Nhịp sống số

Google và Microsoft khẩu chiến về quyền lợi người dùng

Khô
ng lâu sau khi Google thông báo về những thay đổi trong điều khoản sử dụng, Microsoft lập tức đăng đàn "chê" công ty này đang làm người dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc kiểm soát thông tin cá nhân. Gã khổng lồ phần mềm cũng không quên "gợi ý" người dùng chuyển sang những dịch vụ thay thế như Hotmail, Bing, Office 365 và cả trình duyệt IE.

Tuần trước, Google công bố những thay đổi về chính sách người dùng áp dụng từ 1 tháng 3 tới. Theo đó, công ty sẽ thu nhập dữ liệu người dùng thông qua các dịch vụ như Gmail, Youtube, Google Search. Một khi người dùng đăng nhập bằng tài khoản Google để sử dụng các dịch vụ của công ty, Google sẽ "kết hợp các thông tin từ các dịch vụ khác nhau để mang lại 1 trải nghiệm nhất quán". Điều đó có nghĩa Google có thể sẽ lưu lại các thông tin về lịch sử tìm kiếm trên Google Search, các video mà bạn đã xem trên Youtube, thông tin, hình ảnh mà bạn chia sẻ trên Google+ cũng như tên tuổi, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ IP... mà không cần bạn có đồng ý hay không.


Trong khi những chính sách này đang gây ra nhiều tranh cãi cả trong cộng đồng mạng cũng như nhiều nhà lập pháp tại Mỹ thì Microsoft đã "đăng đàn" chê những thay đổi này. "Chính sách mới của Google sẽ khiến người dùng khó khăn hơn chứ không hề đem lại thuận lợi trong việc kiểm soát thông tin cá nhân của họ". Microsoft cho rằng Google "đọc trộm" email của người dùng, thu thập thông tin để phục vụ cho mục đích quảng cáo. "Google đã kiếm được 36 tỷ USD từ việc bán thông tin của những người dùng như bạn" - hãng này viết trên Blog.

 Gã khổng lồ phần mềm cho biết: "Chúng tôi có những dịch vụ tương tự với một chính sách bảo mật tốt hơn nhiều. Hotmail có hàng trăm triệu người dùng và họ không phải lo lắng thông tin cá nhân của mình sẽ bị sử dụng cho mục đích quảng cáo. Bing là dịch vụ tìm kiếm toàn diện nhất hiện nay. Office 365 nhận giải thưởng dịch vụ văn phòng trực tuyến hoàn hảo cho doanh nghiệp, IE là trình duyệt phổ biến nhất thế giới vừa được bổ sung những tính năng mới bảo mật tốt hơn".

Ngay lập tức, những tuyên bố này bị Google phản pháo và "khuyến cáo" chiến dịch quảng cáo của Microsoft là chuyện hoang đường. Google cho biết người dùng có toàn quyền kiểm soát thông tin của mình. "Người dùng có thể chỉnh sửa hoặc xóa lịch sử tìm kiếm cũng như các video mà họ đã xem trên Youtube, sử dụng các công cụ như Google Dashboard và Ads Preferences Manager để xem các thông tin mà công ty đã thu thập từ họ. Bạn cũng có thể kiểm soát cách Google sử dụng những thông tin mà Google thu thập qua các công cụ này. Google cũng không đọc email của bạn. Chúng tôi chỉ đơn giản quét các email trong hộp thư để loại bỏ thư rác và malware. Ở một khía cạnh khác, người dùng hoàn toàn có quyền không đăng nhập vào tài khoản của Google để sử dụng các dịch vụ và nếu như vậy, dữ liệu của họ sẽ không bị thu thập" - đại diện của Google cho biết trên Blog.

Chiến dịch quảng cáo của Microsoft xuất hiện trong bối cảnh nhiều dịch vụ mà công ty này đang cố gắng cạnh tranh bị Google bỏ xa. Dịch vụ tìm kiếm Bing chỉ chiếm 1 thị phần rất nhỏ so với Google Search. Hotmail cũng không thể so sánh được với Gmail về mức độ phổ biến còn IE đang ngày càng tụt giảm thị phần trước đà tăng trưởng của Chrome và Firefox. Bảng thống kê thị phần cũng nói lên sự thống trị của Android so với Windows Phone và những phát ngôn mạnh miệng của Microsoft có lẽ cũng là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, những chính sách của Google cũng gây không ít quan ngại. Nhiều người cho rằng Google đang mượn một số mỹ từ để che đậy những mục đích mà các đối thủ như Microsoft vừa chỉ ra: quảng cáo. Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả việc người dùng đã xóa tài khoản thì các công ty như Google, Microsoft, Facebook vẫn có thể đã lưu trữ lại thông tin cá nhân của họ. Một chuyên gia cho biết thời gian mà Google lưu lại thông tin cá nhân sau khi người dùng xóa tài khoản Gmail là gần 9 tháng. Và lời khuyên dành cho những người sử dụng Internet thường xuyên, đặc biệt là những người thường sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google+ là hạn chế việc chia sẻ thông tin đến quá nhiều người (public) cũng như hạn chế chia sẻ các thông tin nhạy cảm nếu không muốn mình "lộ diện" quá nhiều trên thế giới mạng.

Tổng hợp