Nhịp sống số

Để có thể đối phó với những dữ liệu khổng lồ

Để có thể đối phó với những dữ liệu khổng lồ

Có tới 1/3 các nhà lãnh đạo thường ra quyết định mà không có được tất cả những thông tin cần thiết và không truy cập được những thông tin cần thiết để thực hiện công việc của họ.

Nghiên cứu thị trường mới đây của IBM cho thấy 89% giám đốc điều hành muốn có thông tin tốt hơn thông qua hệ thống CNTT hỗ trợ ra quyết định (Business Intelligence – BI) và công nghệ phân tích (Business Analytics - BA).

Những doanh nghiệp (DN) đã ứng dụng BI thành công có tốc độ tăng trưởng doanh thu có khi cao hơn đến 49%, lợi nhuận tăng 20 lần và lợi ích thu được từ vốn đầu tư cao hơn 30%.

Ông Thiều Phương Nam, Phó tổng Giám đốc IBM Việt Nam nhận định: “Trong kỉ nguyên của dữ liệu khổng lồ, doanh nghiệp cần có hạ tầng CNTT đủ khả năng khai thác dữ liệu khổng lồ, được tối ưu hóa theo các tác vụ cụ thể và cung cấp truy cập nhanh chóng, dễ dàng. Hạ tầng này cần có khả năng mở rộng nhanh nhờ môi trường điện toán đám mây”.

Xử lí dữ liệu và tối ưu hóa hệ thống

Doanh nghiệp có thể triển khai dịch vụ mới bằng cách tích hợp và phân tích dữ liệu dưới bất kì định dạng nào, từ bất kì nguồn dữ liệu nào mà không làm cho các hệ thống CNTT của họ bị quá tải.

Cần bắt đầu bằng việc kiểm tra yêu cầu dữ liệu, đánh giá chất lượng, độ chính xác và nhu cầu an ninh, sau đó xác định xem họ cần phải tập trung hóa, ảo hóa hoặc loại bỏ hoàn toàn những yếu tố gì.

Khi dữ liệu đã được làm sạch và thông tin rõ ràng liên quan đến các ứng dụng, DN có thể tiến hành phân tích chúng theo thời gian thực nhằm có được thông tin hỗ trợ ra quyết định kinh doanh gần nhất với nhu cầu của khách hàng. Đó chính là vũ khí giúp doanh nghiệp vượt đối thủ cạnh tranh.

Cần lưu ý, dữ liệu lớn và đa định dạng nhất thiết phải dựa trên các hệ thống được tối ưu hóa và có kiến trúc phù hợp với tải công việc cụ thể; hay được tinh chỉnh cho các tác vụ nhất định. Theo ông Nam, bài toán ở đây là làm sao đáp ứng yêu cầu hạ tầng như trên mà không làm gia tăng độ phức tạp hay chi phí. Một hệ thống CNTT được tối ưu hóa sẽ lưu trữ dữ liệu ở nơi có thể đáp ứng khả năng truy cập, mức độ bảo mật hay dung lượng.

Doanh nghiệp cần chọn được một hệ thống CNTT tốt, được tư vấn đầy đủ theo nhu cầu của mình. Ông Phan Ngọc Ẩn, Giám đốc CNTT Sài Gòn Nguyễn Kim cho biết: "Tại Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, tăng trưởng kinh doanh dẫn đến một khối lượng lớn dữ liệu được tạo ra mỗi giây. Tuy hệ thống lưu trữ vẫn đáp ứng, nhưng với yêu cầu liên tục đa dạng sản phẩm và các chương trình khuyến mãi, Nguyễn Kim phải lựa chọn hệ thống lưu trữ cũng như nhà cung cấp tốt để đẩy mạnh năng suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng”.

Mở rộng sang điện toán đám mây

Hệ thống CNTT nên có khả năng mở rộng sang điện toán đám mây

Điện toán đám mây hỗ trợ biến dữ liệu khổng lồ trở nên hữu ích vì nó cho phép truy cập ở bất cứ đâu và vào bất kì lúc nào, cho mọi khách hàng, nhân viên và đối tác. Do đó một hệ thống mở, có khả năng mở rộng và chuyển đổi sang điện toán đám mây dễ dàng rất cần thiết với doanh nghiệp.

Ông Nam cho biết: “Để thành công, doanh nghiệp cần có khả năng bứt phá trên thị trường, tạo sự khác biệt nhờ làm việc hiệu quả hơn, trong khoảng thời gian ngắn hơn và với mức chi phí thấp hơn”.

Hệ thống CNTT của doanh nghiệp cần được trang bị khả năng sẵn sàng xử lí dữ liệu khổng lồ, tối ưu hóa theo tải công việc và được quản lí trong môi trường điện toán đám mây linh hoạt.

Theo ông Nam, ví dụ điển hình cho vấn đề trên là LEGO, công ty sản xuất đồ chơi lắp ráp của Đan Mạch. Doanh nghiệp này đã triển khai một quá trình chuyển đổi CNTT theo từng giai đoạn trong nhiều năm để xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt với khả năng mở rộng dễ dàng. Hiện tại, môi trường điện toán đám mây riêng (private cloud) của LEGO có khả năng đáp ứng nhu cầu mới một cách nhanh chóng: truy cập các tài nguyên bổ sung trong giai đoạn cao điểm và giải phóng các tài nguyên đó cho các tải công việc khác sau giờ cao điểm.

Qua quá trình chuyển đổi này, LEGO ước tính thu được 150 triệu USD (2.205 tỉ đồng) từ khoản đầu tư công nghệ đồng bộ hóa môi trường CNTT trị giá 45 triệu USD (945 tỉ đồng).