Đánh giá laptop

Đánh giá Vaio VPC-Z13B7E: Laptop 2000$ giá rẻ trong gia đình Z Series

Với cái giá khoảng 2000 USD cho một laptop thì không thể gọi là rẻ. Nhưng nếu laptop đó thuộc dòng Z series của Vaio thì lại là chuyện khác. Vậy chiếc laptop này khác biệt thế nào so với người anh em có giá 4700 USD của nó?

<>
Lần này là sản phẩm có tông màu bạc, giá “mềm” hơn với chỉ 2000 USD. Tất nhiên, với phiên bản “giảm giá”, phần cứng của VPC-Z13B7E/S (số hiệu của máy) sẽ hạ xuống đôi phần. Không còn CPU Core i7 mạnh mẽ hay ổ cứng SSD, thậm chí ngay cả ổ đĩa quang cũng bị loại trừ, độ phân giải của máy chỉ còn 1600 x 900 (WSXGA+). Tuy nhiên, máy vẫn có khả năng chống chói.
 
Case
 
Rẻ hơn đồng nghĩa với chất lượng kém hơn? Quan niệm này chỉ đúng ở một chừng mực nào đó mà thôi. Vỏ máy của VPC-Z13B7E/S sở hữu những đặc tính tốt nhất mà các“tiền bối” của nó như series Z12 hay Z13Z9E/X từng có. Không xét đến khía cạnh màu sắc, độ bền chắc của khung máy vẫn được giữ nguyên. Chất liệu nhựa làm từ sợi cacbon và nhôm vẫn mang đến một vẻ ngoài hào nhoáng, bóng bẩy và chắc chắn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chứng kiến "sự ra đi" của ổ đĩa quang.
          
 
 

 
Ổ đĩa quang đã không còn.  
 
Kết nối 
    
Những cổng kết nối của VPC-Z13B7E/S được bố trí ở bên phải, trái và trước mặt. Việc bỏ đi ổ đĩa quang đáng tiếc lại không mang đến cho người dùng thêm được bất kỳ sự lựa chọn nào cho những cổng kết nối. Vị trí thường đặt ổ đĩa quang chỉ có một tấm chắn như đã đề cập ở trên trong khi nó có đủ chỗ cho 4 cổng USB và 1 cổng eSATA!
     
   
Cổng VGA được đặt ở bên phải cạnh nút nguồn, đó là một vị trí tốt tránh trường hợp kết nối với những dây VGA có đầu cắm “quá khổ”. Một điều khác biệt so với người anh em “đắt giá” Z13Z9E/X chính là cổng giao tiếp FireWire, nhưng bù lại, VPC-Z13B7E/S lại chỉ có 2 cổng USB 2.0. Ngoài ra, còn có một khe mở rộng ExpressCard34 cho người dùng một sự lựa chọn cổng kết nối.
     

 

 
Giao tiếp
  
VPC-Z13B7E/S kết nối Ethernet bằng cáp thông qua card mạng Intel 82577LC trong khi kết nối Wi-Fi là Intel Advanced-N 6200 chuẩn AGN. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một điểm trừ khi laptop này không kèm theo module 3G. Máy cũng không có khả năng nhận diện dấu vân tay.
   
Chế độ bảo hành
   
Sony cung cấp cho dòng laptop Z13 những 24 tháng bảo hành, bao gồm 1 năm bảo hành thông thường và 1 năm cộng thêm. Năm cộng thêm này còn tùy theo khu vực, và người dùng cần tìm hiểu đầy đủ thông tin chi tiết về vấn đề này. Đồng thời, người dùng chỉ có thể "sở hữu" trọn vẹn 24 tháng bảo hành một khi đã đăng ký sản phẩm.
          
Thiết bị nhập liệu
                        
Bàn phím: Phím mũi tên cách biệt một khoảng hợp lý, mang lại cảm giác thoải mái khi bấm. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc gõ bàn phím có đôi chút khó khăn khi bề mặt phím không rộng lắm. Với những người phải đánh máy nhiều thì có thể sẽ cần chút thời gian làm quen. Bề mặt phím cũng không tốt như Z13 kia do không có lớp cao su che phủ.
         
   
Với hai phím EnterShift khá lớn nằm ngay trên các phím mũi tên, tạo ra sự thuận tiện cho cổ tay khi sử dụng. Ngoài ra, Sony còn mang đến cho người dùng một bàn phím số alpha. Để kích hoạt, bạn chỉ việc bấm nút Num kế bên F12, sau đó có thể dùng bàn phím để nhập số bình thường.
  
  
Touchpad: Hoạt động khá chính xác với một bề mặt được làm mờ. Cảm giác trượt tốt với những cạnh vuông vức, tuy nhiên không thể tắt touchpad với phím Fn. Điểm đặc biệt là khi có Synaptics v7.4, touchpad nhận diện được tác động từ 2 ngón tay, qua đó có thêm những tính năng như zoom, cuộn trang hoặc lật trang. Các nút chuột lại khá khó dùng do quá mỏng nhưng bù lại không gây ồn khi click.
        
   
Hiển thị
    
Màn hình hiển thị của VPC-Z13B7E/S vẫn cho người dùng một cái nhìn sáng sủa mặc dù không có độ phân giải full HD. Màn hình WSXGA+ chống chói có độ phân giải 1600 x 900 pixel là một con số khá lớn với kích cỡ 13,1 inch.
                       
Màn hình được đóng dấu “Sony LCD” có độ tương phản cao, lên đến 823:1. Nó mang đến những hình ảnh sắc nét và màu sắc sống động, và cũng không quá lời khi nói rằng sản phẩm hoàn toàn ở cùng đẳng cấp với màn hình full HD của Z13Z9E/X. Tuy nhiên, khi thử nghiệm trên ICC với hai chuẩn màu sRGB và AdobeRGB, model chịu thua kém một chút ở độ rộng quang phổ. Khi so sánh với những màn hình khác như Dreamcolor của HP EliteBook 8740w, màn hình Sony LCD cho thấy nó không thua kém quá nhiều nhưng vẫn chưa đạt đến mức hoàn hảo.
         
Màn hình VPC-Z13B7E/S có hai yếu tố mà một thiết bị di động cần, đó là độ sáng hoàn hảo (326 cd/m2) cộng thêm khả năng chống chói. Ở một số vị trí, thậm chí độ sáng có thể lên đến 340 cd/m2, vượt xa màn hình full HD của người anh em đắt giá đến khoảng 100 cd/m2. Ngoài ra, máy có thể tự động điều chỉnh độ sáng nhờ vào cảm biến ánh sáng môi trường ngoài; chẳng hạn như dưới ánh sáng mặt trời, màn hình tự đẩy độ sáng lên tối đa.
        

     
Dưới tác động của ánh sáng ban ngày, laptop thuộc dòng Z13 này cho cái nhìn hoàn hảo như máy tính để bàn chính hiệu. Khả năng chống chói mặc dù không hoàn thiện ở một số góc độ nhưng nhìn chung là tốt và không gây một ảnh hưởng tiêu cực nào đến khả năng nhìn, một điểm cộng khác nằm ở khả năng bảo toàn những vùng màu bóng hiển thị trên màn hình.
         
Góc nhìn trực diện không có gì để phàn nàn, hầu như không hề có sự sai lệch màu. Tuy nhiên, khi thử ở các góc nhìn khác nhau thì màn hình chỉ hiển thị tốt ở khoảng 150 trở lại, vượt qua khoảng đó, sự nghịch màu diễn ra rất rõ ràng.
            
Hiệu năng
             
VPC-Z13B7E/S được trang bị vi xử lý Intel Core i5-460M có hai nhân vật lý tốc độ 2.53 GHz. Tốc độ này khi được hỗ trợ bởi chức năng Turbo Boost có thể lên đến 2.8 GHz. Nó còn có thể tự động overclocking một hoặc hai nhân cùng lúc. Ngoài ra, máy còn có chức năng Hyper-Threading cung cấp hai nhân ảo hỗ trợ. Những ứng dụng có thể được xử lý bởi bốn nhân một thời điểm. Bộ nhớ 4 GB DDR3 RAM (2x2 GB) là trang bị đặc thù cho những laptop thời gian gần đây và có thể được thay thế dễ dàng.
  
 
 
Khi chấm điểm hệ thống với với Cinebench R11.5 (64-bits), CPU Intel Core i5 – 460M cho kết quả là 2,23 điểm, 520M cũng chỉ nằm trong khoảng 2,2 điểm, 430M gần xấp xỉ 2 điểm và i3 – 330M chỉ đạt 1,75 điểm. Số điểm này cho thấy vi xử lý i5 - 460M chỉ chậm hơn Core i7 – 640m của Z13Z9E/X khoảng 13%. Nhưng khi kiểm tra đơn nhân (Cinebench R10 single 32 – bit), khoảng cách này tăng lên 17% (3075 điểm so với 3675 điểm). Nguyên nhân là do tốc độ của Core i7 – 640M là 2,8 GHz và khi overclock thì đạt đến 3,45 GHz.
 
   
Chuyển qua thử nghiệm với PCMark Vantage, số điểm VPC-Z13B7E/S nhận được là 5855 điểm (Speed mode: dùng GeForce GT 330M). Số điểm này có thể cho ta mường tượng đến tốc độ xử lý ứng dụng. Mặc dù con số này bị bỏ xa bởi người anh em dùng ổ cứng SSD (10087 điểm) nhưng lại tương đương với những laptop mạnh mẽ khác như Apple MacBook Pro 17 inch 2010-04 (540M, GT 330M), hay Acer Aspire 8943G (720QM, HD 5850).
     
    
Trong một cỗ máy khá hoàn hảo, ổ cứng của Toshiba MK5056GSY lại là điểm yếu nhất mặc dù có dung lượng đến 500 GB và tốc độ 7200 rpm. Theo các thông số của HD – Tune, tốc độ đọc của model chỉ ở khoảng 66 MByte/s, trong khi với Crystal DiskMark lại đo được 102 MByte/s (Crystal DiskMark thường cho tốc độ cao hơn HD – Tune). Với một ổ cứng 2,5 inch, tốc độ đó trên trung bình một chút, và tất nhiên là không thể so sánh với những ổ cứng SSD, đặc biệt là Quad – SSD (RAID 0).
                     
Trải nghiệm game
                
Ngoài việc sử dụng chip đồ họa Nvidia GeForce GT 330M (1024 MB DDR3) có phần lỗi thời, chúng ta cũng phải biết rằng series 3xx tầm trung của Nvidia hoạt động chậm hơn hẳn so với những card đồ họa tầm trung của ATI như HD 6550M hoặc HD 5650. 3DMark2006 cho GT 330M 5414 điểm. Trong khi đó GT 520M đạt được 5569 điểm nhưng tất cả đều thua kém so với Mobility Radeon HD 5650 với số điểm 6500 đến 7000 điểm.
    
  
StarCraft II: Game chiến thuật này cần một vi xử lý đa nhân mạnh cho độ phân giải trung bình và cao (phục vụ cho việc điều khiển nhưng đơn vị quân nhỏ). Điều này khá phù hợp với Cpu Core i5 – 460M, nhưng với GPU như GT 330M, game chỉ có thể chơi mượt (32 fps) khi giảm độ chi tiết cũng như độ phân giải trung bình (1360 x 768). Khi tăng mức độ chi tiết lên High, máy chỉ đạt 22 fps.
 
Tương tác với môi trường ngoài
  
Độ ồn của hệ thống: Lướt web, check mail, hay cập nhật 1 spreadsheet của Excel, những công việc đơn giản đó không thể “làm khó” một laptop thuộc dòng Z13 ngay cả khi quạt làm mát chỉ quay ở tốc độ chậm nhất. Tuy nhiên, tiếng ồn phát ra ít nhất cũng vào khoảng 33 dB.
               
Trong khi độ ồn từ quạt thay đổi tùy theo công việc thì độ ồn từ ổ cứng của máy lại là một hằng số, một ảnh hưởng tiêu cực thường thấy ở những ổ cứng có tốc độ quay nhanh như chúng ta hay gặp ở những laptop hiện nay. Nó gây ra khi độ rung ở những ổ cứng này ngay lập tức truyền lên chỗ nghỉ tay nằm trên nó. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm chấm dứt khi mà ổ cứng SSD đang dần thế chỗ những ổ cứng cơ thông thường.
                    
   
Trong quá trình CPU hoạt động nhiều, quạt làm mát có độ ồn khoảng 48,8 dB, con số đo được bởi Prime95 khi dùng hết công suất của i5 – 460M. Khi cộng thêm cả hoạt động của GT 330M, độ ồn này lên đến 53,8 dB. Độ ồn này khi phát ra, nghe như tiếng của một quả rocket nhỏ được phóng đi. Tất nhiên, nó chỉ đạt đến con số này trong những điều kiện thử nghiệm khắt khe. Thực tế là chỉ cần một lần CPU hoạt động hết công suất trong một khoảng thời gian ngắn, thì quạt làm mát đã tăng độ ồn từ 38 lên 45 dB.
   
   
Nhiệt độ: Một chiếc quạt làm mát tuy có phần ồn ào nhưng lại mang lại sự thoáng mát cho model. Ngay cả khi làm việc hết công suất, cũng chỉ có vài điểm nhỏ ở vị trí thông gió có nhiệt độ khoảng 400. Còn khi hệ thống không làm việc, nhiệt độ thậm chí còn thấp hơn môi trường ngoài, nằm ở mức 21 – 220. Ngay cả khi làm việc "hết mình" thì nhiệt độ sản phẩm cũng chỉ ở khoảng 24 – 250, đây chắc chắn là một con số khá ấn tượng cho một laptop dùng Core i5 và GT 330M.
  
Dung lượng pin
               
Laptop 13,1 inch được trang bị một pin 5200 mAh cho phép lướt web bằng Wi-Fi 5 giờ liên tục trong điều kiện dùng độ sáng khoảng 100 cd/m2 và ở Stamina – mode. Khi giảm độ sáng xuống một chút và chỉ dùng ứng dụng văn phòng, thậm chí VPC-Z13B7E/S có thể dùng được đến 8 giờ. Do không thể thử nghiệm việc xem phim qua đĩa DVD vì không có ổ đĩa quang, việc thử nghiệm được chuyển qua một video AVI. Và máy có thể xem liên tục đến 4,5 giờ và cần đến 3,5 giờ để sạc đầy hoàn toàn.
           
   
Kết quả cho thấy laptop Z13 không dùng SSD tiết kiệm năng lượng hơn khi dùng. Khi đặt máy ở Stamina – mode và khi bật tối đa tính năng. Năng lượng tiêu tốn của VPC-Z13B7E/S lần lượt là 8,9 Watts và 17,8 Watts. Con số tương ứng với Z13Z9E/X là 11 và 24.
 
Tổng quan
  
Màn hình WSXGA+ với độ phân giải 1600x900 có thể còn chút thua thiệt ở khả năng hiển thị màu, nhưng lại vượt trội về độ sáng. Hơn nữa, nó vẫn giữ được khả năng chống chói cũng như góc nhìn tốt. Với một vi xử lý Core i5 – 460M, máy vẫn rất mạnh mẽ, điểm trừ nằm ở ổ cứng Toshiba, mất đi ổ cứng SSD RAID 0, tốc độ làm việc của máy giảm đến 50% chưa kể đến tiếng ồn phát ra do tốc độ quay của nó.
        
 
Không có khả năng truy cập 3G, cũng không có ổ đĩa quang (vô hình chung lại tăng độ chắc chắn cho thân máy). Một lợi thế khác so với người anh em cùng series là ở khả năng tiết kiệm năng lượng của mình. Cho những ai muốn có một laptop hạng nhất với độ phân giải cao nhưng không thể chịu được cái giá 4700 USD, VPC-Z13B7E/S là một sự lựa chọn rất hợp lý.