Mới đây, Đại học Quốc gia Úc đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện và cho thấy trên sao Hỏa sở hữu nhiều không gian hỗ trợ cho sự sống tồn tại hơn cả Trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, không gian sống nói trên chủ yếu là những hệ thống hang động nằm sâu bên dưới bề mặt hành tinh đỏ, và sự sống tại đó nhiều khả năng là các hệ sinh thái ở dạng vi khuẩn hơn là những anh chàng đầu to như tưởng tượng của chúng ta. Nếu quy đổi thành một số liệu thống kê cụ thể, thì 3% là số không gian của sao Hỏa có điều kiện lý tưởng cho sự sống. Nghe thì có vẻ ít ỏi, nhưng số liệu phần trăm này được xét trên tổng thể của toàn bộ hành tinh, từ tâm cho đến bề mặt. Khi đem Trái đất đặt trong một bài toán tương tự, không gian cho sự sống sẽ chỉ chiếm vỏn vẹn 1%, ngạc nhiên không nào?
"Có rất nhiều khu vực trên sao Hỏa thích hợp cho sự sống trên cạn", Charley Lineweaver - trưởng nhóm nghiên cứu - chia sẻ, "nếu bạn hứng thú với nguồn gốc của sự sống và cách mà nó bắt đầu trên một hành tinh khác, thì bạn sẽ tìm thấy những gì có liên quan tại đây." Như ta đã biết, bề mặt sao Hỏa rất lạnh (âm 81 độ F) và áp suất quá thấp, vì vậy nước dạng lỏng - điều kiện tiên quyết cho sự sống hình thành - không thể hiện hữu. Tuy nhiên, sau khi đã tổng hợp từ nhiều tài liệu thu thập bởi các nhiệm vụ thăm dò địa chất sao Hỏa, Lineweaver tin rằng bên dưới bề mặt hành tinh này có đủ áp suất và nhiệt độ cho sự sống. Nguyên nhân là do khi ở dưới sâu, độ nóng của lõi hành tinh sẽ giúp tăng nhiệt, còn những khối đất đá bên trên sẽ giúp điều chỉnh lại áp suất cho phù hợp.
Nhưng liệu sự thật có đúng như vậy hay không? Câu trả lời hứa hẹn sẽ được tìm ra vào tháng 8 năm sau, khi robot thăm dò thế hệ mới mang tên Curiosity của Nasa - được trang bị ống phóng laser có khả năng phá đá - thực hiện chuyến du hành lên sao Hỏa.