Mặc dù mạng 4G chưa được phổ biến trên thị trường thế giới nhưng các hãng viễn thông thế giới đã tiếp tục với cuộc cạnh tranh trong việc phát triển công nghệ 5G.
Gói dịch vụ 3G đầu tiên tại Việt Nam được VinaPhone đưa ra vào giữa tháng 10/2009. Ngay sau đó, Viettel cũng đã trình diễn về 3G và cho khách hàng của mình bước đầu làm quen với công nghệ di động băng thông rộng thế hệ thứ ba này.
3G (Third Generation Technology) vốn là tiêu chuẩn truyền thông di động băng thông rộng thế hệ thứ 3 theo khung định IMT-2000 của ITU (Liên minh Viễn thông Thế giới). Các công nghệ 3G đều hỗ trợ truyền dữ liện vô tuyến di động băng thông rộng và đây là điều khác biệt chính giữa 3G và thế hệ trước 2G. Trước đây, các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam cho phép chạy ứng dụng thoại, tin nhắn ngắn (SMS) và một số dữ liệu băng thông hẹp của 2G (và 2,5G), trong khi đó, các nhà khai thác 3G đã tận dụng được tính năng truyền dữ liện vô tuyến di động băng thông rộng và bảo mật cao để cung cấp các dịch vụ cần băng thông lớn để truyền tải, chẳng hạn video phone, quản lí định vị đa điểm, thương mại điện tử di động…
4G (còn gọi là LTE - Viết tắt của Long Term Evolution) là bước phát triển tiếp theo sau 3G. Xét về mặt công nghệ, 4G là một mạng di động thiên về việc truyền dữ liệu hơn là phục vụ cho các tính năng thoại. Nếu công nghệ 3G hiện tại có thể đáp ứng tốc độ download tối đa là 14,4 Mb một giây thì LTE có thể đáp ứng tối đa 100 Mb một giây (tương đương với công nghệ quang FTTx hiện tại).
Một nhà mạng đã đưa vào thử nghiệm 5 dịch vụ đặc trưng và phổ biến nhất của mạng 4G dựa trên nền tảng tốc độ Download/Upload cao là Video Streaming, LiveTV, HD Video Call, Video Conference, VOD - TVoD. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp gồm VNPT, Viettel, CMC, FPT và VTC. Các doanh nghiệp có thời gian thử nghiệm công nghệ 4G trong thời hạn một hoặc 2 năm để đánh giá công nghệ và nhu cầu của người sử dụng tại trong nước. Trong khi đó, trên thế giới hiện nay đã có khoảng 17 nhà mạng cung cấp các dịch vụ 4G.
Theo dự đoán, 2011 sẽ là năm phát triển của công nghệ viễn thông 4G để thay thế cho công nghệ 3G của năm trước cùng với sự xuất hiện của các thiết bị di động hỗ trợ.
Tuy nhiên, công nghệ 4G chưa qua, cuộc chạy đua giữa các mạng viễn thông lại tiếp tục với chuẩn 5G.
Không thể làm ngơ trước tiềm năng của công nghệ WiMax và LTE - hai công nghệ được cho là thuộc nhóm 4G, với sự ưu việt về tốc độ truyền dữ liệu và độ ổn định (nhận được dữ liệu kể cả khi đang ngồi trên chiếc xe phóng 100km một giờ). Phần thuyết trình về "Hậu 4G" của hãng Motorola đã đề cập về một thế hệ mạng có ăngten và trạm phát sóng "hợp tác với nhau", "phân chia công việc cho nhau", nhằm tạo ra tốc độ cao hơn nữa. Ví dụ, một chiếc điện thoại sẽ có thể kết nối cùng lúc với 2 trạm phát sóng, truyền dữ liệu thông qua cả 2 trạm này, hoặc nó có thể vừa kết nối với trạm phát sóng, vừa "bắt tín hiệu" với một thiết bị khác.
Hàn Quốc, nước xếp thứ hai trong ngành công nghiệp di động toàn cầu, đã tuyên bố sẽ phát triển luôn công nghệ 5G nhằm đạt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu năm 2012. Theo đó, nước này sẽ đầu tư 60 tỉ won (58,5 triệu USD) cho 3 năm tới để phát triển công nghệ 4G và hi vọng có thể thiết lập một chuẩn quốc tế để từ đó bắt đầu làm việc về 5G.