Nhịp sống số

Dự luật bản quyền Internet gây tranh cãi

Stop Online Piracy Act (SOPA), dự luật chống vi phạm bản quyền của Mỹ, nếu được thông qua sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet Mỹ có quyền ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền trên toàn thế giới.

Đạo luật đang được các nhà sản xuất nội dung như Motion Picture Association of America, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, và cả Phòng thương mại Mỹ vận động hành lang làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trên các trang mạng.

Các hãng công nghệ lớn cũng bị đạo luật này chia rẽ vì những xung đột về quyền lợi. BSA (Business Software Alliance), gồm nhiều nhà phát triển phần mềm như Microsoft, Adobe hay Apple bước đầu ủng hộ dự luật. Ngược lại các công ty cung cấp dịch vụ trên nền web đã nhất trí bác bỏ dự luật gồm có Google, Facebook, Twitter, Zynga, eBay, Mozilla, Yahoo, AOL và Linkedin.

SOPA cho phép chính quyền Mỹ cấm Google đăng tải quảng cáo hoặc thông tin của các website vi phạm về bản quyền.

Nhiều khách hàng lớn như Wikipedia đã kêu gọi tẩy chay các máy chủ của GoDaddy vì hãng này đồng thuận với dự luật SOPA và yêu cầu GoDaddy phải gửi thư lên Quốc hội yêu cầu Thượng viện và Hạ viện không được hỗ trợ và thông qua SOPA.

Những người phản đối dự luật cũng đang tiến hành các cuộc vận động hành lang. Tuy nhiên Apple dường như đang đứng ngoài những cuộc tranh cãi này cho dù họ là một trong những hãng dẫn đầu thế giới về cung cấp dịch vụ tải phần mềm ứng dụng. Sự yên lặng của Apple bị nhiều đối tác phát triển phần mềm chỉ trích.

YouTube sẽ là một trong những trang sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đơn cử chỉ cần một người đưa lên trang này một clip sinh nhật của một người khác nhưng chưa xin phép, lập tức YouTube sẽ bị ngăn chặn?

Hay các bài hát, clip nổi tiếng muốn phát trên truyền hình phải trả bản quyền nhưng có thể đưa lên YouTube một cách thoải mái. Nếu SOPA được thông qua thì viễn cảnh YouTube bị cấm cửa tại Mỹ sẽ diễn ra không lâu.

Nhiều người lo ngại SOPA sẽ gây ra tình trạng độc quyền khi đối tượng chủ yếu của dự luật này là các trang web nhắm vào thị trường Mỹ. Các website vi phạm sẽ được "xét xử vắng mặt" vì khoảng cách về lãnh thổ. Chưa kể những khác biệt về quy định pháp luật của từng quốc gia khiến những người điều hành website không thể tiếp cận để khiếu nại, bào chữa... với giới luật tại Mỹ.

SOPA giúp tạo nên bộ lọc kỹ thuật giúp ngăn chặn các website vi phạm bản quyền hướng vào thị trường Mỹ.

Các trang web thương mại khi bị đưa vào "sổ đen" sẽ bị ngăn chặn truy cập, hoạt động kinh doanh, thanh toán trực tuyến, quảng cáo online trên thị trường Mỹ sẽ bị cấm cửa.

Dự luật SOPA có vẻ như chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Mỹ với các bộ lọc ngăn chặn website vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, rất nhiều công ty nước ngoài đang sử dụng tên miền từ các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ nên sẽ bị kiểm soát thông tin theo quy định của SOPA. Nhiều người cũng cho rằng SOPA sẽ khiến Internet Mỹ trở thành một ốc đảo trong bối cảnh Internet không biên giới như hiện tại.

Về cơ bản, SOPA vẫn mang ý nghĩa tích cực khi bảo vệ các doanh nghiệp và loại bỏ những hoạt động vi phạm bản quyền trên Internet. Nhưng để nó thực sự công bằng thì các nhà làm luật vẫn còn phải nghiên cứu nhiều. Dự kiến SOPA sẽ được các nhà lập pháp Mỹ bỏ phiếu vào đầu năm 2012.

SOPA (Stop Online Piracy Act) là dự luật chống vi phạm bản quyền trực tuyến đang được trình Quốc hội Mỹ thông qua. SOPA sẽ giúp chính phủ Mỹ ngăn chặn các website chứa nội dung vi phạm bản quyền như game, nhạc, game, ứng dụng..., kể cả các trang cá nhân. Ngoài ra chủ sở hữu website sẽ phải đối mặt với các cáo buộc pháp lý về hành vi phát tán bất hợp pháp nội dung vi phạm bản quyền, cũng như bị tịch thu lợi nhuận có được từ hành động này.