi một ý thức tự giác cao độ của từng thành viên trong “ngôi nhà chung” này.
Tuy nhiên, hãy đọc và dành một phút để suy ngẫm, mạng xã hội cũng chỉ là một công cụ, nhưng sử dụng như thế nào là sự lựa chọn của mỗi người, để phục vụ cho cuộc sống hay để làm cuộc sống trở nên khó chịu và phiền toái. Đó là sự lựa chọn của bạn!