Smartphone

Smartphone nào có camera tốt nhất?

Smartphone nào có camera tốt nhất?
Đầu tiên, mục đích của bài thử nghiệm trên không phải là để đưa ra được 1 phép thử mang tính khoa học mà chỉ đơn thuần là 1 bài test phục vụ nhu cầu giải trí của độc giả. Về cơ bản mà nói, để thực hiện được việc test Camera một cách chính xác cần kinh nghiệm, thiết bị và các điều kiện kiểm tra được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Những điều kiện này, cá nhân tôi, chỉ là 1 tay máy dưới mức nghiệp dư, không và có lẽ sẽ không bao giờ đáp ứng được. Vì vậy xin hãy lưu ý rằng tất cả ảnh chụp sử dụng trong bài viết rất có thể chưa thể hiện được 100% năng lực của chiếc smartphone ấy về mặt máy ảnh mặc dù để đảm bảo chất lượng ảnh sử dụng trong bài là tốt nhất có thể của camera đó, tôi chụp mỗi máy ở mỗi tình huống 3 ảnh và chọn ra ảnh tốt nhất để đưa vào bài.
 
Tuy nhiên như đã nói, ngay từ đầu tôi không hề đặt tham vọng rằng mình sẽ đưa ra được kết quả chính xác 100% mà bài test này đơn thuần chỉ là việc so sánh 1 cách tương đối hiệu năng của các camera trên smartphone về khả năng đo sáng, chống rung, cân bằng màu sắc và độ chi tiết. Và với tiêu chí đó, tôi cho rằng bài test đã thành công hơn mức mong đợi của mình. Mặc dù kết quả bình chọn không thực sự giống như những gì tôi dự đoán, mong đợi cũng như nhận định nhưng điều đó càng chứng tỏ rằng ý kiến của độc giả đôi khi khác rất xa ý kiến của cá nhân tôi, cũng như bất kỳ reviewer nào ở GenK. Và có lẽ trong tương lai chúng tôi sẽ phải xem xét đến việc thiết kế các bài đánh giá, cảm nhận có khả năng tương tác với độc giả nhiều hơn. Mong bạn đọc ủng hộ và góp ý để GenK có thể phục vụ các độc giả được tốt hơn.
 
Đi vào phần nội dung chính, 4 smartphone mà chúng tôi sử dụng trong bài viết lần lượt là A: Samsung Galaxy Nexus, B: Sony Ericsson Xperia Arc S, C: HTC Vivid, D: Apple iPhone 4. Về kết quả bình chọn thì có lẽ chúng ta đều đã thấy, HTC Vivid được độc giả GenK rất ưu ái khi được chọn ở vị trí đầu bảng tới 5 lần, theo sát sau đó là Arc S khi dẫn đầu 3 test, tiếp theo là siêu phẩm mới nhất của Apple: iPhone 4S mặc dù nhận được rất nhiều đánh giá tích cực của giới chuyên môn về mặt Camera nhưng dường như độc giả GenK đã chứng minh điều ngược lại khi chỉ bình chọn cho iPhone 4S có 2 lần. Và bét bảng là "chiến binh Android 4.0 đầu tiên" Galaxy Nexus với thể hiện rất tệ ở cả 10 bài test và không giành được 1 điểm danh dự nào.
 
Từ trái qua (không theo thứ tự trong test): HTC Vivid, Sony Ericsson Arc S, Samsung Galaxy Nexus, Apple iPhone 4S.
Thông qua kết quả của các bài test, chúng ta có thể tổng kết điểm mạnh của các smartphone như sau: HTC Vivid thuyết phục người sử dụng với khả năng bắt ảnh nhanh và xử lý rất chi tiết, sắc sảo trong điều kiện đủ sáng. Tuy nhiên khi "dính" đến tình huống thiếu sáng, ảnh từ HTC Vivid có xu hướng sạn, nhiều nhiễu và phải nhường chỗ cho Arc S với nước ảnh "nuột" hơn và khả năng bù sáng xuất sắc. Bên cạnh đó, iPhone 4S được đánh giá cao ở các tình huống xử lý ngược sáng và đo màu rất tốt. Camera của Galaxy Nexus không hề tệ, nhưng thật không may là khi phải đứng bên cạnh những bậc anh tài như Vivid, iPhone 4S, Arc S thì camera của Galaxy Nexus bị "dìm hàng" khá thê thảm.
 
HTC Vivid được ưu ái.
 
Nhìn chung trong bài viết trước rất nhiều bạn đọc đưa ra dự đoán của mình về "ai là ai?" nhưng rất tiếc, chưa 1 dự đoán nào chính xác 100%. Rất nhiều độc giả "khăng khăng" gán iPhone 4S hay Arc S cho vị trí C vì hình như C được bình chọn... nhiều quá. Nhưng sự thực là chỉ cần đôi chút kinh nghiệm và tinh ý cùng phương pháp loại trừ chúng ta có thể xác định khá rõ được "danh tính" của từng model chỉ thông qua ảnh chụp. Model dễ nhận ra nhất có lẽ là Arc S. Ở bài test số 7, trong khi tất cả các bức ảnh khác ở crop 100% đều thể hiện rất nhiều nhiễu và sạn thì bức ảnh của máy B lại mịn, ít hạt mặc dù thiếu độ chi tiết và sắc sảo cần thiết. Đây là 1 điểm rất đặc trưng của dòng smartphone từ Sony Ericsson sử dụng cảm biến Exmor R. Loại cảm biến này tích hợp 1 bộ lọc nhiễu rất mạnh, "trừ khử" hầu hết nhiễu, sạn trên bức ảnh gây ra cảm giác ảnh mịn màng nhưng cũng vì thế mà làm "mềm" các đường nét. Bên cạnh đó độ nhạy sáng cao của Exmor R cũng khiến ảnh khi sử dụng flash (test 8) của Arc S cho cảm giác "sáng sủa" hơn các model còn lại.
 
Arc S rất dễ nhận ra với khả năng khử nhiễu đặc trưng.
Bên cạnh Arc S thì Vivid cũng tương đối dễ nhận dạng. Dù là phiên bản của nhà mạng AT&T nhưng Vivid cũng sử dụng chung camera với 1 vài smartphone gần đây của HTC như HTC Sensation XL, HTC Rhyme, Amaze 4G... Và với cải tiến mới về Camera, thực sự chất lượng ảnh từ các smartphone của HTC được cải thiện rất nhiều so với các thế hệ trước như Sensation, Desire HD... Tuy nhiên vẫn như các bậc tiền bối, HTC Vivid vẫn vướng 1 điểm yếu rất lớn: Sai màu.
 
Màu cỏ, lá trên HTC Vivid rất úa và là 1 đặc trưng dễ nhận biết của dòng HTC.
Ngay từ test 1 chúng ta đã có thể thấy phần lá cây của Vivid thể hiện "1 mình 1 phách" úa vàng trong khi các máy còn lại đều thể hiện màu xanh lá rất mát mắt. Bên cạnh đó, Vivid cũng kế thừa đặc điểm làm nét ảnh thành phẩm khá nhiều. Điều này khiến ảnh crop 100% từ Vivid trông rất chi tiết tuy nhiên ở 1 số trường hợp việc làm nét quá lố có thể khiến các chi tiết có cảm giác thiếu trung thực, đặc biệt khi chụp tối Vivid vẫn cố giữ cho ảnh được nét và hậu quả là hình ảnh trở nên rất nhiễu và sạn, làm giảm đáng kể chất lượng hình ảnh.
 
Vivid luôn cố làm nét ảnh để đánh bật chi tiết lên nhưng đôi khi điều này lại phản tác dụng. iPhone 4S có thể hiện xuất sắc hơn về mảng màu sắc cũng như khả năng đo sáng.
 
iPhone 4S và Galaxy Nexus có phần khó nhận ra hơn, tuy nhiên bài test cuối cùng đã góp phần "tố cáo" iPhone 4S vì khả năng quay video 1080p với tính năng chống rung, chống ồn rất tốt, trong khi các model còn lại đều bị tiếng gió lọt vào micro rất ù và khó nghe thì âm thanh từ iPhone 4S lại êm, tách bạch hơn.
 
Và còn 1 điều nữa mà trong bài test chưa nêu được, đó là tính năng của app Camera trên các smartphone. Đây cũng là 1 điều khá quan trọng vì sự thực là tốc độ bắt ảnh, các hiệu ứng và khả năng tùy chỉnh thời gian phơi sáng đôi khi cũng quan trọng chẳng kém gì chất lượng ống kính hay cảm biến. Về mặt này mỗi smartphone có 1 điểm mạnh, yếu riêng biệt.
 
Galaxy Nexus nổi bật với tốc độ bắt ảnh cực nhanh, hầu như ngay sau khi bấm nút chụp là khoảnh khắc trước camera đã được "chộp" lại, một ưu điểm rất quí báu với các camera phone. Tuy nhiên Galaxy Nexus là chiếc smartphone dễ bị rung và nhòe ảnh nhất trong 4 máy.
 
Arc S với nhiều chế độ chụp hình nhất, tuy nhiên lại có tốc độ bắt hình rất chậm và dễ bị nhòe ảnh vì thời gian bắt ảnh quá dài.
HTC Vivid khá toàn diện với khả năng bắt hình nhanh, 1 giao diện trực quan, đầy đủ hiệu ứng.
So với các đối thủ iPhone 4S có ít tùy chỉnh đến thảm hại. Thậm chí người dùng còn không thể chỉnh được chế độ quay video 720p mà bị "trói" vào mức phân giải 1080p. Việc thiếu vắng các chế độ đo sáng, nhiệt màu khiến người dùng đôi khi "tức điên" vì máy nhận sai màu mà không thể điều chỉnh được. Nhưng cũng phải ghi nhận rằng tốc độ bắt ảnh, khả năng chống rung và màu sắc của iPhone 4S đều ở mức thượng thừa. Điều duy nhất là camera của iPhone 4S thiếu là độ nét.
Kết
 
Vậy là tôi đã "bật mí" tất cả những bí mật của bài so sánh camera rồi. Câu hỏi bây giờ là, sau khi đã biết "ai là ai", bạn có muốn vote lại hay không?