Nhịp sống số

Google phản bác những ý kiến tiêu cực về thay đổi của Google Search

Chỉ vài tuần trước đây, Google đã chính thức đưa những dữ liệu có được từ Google+ vào các kết quả tìm kiếm của công cụ Google Search. Và ngay lập tức, cư dân mạng đã lên tiếng nhận xét về thay đổi có tên “Search Plus Your World” này, và thật không may cho ông trùm tìm kiếm, phần lớn những nhận xét này đều mang tính tiêu cực.

 

Trong khi đó, một mạng xã hội khác, Twitter, lại than phiền rằng ông trùm tìm kiếm đã quá độc quyền khi gần như “tảng lờ” đi mọi kết quả tìm kiếm có xuất xứ từ twitter.com, và thậm chí là cả facebook.com, khi một kỹ sư lập trình tại Facebook lên tiếng về vấn đề này. Tệ hại hơn, những kết quả tìm kiếm xã hội hóa của Google nhiều khi lại “chẳng liên quan” tới từ khóa tìm kiếm.

 

Sự “thụt lùi” này vô tình khiến cho Bing “vớ bở” khi có không ít người sử dụng chuyển qua sử dụng công cụ tìm kiếm của Microsoft. Xin được nhắc lại, vào khoảng thời gian cuối 2010, đầu 2011, Microsoft đã chính thức bắt tay với Facebook để “nâng cấp” cho công cụ tìm kiếm của gã khổng lồ xứ Redmond, giúp nó bước vào cuộc chiến xã hội hóa.

 

Vậy, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, người sử dụng dịch vụ nghĩ gì về những thay đổi này của Google?

 

Trả lời câu hỏi này của phóng viên trang tin Business Insider, Amit Singhal, trưởng bộ phận ‘ranking’ của Google Search cho biết, sau khi những thay đổi kể trên được chính thức đi vào hoạt động, người sử dụng đã thực sự cảm thấy thích thú với chúng.

 
Amit Singhal

Vậy, mức độ xác thực của nhận định này nằm ở mức nào?

 

Trao đổi với phóng viên Danny Sullivan của Business Insider, ông Singhal nói thêm “người sử dụng đang rất thích những thay đổi gắn liền với mạng xã hội này của Google, và chúng tôi có những dữ liệu của hệ thống để chứng minh cho nhận định đó".


Nhận định kể trên có phần đúng. Người sử dụng có thể thấy những kết quả tìm kiếm liên quan tới những dữ liệu mà họ chia sẻ với một ‘circle’ nhất định trên Google+, và chỉ có mình họ có thể nhìn thấy kết quả tìm kiếm đó. “Mỗi khi người sử dụng nhìn thấy kết quả tìm kiếm dành cho riêng họ, họ thực sự cảm thấy hài lòng".


Từ thực trang Google Search chỉ “chơi chung” với Google+, câu hỏi thứ hai được đặt ra: Vì sao Google Search lại (rõ ràng là) cố tình chặn những kết quả tìm kiếm từ Twitter?

 

Đến đây, Singhal bắt đầu trả lời với thái độ lẩn tránh. Ông cho biết, Google “nghỉ chơi” với Twitter là do mạng xã hội này đột nhiên chặn hoàn toàn Google khỏi việc sử dụng dữ liệu của họ, từ đó khiến cho chức năng tìm kiếm theo thời gian thực (Realtime Search) của Google trở thành “đồ bỏ”. Theo Singhal, đội ngũ phát triển Realtime Search đã “bỏ hết tâm huyết của mình vào sản phẩm, chỉ để biến nó trở thành một sản phẩm vô dụng".


Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa thể khẳng định rằng Google hay Twitter là “tội đồ”, vì cả hai công ty hiện vẫn còn đang trong quá trình thương thảo nhưng vẫn chưa tiến được tới một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Tuy nhiên, qua những gì Amit Singhal đã trao đổi với phóng viên Business Insider, chúng ta có thể thấy rõ ý kiến của Google: Bất kể ai là người phá vỡ thỏa thuận, Google sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ một đối tác nào, nhất là khi “nơi xảy ra chiến sự” lại chính là đứa con cưng của họ, công cụ Google Search.