Chỉ 8 tiếng sau khi xuất hiện, trò chơi Amazing Alex của Rovio nhanh chóng leo lên vị trí số một trên bảng xếp hạng các ứng dụng ăn khách nhất dành cho iPhone.
Angry Birds ra đời từ cuối năm 2009 và phải hơn hai năm sau, công ty Phần Lan này mới trình làng ứng dụng game thứ hai nhằm chứng minh họ không phải chỉ có mỗi ý tưởng về "lợn ăn trộm trứng chim".
Trò chơi Amazing Alex. |
Amazing Alex là game trí tuệ với các chướng ngại vật và buộc cậu bé tò mò Alex phải sắp xếp đồ vật để giải đó. Sản phẩm được giới thiệu ngày 12/7 cho iOS và Android với giá 1 USD và lập tức đứng đầu danh sách ứng dụng trả phí trên App Store Mỹ chỉ vài tiếng.
"Đây là ứng dụng leo lên được vị trí số một trong thời gian kỷ lục ở Mỹ", chuyên gia phân tích Tero Kuittinen của công ty nghiên cứu Alekstra cho hay.
Phát triển ứng dụng di động đang trở thành xu hướng trong giới lập trình viên, thể hiện rõ qua việc Objective-C, được dùng để xây dựng app cho iPhone và iPad, đã nằm trong số ba ngôn ngữ lập trình thịnh hành nhất thế giới, vượt qua cả C++, Visual Basic và PHP. Smartphone và tablet mang đến cho các nhà phát triển cơ hội lớn để tiếp cận dễ dàng hàng triệu người sử dụng chỉ trong thời gian ngắn, giúp họ thu về khoản tiền lớn qua việc bán phần mềm hoặc quảng cáo.
Điều này thể hiện rõ qua trò chơi Cắt hoa quả (Fruit Ninja) khi kiếm được tới hơn 400.000 USD từ quảng cáo mỗi tháng. Halfbrick Studios, công ty phát triển Fruit Ninja với số nhân viên 60 người, cho hay ngoài tiền quảng cáo trên bản miễn phí, game còn nằm trong danh sách 10 ứng dụng trả phí phổ biến nhất cho iPhone, nhờ đó họ bỏ túi tổng cộng hơn 1 triệu USD mỗi tháng.
Fruit Ninja ra đời cùng giai đoạn với Angry Birds và hiện thu hút 300 triệu lượt download với khoảng 1,5 nghìn tỷ hoa quả đã bị "chém".
Trò chơi Fruit Ninja. |
Tương tự, nhờ Angry Birds, Rovio kiếm được 100 triệu USD năm ngoái và như thu hút được 42 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Accel Partners (từng "đỡ đầu" cho Facebook và Baidu). Rovio đang được giới phân tích ước tính có giá trị tầm 6-9 tỷ USD, tức một công ty chuyên sản xuất những trò chơi miễn phí hoặc có giá vài đô trên smartphone lại đang được đánh giá ngang với "đồng hương" là hãng điện thoại lớn thứ hai thế giới là Nokia (7 tỷ USD). Nokia không còn được báo chí nhắc tới như là công ty lớn nhất hay niềm tự hào của Phần Lan nữa.