Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, Apple đã mời Hiệp hội lao động bình đẳng (FLA) điều tra bất thường tại các cơ sở sản xuất Foxconn tại Trung Quốc. Chủ tịch của tổ chức này khẳng định điều kiện ở đây thực chất rất tốt.
Thời gian qua, liên tiếp các tờ báo lớn ở Mỹ đưa tin về tình trạng công nhân bị bóc lột trong dây chuyền sản xuất iPhone và iPad. Một công nhân giấu tên khẳng định với CNN rằng cô và đồng nghiệp thường xuyên phải làm quá giờ quy định, không được nói chuyện riêng, bị kiểm soát chặt và không được quan tâm khi có bệnh tật. Một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi mọi người kí tên "đòi công lý" hay biểu tình bên ngoài các gian hàng Apple Store. Gần đây nhất, báo Korea Daily đưa tin với mỗi máy tính bảng được sản xuất, công nhân Foxconn kiếm được trung bình 8 USD, bằng 1,6% giá bán iPad bản thấp nhất, còn công nhân Hàn Quốc được trả 34 USD, tương đương 6,8% giá máy.
Tim Cook, CEO của Apple, tuyên bố mọi công nhân cần được hưởng môi trường lao động công bằng và an toàn. Từ tháng 1, dọ đề nghị tổ chức độc lập FLA tiến hành thanh tra 8 nguồn cung ứng linh kiện và lắp ráp sản phẩm Apple và công khai tất cả những gì thu thập được lên website.
Cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện từ 13/2 và sẽ có kết luận trong tháng sau. Tuy nhiên, theo báo Wired, Auret van Heerden, Chủ tịch FLA, đã đưa ra những nhận định ban đầu sau vài ngày tham quan Foxconn rằng: "Cơ sở vật chất trong các nhà máy này đều thuộc hàng đầu, điều kiện cơ bản tốt trên mức bình thường".
"Tôi rất ngạc nhiên khi bước vào Foxconn. Nó yên bình, không tạo cảm giác căng thẳng hay không khí như trong 'nồi áp suất' tại các xưởng may mặc hay nhiều nhà máy thuộc ngành nghề khác ở Trung Quốc", Van Heerden nói.
Về tình trạng công nhân tự tự, Chủ tịch FLA cho hay họ đã tìm hiểu vấn đề này và nhấn mạnh các vụ tự tử đã diễn ra từ thập niên 90 của thế kỉ trước. "Họ là những công nhân trẻ, đến từ nhiều vùng miền và lần đầu xa gia đình. Họ từ thôn quê đến với guồng quay công nghiệp nên cảm thấy căng thẳng và sốc. Chúng tôi nhận thấy họ muốn hỗ trợ về mặt cảm xúc và tinh thần nhưng các nhà máy đã không nhận ra điều đó", Van Heerden nói, đồng thời khẳng định tổ chức của ông không định vẽ lên một bức tranh tươi sáng tại các chuỗi cung ứng của Apple.
Trong 3 tuần tới, nhiều trong số 35.000 công nhân sẽ được FLA phỏng vấn với các câu hỏi như họ được thuê thế nào, trả lương ra sao, điều kiện tại các phòng kí túc, thức ăn, lời phàn nàn được tiếp nhận và xử lí ra sao...
Tuy nhiên, FLA cũng bị coi là một tổ chức gây tranh cãi. Họ bị Change.org gọi là "miệng lưỡi PR". Những cũng có một số blogger nhận định thực chất điều kiện hay sức ép công việc ở Foxconn và ở các nhà máy sản xuất thiết bị game, laptop, TV cũng không quá khác nhau, nhưng iPhone và iPad là "hàng hot" và Apple là một "từ khóa" để câu khách, nên người ta tập trung quá nhiều vào dây chuyền sản xuất những sản phẩm này.