Nhịp sống số

Internet sẽ phổ cập nếu giá chỉ hơn 20.000 đồng/tháng

Internet sẽ phổ cập nếu giá chỉ hơn 20.000 đồng/tháng

Đại diện Viettel khẳng định, để Internet trở nên "bình dân" và 50% số hộ gia đình truy cập Internet thì máy tính, điện thoại sẽ chỉ ở mức từ 2 triệu đến 4 triệu đồng, giá dịch vụ cũng còn khoảng hơn 20 nghìn đồng mỗi tháng...

  • Tốc độ Internet Việt Nam: 374 KBps, 1,7 Mbps hay 9,79 Mbps?
  • Đứt cáp quang biển ảnh hưởng Internet Việt Nam
  • Internet chật vật tìm đường về nông thôn Việt Nam
  • Internet Việt Nam tăng nhanh nhất khu vực

 

Để Internet trở nên "bình dân", suất đầu tư hạ tầng trên mỗi thuê bao sẽ dần giảm đi. Ảnh: Thái Anh.

Chia sẻ hạ tầng ở khu vực nông thôn

Tại Hội thảo "Chiến lược phát triển băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam" sáng ngày 7/12, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết: Băng rộng cố định đã có sự phát triển nhanh từ năm 2003 đến năm 2011. Tính đến tháng 10/2011, Việt Nam đang có khoảng 4 triệu thuê bao, trong đó 95,69% thuê bao ADSL. Ông Nhã cho rằng, con số này vẫn còn khá thấp so với dân số Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực như Bruney, Malaysia. Ngoài ra, dù 75% dân số ở nông thôn nhưng tỉ lệ người dùng Internet ở nông thôn vẫn còn rất thấp (khoảng 25%). Băng rộng không dây (3G) cũng có những sự phát triển khá tốt khi tính đến tháng 3/2011, Việt Nam cũng đã đạt khoảng gần 8 triệu người dùng.

Để phát triển mạng băng rộng nói chung ở vùng nông thôn, ông Nhã cho rằng, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp thu hút nguồn đầu tư của xã hội tham gia xây dựng hạ tầng, tập trung xây dựng nội dung cho vùng sâu vùng xa. Mặc dù vậy, do mỗi vùng có điều kiện địa lí, kinh tế. .. khác nhau nên việc xây dựng đầu tư cũng phải có sự khác biệt. "Chú trọng yêu cầu các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông, thúc đẩy việc cạnh tranh ở vùng nông thôn thông qua chia sẻ hạ tầng ở vùng sâu vùng xa sẽ được Bộ TT&TT thực hiện trong giai đoạn sắp tới", ông Nhã khẳng định.

Cũng theo ông Nhã, sau khi đưa hạ tầng về nông thôn, Bộ TT&TT sẽ có các chính sách phát triển nội dung, giáo dục người dân sử dụng CNTT hay chương trình hỗ trợ thiết bị đầu cuối như chuyển đổi từ tiếng Anh sang tiếng Việt hay sử dụng tiếng Việt trong các thiết bị truy cập Internet. Tiếp đến, chúng ta có thể hỗ trợ giá cước cho người dân khi truy cập các thông tin hữu ích (giáo dục, nông nghiệp, sức khoẻ. .. ) để phổ cập Internet đến nông thôn.

Bà Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng phòng Chiến lược Tập đoàn Viettel cho rằng, để Internet trở nên "bình dân", suất đầu tư hạ tầng trên mỗi thuê bao sẽ nhỏ hơn hoặc bằng 50 USD thay vì ở mức 150 USD-200 USD đối với ADSL hiện nay, thiết bị đầu cuối như USB 3G giá sẽ nhỏ hơn 25 USD, Smartphone 3G cao nhất khoảng 100 USD, khi đó đại đa số người Nam mới có thể tiếp cận được. Giá các loại hình dịch vụ băng rộng sẽ không được vượt quá 1,5 USD-2 USD mỗi tháng, mức phí 3G chỉ khoảng 5 USD/GB.

Dù mục tiêu Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT đến năm 2015, 20 – 30% hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng nhưng tham vọng của Viettel là "sẽ có đến 50% số hộ gia đình có thể truy cập Internet, tương ứng 5 năm tới sẽ phải phát triển thêm được 10 triệu thuê bao băng rộng". "Để đạt được tham vọng này, đến cuối năm 2011, Viettel sẽ phủ sóng đến 90% lãnh thổ Việt Nam", bà Xuân kết luận.

Nên có sự hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị giá rẻ

Một vấn đề được đặt ra tại Hội nghị là các thiết bị đầu cuối cho người sử dụng để phát triển di động, Internet ở vùng nông thôn. Về vấn đề này, ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng Ban Viễn thông Tập đoàn VNPT cho biết, do người dân nông thôn không có điều kiện tinh tế nên yêu cầu đặt ra đối với thiết bị đầu cuối là "vừa rẻ mà phải vừa bền", thể hiện qua việc các loại máy Nokia 1110i. .. được khá nhiều người ưa chuộng nhưng các loại máy khác của Trung Quốc dù cũng rẻ không kém mà lại có ít người dùng hơn hẳn. "Do đó, ngoài giá rẻ, để phát triển thiết bị cho người dân nông thôn, độ ổn định phải được đặt lên hàng đầu và các cơ quan nhà nước nên chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp máy đầu cuối", ông Vũ Anh nhấn mạnh.

Với Viettel, nhà mạng này đã đầu tư dây chuyền để có thể tự sản xuất thiết bị giá rẻ để dễ tiếp cận người dân hơn, nhất là vùng nông thôn, cụ thể, máy tính bảng, smartphone giá 100 USD hay chiếc Easy PC ở mức giá khoảng 200 USD thông qua việc giảm thiểu cấu hình, sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ nội dung, ứng dụng. .. "Lúc đó, máy tính giá rẻ chỉ còn vỏ máy và màn hình mà thôi", bà Xuân kết luận.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 147 ra ngày 9/12/2011.