Dịch vụ tin nhắn bảo mật đến mức “không thể kiểm soát” của BlackBerry đã khiến nhiều quốc gia trên thế gới phải e ngại. Cũng vì thế, Cơ quan quản lí viễn thông Indonesia (BRTI) vừa cho biết có khả năng sẽ cấm cửa dịch vụ này.
Mọi chuyện sẽ vẫn “cơm lành canh ngọt” nếu không có việc hãng mẹ của BlackBerry - Research in Motion (RIM) - đặt trung tâm dữ liệu của mình tại Singapore thay vì Indonesia. Điều này khiến Chính phủ Indonesia lo ngại về nguy cơ rò rỉ những thông tin không mong muốn ra ngoài lãnh thổ của mình.
Heru Sutadi, một quan chức của BRTI, thẳng thừng đưa ra lí do: “Vì RIM đã không hợp tác nên chúng tôi có thể sẽ ngừng dịch vụ Internet lẫn dịch vụ tin nhắn của họ”.
Hiện tại, mọi dữ liệu trao đổi thông qua hai dịch vụ Internet và tin nhắn của BlackBerry đều được xử lí tại máy chủ ở Canada - nơi đặt đại bản doanh của RIM. Việc RIM xây dựng trung tâm dữ liệu ở Singapore là một điều khó hiểu vì lượng khách hàng sử dụng BlackBerry ở Indonesia là cao nhất Đông Nam Á (và đương nhiên gấp nhiều lần số thuê bao ở đảo quốc sư tử).
Từ đầu năm 2011, RIM đã cam kết thực hiện những yêu cầu của Bộ Truyền thông và công nghệ thông tin Indonesia, trong đó có việc xây dựng trung tâm dữ liệu ngay tại nước này để giảm chi phí dịch vụ; tích cực ngăn chặn nội dung khiêu dâm và hỗ trợ Chính phủ Indonesia kiểm soát luồng thông tin gửi đi từ những chiếc điện thoại BlackBerry. Thế nhưng, BRTI cho rằng RIM đã không giữ đúng lời hứa và nước này bắt buộc phải hành động để bảo toàn an ninh quốc gia.
Chưa dừng lại ở đó, đại diện của BRTI còn khuyên người dùng trong nước thận trọng trong việc sử dụng BlackBerry vì những dữ liệu trao đổi qua lại trên thiết bị này không đảm bảo an toàn.
Về phía RIM, vì quyết tâm bảo mật những tin nhắn của người dùng nên từ năm 2010 đến nay, hãng đã vấp phải sự phản đối và cấm đoán của nhiều chính phủ tại Trung Đông như Saudi Arabia, UAE, Ấn Độ…
Devin Coldewey, một cây viết công nghệ của tờ TechCruch, dự đoán rằng trong thời gian tới, thế giới sẽ phải có luật riêng cho những trường hợp “bảo mật kiểu RIM”. Bởi lẽ, các phương tiện truyền thông hiện đại, trong đó có điện thoại, ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế và an ninh quốc gia.