Nhịp sống số

Hiệp ước ACTA - Mối đe dọa mới đối với cộng đồng internet?

Cuối cùng thì cả hai dự luật gây tranh cãi là SOPA và PIPA đều đã "tạm biến mất" khỏi Nghị Viện Hoa Kỳ. Đó có thể được coi là một chiến thắng bước đầu của cộng đồng người sử dụng internet trên toàn thế giới.
 
Tuy nhiên, một bản hiệp ước hoàn toàn mới có xuất xứ từ “lục địa già” châu Âu sẽ có nguy cơ thay đổi hoàn toàn thế giới mạng Internet giống như SOPA hay PIPA sẽ làm (giả sử) nếu chúng được thông qua.
Dân biểu Darrell Issa.

Dân biểu California, Darrell Issa vừa qua cho biết, ACTA (viết tắt của Anti-Counterfeiting Trade Agreement – Hiệp ước Thương mại Ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền) hiện tại đang được hội đồng châu Âu thảo luận. Tuy nhiên, một khi được đại đa số các quốc gia sử dụng internet ký kết, thì sức mạnh mà SOPA đem tới cho hệ thống tòa án sẽ “chẳng là gì” so với những gì ACTA mang lại. Theo ông Issa, “đối với cá nhân tôi, một dân biểu trong hạ viện, thì ACTA ẩn chứa nhiều mối nguy hại đến internet hơn cả SOPA. Một khi được thông qua, nó sẽ chẳng thay đổi bất kỳ bộ luật hiện hành nào. Tuy nhiên nếu chuyện đó xảy ra, ACTA sẽ tạo ra cả một hệ thống hành pháp mới, và ở một phương diện nào đó, sức mạnh của Nghị viện sẽ trở nên bất lực trước nó”.
 
Lời phát biểu của ông Issa đã gần như ngay lập tức làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi sục ngay tại diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ. Tham dự cuộc tranh luận trong khuôn khổ sự kiện bên lề mang tên “Documented@Davos” này không chỉ có ông Darrell Issa, mà còn có rất nhiều tên tuổi khác như nhà sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales, giám đốc pháp Lý của Google David Drummond và đặc biệt là CEO của Mashable, Pete Cashmore.
 
Sự “bất lực” của Nghị viện các nước trước ACTA “chính là thứ khiến nó trở nên vô cùng nguy hiểm”. Không giống như SOPA, ACTA mang tham vọng lớn hơn rất nhiều so với bộ luật chỉ có tác dụng bên trong nội địa nước Mỹ. Bản dự thảo này được viết ra nhằm mục đích hoạch định một chiến lược bảo vệ tác quyền toàn cầu, cũng như tạo ra những quy chuẩn chung về bản quyền tài sản trí tuệ cho các nước ký kết hiệp ước này. Không dừng lại ở đó, ACTA còn sở hữu nhiều điều khoản không hề liên quan tới internet, ví dụ như bản quyền công thức bào chế một loại thuốc chẳng hạn.

Theo thông tin từ tổ chức "Đấu tranh vì tự do trên Internet" thì tác động của ACTA đến thế giới internet là rất to lớn. Hiểu một cách rất đơn giản thì nó tạo ra một hiệp ước giữa những người giữ bản quyền và các nhà cung cấp dịch vụ internet trong việc tạo ra một mạng lưới chống lại nạn vi phạm bản quyền trên internet. Trước đó, vào năm 2008 khi Wikileaks lần đầu tiên cung cấp cho thế giới các thông tin về sự có mặt của ACTA, trang mạng này đã nhấn mạnh vào việc các nhà cung cấp dịch vụ internet bắt buộc phải cung cấp danh tính thật của khách hàng khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

 
Ở thời điểm hiện tại, ACTA đã được tham gia bởi nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Italy, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, và vào năm ngoái là Mỹ. Trong khi vẫn chưa thể chắc chắn rằng ACTA sẽ mang lại quyền lực lớn đến đâu, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng nhiều mảng được đề cập trong đạo luật SOPA vừa qua được dựa trên nền tảng của chính ACTA.

Các nghị sĩ Ba Lan đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes
để phản đối việc chính phủ ký hiệp ước ACTA.

 
Cuộc “thánh chiến” (như cách mà các netizen tự gọi hành động đoàn kết phản đối hai dự luật SOPA và PIPA) vừa kết thúc rất có thể là tiền đề để những hành động phản đối hiệp ước ACTA được tiến hành. Hiện tại, ở một số nước đã tham gia vào hiệp ước ACTA, mà trong đó phải kể tới Ba Lan, cư dân mạng đang sục sôi với những hành động cả trên mạng internet lẫn ngoài đời thực để phản đối hiệp ước này. Với quy mô của ACTA, chắc hẳn những hành động sắp tới của các trang web cũng như những người sử dụng internet sẽ không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai, giống như những gì đã dẫn đến sự kết thúc của chính SOPA chỉ chưa đầy một tuần trước đây.
 
Tham khảo Mashable