Intel đã công bố đích ngắm tiếp theo của họ là mảng chip xử lý dành cho các thiết bị di động từ tháng 2 năm ngoái với việc giới thiệu thế hệ CPU Atom mới toanh có tên là Medfield. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi chiếc smartphone đầu tiên dùng chip Intel Atom Z2460 do Lenovo sản xuất có tên là K800 vừa được ra mắt tại CES 2012.
Như vậy, gã khổng lồ đã chính thức tuyên chiến với ARM khi phá vỡ thế độc tôn của hãng này ở mảng thiết bị di động nói chung và điện thoại nói riêng. Liệu rằng Intel có thể xâm chiếm được thị trường béo bở này không? Điều đó phụ thuộc vào con chip Atom Z2460 có thể làm được những gì. Hãy cùng tìm hiểu một chút về dòng CPU cũ mà mới này.
Trước đây, bộ vi xử lý Atom thường được tìm thấy trong các thiết bị có kích cỡ khá to như một chiếc netbook hay nep với đặc điểm nổi trội là rẻ tiền và tiêu thụ ít điện năng. Intel khẳng định rằng Medfield là một cuộc cách mạng nhảy vọt của dòng CPU này. Xu hướng hiện nay của các bộ vi xử lý là càng nhiều nhân càng khoẻ, đáp ứng tốt các nhu cầu đa nhiệm, và trong năm 2012 sẽ xuất hiện loại CPU 4 nhân dành cho tablet cũng như smartphone. Vì thế nên nhiều người tỏ ra không mấy hào hứng với loại chip đơn nhân ra đời muộn như Atom Medfield.
Vậy hãng Intel đã tập trung vào vấn đề gì thay vì tăng số lõi trong chip theo xu hướng chung? Câu trả lời là họ đã có một bước tiến rất chuẩn xác khi cải thiện đáng kể độ “ăn điện” của Atom mà không làm giảm hiệu năng. Bằng cách sử dụng công nghệ 32 nm, Medfield tiêu tốn ít năng lượng gấp 10 lần so với các chip dùng công nghệ 45 nm cũ. Trước mắt chỉ có một đối thủ xứng tầm là chip Cortex A7 của ARM với công nghệ 28 nm, tuy nhiên dự kiến phải tới năm 2013 mới ra mắt thị trường.
Thời lượng pin là vấn đề vô cùng quan trọng đối với những thiết bị cầm tay, do đó mức hao tổn điện năng của CPU cũng là trăn trở lớn nhất đối với nhà sản xuất, rõ ràng chip cùng hiệu năng mà ăn ít điện hơn thì sẽ được ưa chuộng hơn. Đối thủ của Intel đang phát triển một công nghệ rất ấn tượng đảm bảo cả về hiệu năng lẫn điện năng là Big.LITTLE đự kiến áp dụng trong chip Cortex A7. ARM cho biết, công nghệ này sử dụng 2 CPU, 1 hiệu năng thấp tốn ít điện và một hiệu năng cao tốn nhiều điện. Máy sẽ chuyển đổi giữa 2 CPU này tuỳ thuộc vào ứng dụng đang chạy sao cho hiệu năng và mức tiêu tốn năng lượng phù hợp.
Quay trở lại nhân vật chính là Atom Z2460, xung nhịp là 1,6 GHz, 512KB L2 cache, sử dụng công nghệ siêu phân luồng (giống như những người anh em ở dòng Sandy Bridge dùng cho máy tính) nên CPU này có thể xử lý đồng thời 2 luồng dữ liệu, đem lại hiệu năng vận hành cao.
Với vài phép thử nghiệm, benchmark và so sánh với những đối thủ hiện có trên thị trường, Atom Z2460 trong Lenovo K800 thể hiện cực tốt. Đầu tiên phải kể đến tốc độ lướt web cực nhanh, trình duyệt trên K800 nhanh gấp 3 lần Samsung Galaxy S2. Tiếp đó là phép thử tiêu tốn năng lượng khi dùng 3G, kết quả là hệ thống Medfield chỉ tiêu hao lượng điện bằng 50% so với sản phẩm đến từ Apple: iPhone 4S. Intel cam kết thiết bị dùng CPU của họ sẽ duy trì được tối thiểu là 26 tiếng trong điều kiện sử dụng bình thường.
Ngoài ra, trong một cuộc trình diễn của Intel, Lenovo K800 thể hiện khả năng vô cùng ấn tượng của mình: chạy mượt mà video full HD 1080p. Không chỉ thể hiện tốt trên màn hình bé của điện thoại, khi kết nối với màn hình thông qua cổng HDMI, chất lượng đoạn phim vẫn cao và không xuất hiện tình trạng giật.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu năng ấn tượng và khả năng tiết kiệm điện, Atom Z2460 cũng gặp khá nhiều khó khăn khi bước vào thị trường mới do nó là một bộ vi xử lý x86. Đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ kỹ sư của Intel bởi hầu hết các phần mềm dành cho Android đều không được thiết kế chạy trên tập lệnh vốn phổ biến trên máy tính này. Hãng này đã mạnh miệng tuyên bố điện thoại chạy Android dùng chip của mình hỗ trợ tới 90% ứng dụng hiện có trên thị trường và không cần các phiên bản đặc biệt hỗ trợ riêng dành cho x86.
Vẫn còn quá sớm để có thể biết rằng liệu Atom Medfield có thành công trên thị trường thiết bị di động hay không. Bộ vy xử lý này thực sự đã gây ấn tượng mạnh cho giới công nghệ bởi hiệu năng ấn tượng cùng khả năng tiết kiệm điện năng của mình ngay trong ngày đầu ra mắt. Nếu như Intel thực sự làm được những gì họ đã tuyên bố với kho phần mềm hiện có thì chắc chắn thị phần của ARM sẽ bị rung lắc cực mạnh. Hi vọng dòng chip tiếp theo của hãng này sẽ có bước tiến lớn hơn, cuộc đua song mã kéo dài càng lâu và càng gay cấn thì người tiêu dùng càng có nhiều cơ hội để được trải nghiệm nhiều công nghệ mới với những tính năng thú vị.