Máy tính bảng

IDC: iPad, Kindle Fire vẫn chưa mở ra kỉ nguyên hậu PC

Chúng ta đang ở trong thời kì hậu PC như Steve Jobs từng tuyên bố? Theo IDC hãng nghiên cứu IDC thì không phải như vậy.

Tranh cãi xung quanh vấn đề này lại nổi lên khi thị phần máy tính bảng của Apple không ngừng tăng trên thị trường PC nói chung. Theo thống kê mới nhất của công ty Canalys, Apple đã trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới trong quý 4/2011 với doanh số chiếm 17% toàn bộ thị trường.

Tại sao HP sau nhiều năm thống trị lại đột ngột tụt xuống vị trí thứ 2 chỉ với 12,7%? Câu trả lời chính là iPad. Trong 3 tháng cuối năm 2011, Apple đã xuất xưởng hơn 15 triệu chiếc iPad, lấn lướt mọi loại thiết bị máy tính cầm tay khác.

"Chúng ta đang chứng kiến bước chuyển biến lớn nhất của nền công nghiệp máy tính trong vòng 20 năm qua”, Steve Brazier, Giám đốc Điều hành Canalys, phát biểu trên Cnet đầu tuần vừa qua, khi đề cập đến sự phát triển của máy tính bảng (MTB).

Trong khi đó, Kindle Fire cũng rất được chú ý. Brazier đã đưa ra một nhận định khá thú vị về Amazon. Ông cho rằng, tập đoàn bán lẻ trực truyến về sách và các thiết bị công nghệ này sẽ nhanh chóng trở thành hãng sản xuất thiết bị tầm cỡ chỉ trong một vài năm tới đây. Đó cũng là vì MTB. Theo số liệu từ IDC, số lượng MTB Kindle Fire của Amazon nhanh chóng tiêu thụ được 5 triệu chiếc chỉ trong 2 tháng.

Nhiều nhà phân tích thuộc Citigroup cũng đánh giá cao ý kiến của Tim Cook rằng, sự cải tiến nhanh chóng của nền tảng iOS và các nền tảng di động khác sẽ nhanh chóng mở rộng khả năng sử dụng của máy tính bảng. Giống như Steve Jobs, ông này khẳng định, kỉ nguyên hậu PC đã bắt đầu.

Tuy nhiên, ông Bob O'Donnell, Phó Chủ tịch của IDC lại cho rằng, thời kì hậu PC vẫn còn ở khá xa. "Chúng ta không phải đang ở kỉ nguyên hậu PC, mà thời kì này chỉ có thể được gọi là thời kì PC mở rộng (PC+). Người ta sở hữu máy tính đồng thời với những thiết bị bổ sung khác”.

O'Donnell cho rằng, có rất nhiều thứ bạn không thể thực hiện được trên một chiếc máy tính bảng. “Kiểu bàn phím cơ học vẫn thực sự cần đến cho những chiếc máy tính”, O’Donnell nhấn mạnh. “Và cũng có rất nhiều các ứng dụng cao cấp đòi hỏi sức mạnh vận hành lớn hơn”.

"Máy tính bảng có lãnh địa riêng của nó. Máy tính cũng có lãnh địa riêng. Tuy nhiên, càng ngày khả năng “chung sức” của 2 loại thiết bị này sẽ càng lớn”.

"Một ví dụ điển hình là Adobe và các ứng dụng chỉnh sửa ảnh cảm ứng của họ. Các ứng dụng này được phát triển riêng cho máy tính bảng. Bạn có thểi dùng để vạch các ý tưởng cơ bản, sau đó, vẫn phải chuyển và xử lí chúng trên các phần mềm chuyên nghiệp hơn, có độ chính xác cao hơn và hiệu quả làm việc tốt hơn như Adobe Illustrator hay Photoshop. Điều đó nghĩa là chúng được xây dựng để bổ sung, chứ không phải là sự thay thế cho các ứng dụng Adobe dành cho máy tính để bàn”.

Tương tự như vậy, các tác vụ có thể được sử dụng đồng thời và qua lại trên cả PC và máy tính bảng. “Liệu sẽ có người dùng nào hoàn toàn hài lòng với chỉ một laptop mà không cần đến smartphone hay iPad? Có lẽ là không”, O’Donnell nói.