Nắm bắt được xu hướng này các nhà sản xuất phần cứng cũng đang rục rịch cho ra những thiết bị để sử dụng cho các thiết bị di động đơn cử như nVidia với chíp xử lý Tegra. Thế nhưng ông lớn phần cứng Intel vẫn chưa có những động thái mạnh mẽ để xâm nhập thị trường di động, một thị trường đang được coi là béo bở.
Nhiều người có thể cho hành động của Intel là khó hiểu, là không biết nắm bắt xu hướng thị trường thế nhưng với những năm tháng đỉnh cao dành được nhiều kinh nghiệm để thống trị thị trường chíp máy tính để bàn thì Intel vẫn có lý do để làm như thế.
Không việc gì phải vội
Các thiết bị hậu PC đang có nhiều ảnh hưởng tới máy tính truyền thống: Trong quý vừa qua, doanh số bán hàng của smartphone đã lần đầu vượt xa doanh số bán hàng máy tính, smartphone đang ngày càng rẻ hơn và dần dần là sự thay thế hợp lý cho dumb phone. Chỉ tính riêng doanh số tablet iPad của Apple không thôi thì nó cũng đã chiếm được 17% doanh số bán hàng của máy tính truyền thống.
Có một điều chúng ta cần phải hiểu thật rõ ràng rằng: Hậu PC không đồng nghĩa với cái chết của máy tính truyền thống. Chúng vẫn có những lợi thế mà không thiết bị nào có thể làm được. Đành rằng làm việc trên các thiết bị di động rất thoải mái, rất tiện dụng và người dùng có thể làm việc ở bất cứ đâu nhưng bất luận chiếc smartphone hay tablet mà bạn sử dụng là loại gì, cấu hình "khủng" đến đâu hoặc màn hình lớn tới đâu thì bạn cũng chưa chắc có thể sử dụng chúng để làm những công việc cần tới nhiều sức mạnh và nhiều thao tác xử lý như chỉnh sửa ảnh Photoshop hay dựng phim 3D.
Các yếu tố sức mạnh xử lý hạn chế, màn hình cảm ứng, giới hạn về khả năng ứng dụng khiến có những công việc không thể hoàn thành được trên các thiết bị di động, đồng nghĩa với việc máy tính truyền thống sẽ phải vào cuộc.
Có cầu thì tất nhiên sẽ có cung và với tư cách là nhà sản xuất chíp máy tính lớn nhất thế giới thì Intel vẫn có lãnh địa riêng của mình. Dẫu cho mảnh đất này sẽ bị thu hẹp dần dần nhưng hoàn toàn không có chuyện nó biến mất. Intel hoàn toàn có khả năng để làm mưa làm gió ở đây. Thêm nữa là khả năng xử lý của ARM chưa thể sánh được so với các CPU 8 nhân sử dụng kiến trúc x86 của Intel. Thế nên sự đe dọa của ARM đối với Intel cũng chưa phải là lớn lắm.
Bên cạnh đó việc các hãng phần cứng đua nhau chạy sang mảng di động khiến cho thị trường chíp máy tính ít được quan tâm hơn, cán cân cung cầu sẽ bị chênh lệch và đây cũng là một trong những lý do cờ sẽ về tay Intel, ông trùm sản xuất chíp máy tính. Thực tế cũng đã phản ánh đúng như vậy khi mà doanh số bán hàng chíp xử lý cho PC của Intel vẫn tăng 17% trong năm ngoái dù cho số lượng máy tính để bàn bán ra sụt giảm nghiêm trọng.
Mặt khác thì việc thị trường đã có nhiều hãng sản xuất phần cứng di động và một số lính mới tiếp tục tham chiến sẽ làm tăng tính cạnh tranh hơn cho thị trường này vốn đã khốc liệt này khó lại càng thêm khó. Và Intel có quá ít lý do và kinh nghiệm để tham gia sớm và đầu tư nghiêm túc vào thị trường này.
Những dấu hiệu cảnh báo
Tuy vậy thị trường công nghệ luôn thay đổi và nếu muốn thành công hay chí ít là tồn tại chúng ta luôn biết phải thay đổi để bắt kịp với xu thế. Trong những năm tới nhu cầu cho tablet và smartphone sẽ còn tăng mạnh kéo theo sự sụt giảm về doanh số cũng như độ rộng thị trường của PC. Và nếu Intel không chịu chấp nhận thay đổi thì một "cái chết" giống như RIM là điều hoàn toàn có thể hiểu được, vị thế của hãng chắc chắn sẽ bị tụt xuống nếu như chỉ biết bám gối vào PC.
Intel đã từng rất vui vẻ để cho ARM thống trị thị trường CPU cho thiết bị cầm tay mà không hề "lăn tăn" gì. Thế nhưng sự trỗi dậy quá nóng và quá mạnh mẽ của các thiết bị di động như smartphone và tablet trong những năm gần đây đã làm Intel không thể ngồi yên. Năm 2008, đánh hơi được xu thế của thị trường, Intel cho ra đời dòng CPU Atom, thực ra là 1 phiên bản rút gọn của các CPU dành cho PC dành cho các thiết bị cầm tay.
Nhưng những gì mà Atom làm được lại không thể khiến Intel hài lòng, dòng chip này gần như chẳng được nhà sản xuất thiết bị cầm tay nào đoái hoài. Ứng dụng duy nhất của Atom đó là sử dụng trong các máy tính xách tay loại nhỏ netbook. Trong quý vừa qua doanh số bán hàng của Atom đã giảm tới 57% và chỉ đạt mức 167 triệu USD trong tổng số 13,9 tỷ USD của Intel. Atom là một nỗ lực của Intel để "ngáng chân" ARM, nhưng với những gì đã xảy ra thì Intel đã thất bại hoàn toàn.
Tiếp theo đó một trong những đối tác của Intel là Microsoft đã chuyển sang sử dụng chip ARM cho máy tính bảng sử dụng Windows 8 nhằm cạnh tranh với đối thủ iPad. Mối tình tan vỡ này có thể coi là biểu hiện cho sự thất thế của Intel trong thời gian hiện tại.
Cũng lại là một đối tác nữa của Intel là Apple, quả táo đang có kế hoạch chuyển đổi từ chip Intel sang chip ARM cho các sản phẩm MacBook của mình.
Qua những dấu hiện trên ta có thể thấy rõ ràng là mọi chuyện đều bất lợi cho Intel tuy rằng ảnh hưởng của chúng vẫn chưa đáng kể nhưng điều đó không có nghĩa là Intel không cần phải lo.
Hiện tại thì khả năng xử lý của ARM chưa thể sánh được so với các CPU 8 nhân sử dụng kiến trúc x86. Tuy nhiên ARM lại đang có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh cộng với sự hậu thuẫn và ủng hộ của các ông lớn cả về phần cứng lẫn phần mềm. Cứ với cái đà này thì cái ngày mà ARM bắt kịp x86 của Intel để thò chân vào lãnh địa của hãng sẽ không còn xa. Và Intel nếu không có những thay đổi hợp lý thì một kết cục của hãng sẽ được báo trước.