Nhịp sống số

Mạng băng rộng tới các xã và giải pháp “ổn áp”

Triển khai kết nối băng rộng trên diện rộng không phải là vấn đề kỹ thuật quá khó khăn, nhưng sẽ lãng phí nếu không sử dụng hết dung lượng. Chi phí đầu tư triển khai và chi phí duy trì hoạt động sẽ đặt gánh nặng lên vai các nhà khai thác.

Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quyết định 1643/QĐ-TTg nêu rõ mục tiêu cụ thể đến năm 2015 sẽ có 100% số xã được kết nối bằng đường truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ.

Theo thống kê hành chính, Việt nam hiện có 9085 xã nông thôn, 624 thị trấn và 1403 đơn vị hành chính cấp phường ở thành phố. Với địa hình phức tạp, phân bố dân cư và mức thu nhập của người dân rất khác nhau, để đạt được mục tiêu đưa thông tin băng rộng đến tất cả các xã trên toàn quốc là một nhiệm vụ không dễ dàng. Ngay thủ đô Hà nội với địa bàn mở rộng bao gồm Hà nội và Hà tây cũ cũng bao gồm những xã vùng xa nơi dân cư có mức thu nhập thấp. Cùng với điều đó là vô số vấn đề đặt ra khi triển khai mạng thông tin băng rộng và đặc biệt là việc duy trì khai thác sao cho có hiệu quả.

Đối với một quốc gia có GDP bình quân trên đầu người năm 2011 chỉ mới đạt mức xấp xỉ 1300 USD thì nhiệm vụ đến 2015 có kết nối thông tin băng rộng đa dịch vụ đến 100% các xã thực sự là một thử thách không nhỏ đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các doanh nghiệp viễn thông.

Năm 2015, tất cả các xã ở Việt nam được kết nối thông tin băng rộng đa dịch vụ

Triển khai kết nối băng rộng trên diện rộng không phải là vấn đề kỹ thuật quá khó khăn, nhưng sẽ rất lãng phí nếu không sử dụng hết dung lượng. Chi phí đầu tư triển khai và chi phí duy trì hoạt động sẽ đặt gánh nặng lên vai các nhà khai thác. Mặt khác nếu kết nối không đáp ứng đủ dung lượng và chất lượng thì sẽ không đảm bảo được các dịch vụ yêu cầu của người sử dụng. Việc đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả tốt và hài hòa các lợi ích là một bài toán dễ nhìn thấy nhưng luôn khó giải đáp.

Tuy nhiên, thách thức và cơ hội luôn song hành. Các nhà khai thác mạng Việt Nam cùng với các nhà cung cấp giải pháp mạng đang tích cực tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Đầu tháng 3/2012, một số đơn vị thuộc VNPT và công ty ASSIA chuyên cung cấp các giải pháp DSL đã có những khảo sát thực tế và đưa ra một số đề xuất cụ thể đối với việc triển khai mạng băng rộng đến người dùng và biện pháp sử dụng hiệu quả với giải pháp quản lý nhằm điều chỉnh và ổn định tốc độ truyền dẫn, đáp ứng chất lượng đa dịch vụ theo yêu cầu.

Trong hội thảo tổ chức tại trụ sở VNPT, ông Châu Sơn, Phó trưởng Ban viễn thông, đã so sánh giải pháp của ASSIA đối với mạng băng rộng tương tự như biện pháp “ổn áp” để ổn định điện lưới. Đó là một cách ví dụ dễ hiểu và thú vị.

Ví dụ này còn thú vị hơn đối với người sử dụng dịch vụ khi mà điện lưới không ổn định thì người dùng phải tự mua ổn áp cho các thiết bị điện của mình; còn đối với viễn thông thì các nhà cung cấp mạng lưới và dịch vụ sẽ trang bị giải pháp để chất lượng dịch vụ ổn định đáp ứng yêu cầu sử dụng  mà người dùng không phải trả thêm chi phí nào. Mặt khác, giải pháp này sẽ nâng cao hiệu quả khai thác và tiết kiệm chi phí cho việc triển khai, quản lý, vận hành; giúp các nhà mạng ổn định chất lượng dịch vụ và  giảm bớt áp lực đầu tư.                

Ph.D. Marc Goldburg, Phó chủ tịch ASSIA trả lời các câu hỏi tại hội thảo.

Theo thống kê năm 2010, có gần 70% trong số 485 triệu kết nối băng rộng trên thế giới được cung cấp thông qua DSL. Những năm gần đây, thị trường DSL vẫn giữ vững sự ổn định và phát triển. Hiện tại, các nhà khai thác mạng ngày càng quan tâm hơn đến việc phát triển các dịch vụ gia tăng giá trị như VoIP, IP Tivi...trên nền tảng DSL. Trong quá trình sử dụng, tốc độ truy cập luôn được người dùng quan tâm. Giải pháp của ASSIA hướng tới việc quản lý và điều chỉnh để tốc độ truy cập luôn ổn định ở mức cao đủ đáp ứng yêu cầu sử dụng đa dịch vụ của khách hàng, đồng thời tăng hiệu quả khai thác. Giải pháp phần mềm quản lý của ASSIA hiện đang quản lý và tối ưu hóa hơn 60 triệu kết nối DSL trên thế giới, chiếm 90% thị phần kết nối DSL ở Hoa kỳ, 40% kết nối DSL ở châu Mỹ La tinh, 18% kết nối DSL của toàn thế giới. Thực tế triển khai cho thấy các giải pháp này không chỉ thuận tiện cho mạng đô thị nơi có lưu lượng lớn mà cũng phù hợp cho việc phát triển mạng băng rộng đa dịch vụ nông thôn tới các vùng xa bởi hệ thống có khả năng tự động giám sát điều chỉnh nên giảm giá thành quản lý.

Với những kinh nghiệm từ việc tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quản lý DSL như khuyến nghị ITU-T G.997, đại diện của ASSIA cũng đưa ra những nhận định về vai trò  và khẳng định về xu thế phát triển công nghệ và các giải pháp về DSL trên thị trường thế giới. Các kết nối trên nền tảng DSL chắc chắn vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam có 100% số xã được kết nối bằng đường truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ. Các giải pháp mới sẽ đem lại chất lượng dịch vụ ổn định ở mức cao, đáp ứng tốt yêu cầu của người sử dụng đồng thời sử dụng hiệu quả mạng lưới, hài hòa lợi ích của nhà khai thác cung cấp dịch vụ.