Nhịp sống số

Điện toán di động sẽ là xu hướng tiêu dùng năm 2012

Tổng giám đốc mới của Intel Việt Nam Mai Sean Cang vừa chia sẻ với báo chí một số tầm nhìn về các xu hướng công nghệ trong năm sau.

  • Xu hướng “hot”: Phân tích kinh doanh và ứng dụng di động
  • Các xu hướng điện toán đám mây năm 2012

 

- Theo một báo cáo của hãng Morgan Stanley, đến năm 2015 việc sử dụng và truy cập Internet di động sẽ lớn hơn rất nhiều so với sử dụng Internet trên máy tính PC. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

- Ta có thể dễ dàng nhận ra xu hướng sử dụng ngày càng nhiều thiết bị di động như các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng tablet dựa trên nền tảng web, hệ thống GPS, game video và thiết bị ứng dụng không dây trong gia đình... Với sự phát triển và cải tiến liên tục thiết bị di động, chúng ta có căn cứ để tin rằng, trong tương lai gần, máy tính truyền thống PC sẽ bị mất ưu thế so với thiết bị cá nhân di động nhỏ gọn, tiện ích và tích hợp đầy đủ chức năng của một chiếc máy tính.

Mọi người ngày càng có nhu cầu lớn hơn về việc trải rộng “sự hiện diện” của họ ở mọi nơi, mọi lúc với các thông tin được luân chuyển liên tục qua thiết bị cá nhân nhằm gia tăng tối đa sự tiện lợi và khả năng tương tác của họ với xã hội. Thiết bị di động vì thế sẽ là lựa chọn tốt hơn để thỏa mãn nhu cầu này.

Sự phát triển bùng nổ các giải pháp công nghệ dành cho thiết bị di động cũng là một trong những nhân tố góp phần tạo ra các thiết bị cầm tay nhỏ gọn, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng thông tin và ứng dụng của người sử dụng.

Tổng giám đốc Intel Việt Nam Mai Sean Cang. Ảnh: Intel.

- Châu Á đang có vai trò gì trong sự phát triển của thị trường điện toán di động?

- Theo tôi, châu Á đang nổi lên như một trong những khu vực có tốc độ tiêu dùng sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) phát triển nhảy vọt so với thế giới, thể hiện ở mức độ sử dụng Internet và sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các thiết bị di động, bao gồm cả điện thoại thông minh, máy tính xách tay và một dòng máy tính hoàn toàn mới vừa được giới thiệu ra thị trường với tên gọi ultrabook.

Theo một số báo cáo gần đây, lượng người sử dụng Internet ở châu Á đang chiếm khoảng 44% tổng số toàn cầu và số người sử dụng điện thoại di động của khu vực này thì chiếm 56% của thế giới. Trong khi đó, theo số liệu của IDC, riêng tại thị trường Việt Nam, trong quý III vừa qua, mảng thị trường máy tính xách tay cho người dùng cuối đã chứng kiến một mức tăng trưởng ngoạn mục lên tới 83% trong khi mảng thị trường máy tính xách tay cho doanh nghiệp tăng 18%.

Người dân châu Á ngày càng có điều kiện tiếp cận hơn với các sản phẩm công nghệ thông tin hiện đại. Theo một báo cáo của Nielsen, dự đoán đến năm 2015, số lượng người được xếp vào dạng “trung lưu” sẽ tăng gần gấp đôi, từ 570 triệu người lên 945 triệu người.

Riêng tại Việt Nam, tôi có thể chỉ ra một số yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng thị trường sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó nổi bật nhất là: Giá sản phẩm nói chung giảm. Thu nhập trung bình của người Nam có thể mua máy tính trong vòng 28 tuần so với 107 tuần của cách đây 10 năm. Riêng với thị trường máy tính, người dùng trong nước luôn có nhận định việc sở hữu chiếc máy tính là quan trọng bởi đó là cách thức tốt nhất để giúp con em họ trong việc học tập.

Vì thế, chúng ta không nên chỉ nhìn nhận châu Á, trong đó có Việt Nam, là trung tâm sản xuất, gia công các sản phẩm công nghệ, nơi hỗ trợ phát triển CNTT cho thế giới, mà cần coi đây là thị trường khổng lồ tiêu thụ các sản phẩm CNTT.

- Vậy theo ông, người tiêu dùng công nghệ sẽ mua gì trong năm 2012 ?

Với những nhận định trên, tôi tin dòng sản phẩm điện toán di động sẽ tiếp tục đón nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2012, trong đó, máy tính vẫn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống số của mỗi người.

Hơn nữa, năm 2012 còn được nhận định sẽ là năm của dòng sản phẩm ultrabook cho người dùng phổ thông với những lợi thế như thiết kế mỏng hơn 1 inch và nhẹ, mạnh, thời gian khởi động nhanh.

- Việc ưu tiên sử dụng các thiết bị di động như một xu hướng tiêu dùng mới đang được thể hiện ra sao?

- Khả năng “tiêu dùng” và “tương tác” với thông tin mọi lúc, mọi nơi cũng như nhu cầu được chia sẻ, thảo luận những thông tin mà họ trải nghiệm được với những người xung quanh thông qua mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu của người tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, theo một số cuộc khảo sát gần đây, PC và smartphone là các sản phẩm “bắt buộc phải có” trong khi đó netbook và máy tính bảng là các sản phẩm “có cho vui”.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm khác biệt và sự tiện lợi bởi các giải pháp CNTT. Xu hướng này cũng cho thấy ranh giới ngày càng mờ đi giữa các loại thiết bị như notebook, máy tính bảng tablet và các thiết bị di động khi người tiêu dùng đang tự tạo ra những phương thức sử dụng riêng

Khi các thiết bị di động được ưu tiên sử dụng hơn để kết nối web, khái niệm online và offline ngày càng trở nên không thích hợp. Và điều đó mang đến một phương thức nhìn nhận mới về việc làm thế nào chúng ta sẽ hiểu về cách thức hòa nhập và trao đổi thông tin trong một bối cảnh nhất định về thời gian, không gian, và các mạng xã hội.

Sự phát triển của smart phone và nhiều phương tiện với tính năng sử dụng web sẽ dẫn đến việc các trò chơi trên mạng xã hội trở thành trải nghiệm di động mới cho người tiêu dùng. Thiết bị di động sẽ tích hợp các chỉ dẫn về bối cảnh trong thực tế và tăng gia ý thức về vị trí địa lý của người sử dụng vào một số trò chơi, bao gồm các ứng dụng “check-in” cho người sử dụng để thu nhận các điểm thưởng ảo.

Chức năng tự điều chỉnh và chuyển hướng sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong các sản phẩm CNTT tương lai và người tiêu dùng cần phải học cách để sử dụng nó nhiều hơn là chỉ ấn on/off.

- Xu hướng này sẽ có tác động gì đối với mô hình kinh doanh?

- Sự thay đổi tạo ra một cuộc cách mạng về phương tiện di động sẽ thúc đẩy việc sản xuất ngày càng nhiều hơn thiết bị di động. Quá trình tiêu thụ thông tin sẽ đòi hỏi nền tảng điện toán đám mây thông minh và các trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả, bảo mật và quan trong là “nhận thức được khách hàng” để thích ứng với xu hướng và sự thay đổi ngày càng nhanh trong hành vi sử dụng CNTT của người tiêu dùng.

Để kiểm soát và vận hành được “dòng chảy” ngày càng mạnh của các ứng dụng, thông tin và yêu cầu cho điện toán đám mây, các trung tâm dữ liệu trong tương lai cần phải đáp ứng được một môi trường điện toán đám mây được vận hành liên thông, cho phép các ứng dụng phần mềm và các nguồn dữ liệu di chuyển tự động hóa.

- Đánh giá của ông về vai trò của điện toán đám mây trong bối cảnh bùng nổ kết nối di động?

- Điện toán đám mây là một xu hướng. Người tiêu dùng không đứng ngoài xu hướng này và đang chuyển dần sang sử dụng nó. Sự phát triển đột biến của Internet di động, nhu cầu ngày càng tăng của việc sử dụng dữ liệu lấy từ “đám mây” ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời điểm nào... là những ví dụ dễ nhận thấy nhất của việc tại sao họ chuyển hướng.

Thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ kết nối khi có từ hàng triệu đến hàng tỉ thiết bị thuộc nhiều chủng loại được kết nối với nhau. Yêu cầu về sử dụng dữ liệu đang tăng lên một cách lũy tiến. Và đám mây sẽ là trung tâm của các kết nối đó. Người ta hay ví nó như là trung tâm, là nền tảng giải quyết sự liên thông của các kết nối bùng nổ này.

- Việc sử dụng Internet trên toàn cầu đã tăng khoảng 480% từ năm 2000 và hiện có khoảng gần 2,1 tỉ người sử dụng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 30 triệu người sử dụng Internet trong năm qua, tăng 6% từ 505,7 triệu đến 534 triệu (Nguồn: ComScore).

- Hãng nghiên cứu IDC ước tính thị trường điện toán đám mây của khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ phát triển lên khoảng 1,3 tỉ USD và còn tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ khoảng 40% một năm đến 2014. Trong khi đó tại Nhật Bản, thị trường CNTT lớn thứ hai thế giới trong thời điểm hiện tại, điện toán đám mây đang được mong đợi sẽ đạt 29,2 tỉ USD năm 2015.

- Theo thống kê của IDC, mỗi ngày có khoảng 2 tỉ video được xem trên YouTube, đồng nghĩa với việc khoảng 25 petabyte dữ liệu được truyền tải mỗi ngày (mỗi petabyte tương đương khoảng 1 triệu gigabyte). Cũng theo IDC, đến năm 2015, mật độ truyền tải dữ liệu trên mỗi smartphone sẽ là 1.300 MB/tháng, máy tính bảng table là 2.311MB/ tháng, laptop là 6.522 MB/tháng, dung lượng lưu trữ được dự đoán sẽ tăng 670% từ 2009 đến 2014.