Nhịp sống số

Cuộc chiến nền tảng - ngày ấy và bây giờ

Cuộc chiến nền tảng - ngày ấy và bây giờ

Sự đối đầu giữa các hệ điều hành cũng như thiết bị di động trong thế kỷ 21 gợi nhớ những trận thư hùng ở buổi đầu của thị trường máy tính cá nhân.

Theo Mark Dean, một trong những người "khai sinh" máy tính cá nhân IBM thì sự cạnh tranh trong thị trường điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính bảng (tablet) hiện nay có phần “hoang dã” hệt như cuộc chiến máy vi tính (microcomputer) hơn 3 thập kỷ trước giữa Apple, IBM và Commorode.

Từng tham gia nhóm thiết kế mẫu máy tính cá nhân IBM 5150 nguyên thủy được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1981, Dean hiện đảm nhận vị trí Phó chủ tịch phụ trách chiến lược kỹ thuật tại Trung tâm nghiên cứu của hãng IBM. "Rõ ràng là cuộc chiến máy vi tính đã dọn đường vào kỷ nguyên của máy tính cá nhân (Personal Computer - PC) với nhiều sức mạnh điện toán hơn từ hàng loạt cải tiến trong công nghệ phần cứng, phần mềm, lưu trữ và mạng", Dean nhìn nhận.

Những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, máy vi tính bắt đầu thay thế máy đánh chữ (typewritter) và sổ cái kế toán (ledger) với ưu thế cho phép người dùng hiệu chỉnh các tài liệu (document), tính toán và lưu trữ số liệu/thông tin. Do đó, theo Dean, smartphone và tablet với hiệu năng mạnh mẽ hơn chắc chắn là "cơn lũ" tiếp theo ập vào thế giới điện toán, nhưng lần này thì sức mạnh điện toán sẽ được "đặt" trực tiếp lên những đầu ngón tay của người dùng. Hay nói cách khác, với smartphone và tablet, hiệu năng không chỉ là cấu hình phần cứng cao mà còn là sự tiện dụng và linh hoạt, đặc biệt khi trào lưu cảm ứng xuất hiện. Thế giới ngón tay cái chưa kịp hô mưa gọi gió thì xu hướng đa chạm đã lên ngôi.

<>Ngày ấy...

IBM 5150

Quay trở lại câu chuỵện của IBM. Vào năm 1975, IBM giới thiệu máy tính "cơ động" (portable) IBM 5100 nhưng đây không được xem là một máy tính cá nhân bởi máy nặng tới 22kg và giá thành thì ngất ngưởng (từ 8.975USD đến 19.975USD). Vào thời điểm lúc bấy giờ, 5100 được thiết kế chủ yếu cho các kỹ sư, phân tích viên và trung tâm thống kê.

Vài năm sau, mẫu máy tính cá nhân đầu tiên 5150 được IBM giới thiệu với BXL Intel 80888 bit và RAM 16KB dựa trên nền tảng HĐH Microsoft DOS 1.0 và đi kèm vài ứng dụng như bảng tính VisiCal, soạn văn bản EasyWriter. Phiên bản thứ 2 của 5150, trình làng không lâu sau đó, đi kèm RAM 64KB và ổ đĩa mềm.

Dean cho biết, ý tưởng đằng sau 5150 khi đó là kết hợp một nhóm các ứng dụng và môi trường lập trình lại với nhau để đủ sức hỗ trợ nhu cầu điện toán của doanh nghiệp và cá nhân. IBM từng xem xét sử dụng BXL Motorola 68000 16 bit cho đứa con đầu lòng 5150, tuy nhiên BXL Intel 8 bit lại được tập trung phát triển hơn, qua đó mang đến khả năng tương thích tốt với các ứng dụng và đặc biệt hơn hết - theo Dean - đó là sự dễ dàng hơn trong thương thảo (giữa IBM và Intel).

Sau đó, vào năm 1983, IBM trình làng mẫu PC-XT sử dụng HĐH DOS 2.0 và đi kèm ổ đĩa cứng với dung lượng vỏn vẹn 10MB. Tiếp đến, năm 1984, PC-AT xuất hiện, trang bị BXL Intel 286 và sử dụng HĐH DOS 3.0. Với các dòng PC sau, IBM chuyển sang hệ điều hành PS/2 và OS/2 của riêng hãng, và tiếp đó là BXL Intel 386 và 486 mới hơn. Không lâu sau, IBM chính thức chia tay với OS/2 và quay lại với hệ điều hành của Microsoft.

Có thể nói, sau nhiều năm chiến đấu, IBM đã tụt lại phía sau những đối thủ như Apple và Commodore bởi 2 hãng này đã sớm bắt đầu tạo ra những sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Ví dụ, năm 1977, Apple giới thiệu mẫu Apple II, và cũng trong năm đó, Commondore bắt đầu tung ra thị trường máy tính PET. Năm 1984, Apple ra mắt mẫu Macintosh đầu tiên.

“Đó là một thị trường mới và rõ ràng là không ai thực sự giành chiến thắng”, Dean khẳng định, “Apple có thể đã tạo ra những chiếc máy tính tốt hơn, nhưng IBM vẫn kiên định với chiến lược tập trung vào những sản phẩm thích hợp ở mức giá xứng tầm”. Theo Dean, mọi cuộc chơi đều cần sự cạnh tranh từ nhiều phía và chìa khoá cho thành công chính là tính sáng tạo. Tuy nhiên, Dean cũng thừa nhận rằng, IBM đã luôn cảnh giác để không ngủ quên trên chiến thắng bởi hãng này hiểu rõ tuổi thọ của một phát kiến là hữu hạn, nhưng chí ít thì khoảng thời gian ngắn ngủi này cũng đủ tạo đà cho sự phát triển của toàn lĩnh vực đồng thời giúp những sáng kiến mới xuất hiện.

<>....và bây giờ

Nhiều hãng đang dồn lực xâm nhập, khai thác sự màu mỡ của thị trường smartphone, tablet

Mọi cuộc chơi đều có hồi kết để rồi lại bắt đầu xuất hiện một trò chơi mới. Thế giới PC không sụp đổ, thay vào đó là tồn tại và phát triển song song với kỷ nguyên của smartphone và tablet. Có thể khẳng định, cuộc chiến hệ điều hành di động nói chung và các thiết bị di động nói riêng thậm chí còn khốc liệt hơn rất nhiều so với những gì từng xảy ra với máy tính cá nhân. Điện thoại di động, rồi đến điện thoại thông minh và giờ là máy tính bảng. Nếu như trước đây, người dùng chỉ dừng lại ở tính năng thoại và nhắn tin cơ bản, thì hiện nay, một chiếc smartphone xem ra vẫn chưa đủ với nhu cầu “không đáy” của người dùng. Với tablet cũng thế.

Sau thành công đầy bất ngờ của “quả táo” iPhone, hàng loạt tên tuổi lớn trong làng điện thoại di động bắt đầu “phi nước đại” nhưng thực tế cho thấy Symbian đã bắt đầu già cỗi, còn BlackBerry lại quá bảo thủ và gần như an phận với phân khúc khách hàng doanh nghiệp truyền thống, và Windows Mobile vẫn èo uột từ thưở nào. iPhone OS đã thực sự “hạ gục” mọi đối thủ với sự kỳ diệu đến từ những ngón tay và hàng loạt tính năng, dịch vụ được cung cấp "tận răng". Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, một kẻ phá bĩnh mới mang tên Android xuất hiện.

Quả như vậy, Android, với ưu thế nguồn mở, nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu với nhiều hãng sản xuất thiết bị di động và máy tính bảng, trong đó có cả Samsung, LG và Sony Ericsson. Cùng với iOS, chú rô-bốt xanh Android đã liên tục đẩy Symbian của Nokia, Bada của Samsung và cả Blackberry OS vào "ngõ hẹp" bất chấp những huyền thoại di động di động một thời đã rất nỗ lực với hàng loạt phiên bản nâng cấp.

Liệu Symbian Belle OS, MeeGo và Bada có đủ sức chống đỡ lại trào lưu Android và iOS trên thiết bị di động? Và rồi sóng gió tiếp tục nổi lên khi Microsoft quay trở lại đấu trường hệ điều hành di động với Windows Phone 7, và bất ngờ hơn nữa là Nokia tuyên bố thỏa thuận hợp tác với Microsoft để trang bị Windows Phone 7 cho các sản phẩm trong tương lai.

Câu hỏi được giới phân tích đặt ra là liệu Nokia có đủ bản lĩnh để "kết liễu" chính đứa con đẻ Symbian của mình? Tại rất nhiều hội nghị và cuộc phỏng vấn, các nhà quản lý cấp cao Nokia từng khẳng định, qua việc triển khai Windows Phone 7, hãng này muốn tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người dùng, và đặc biệt là tìm kiếm thêm thị phần tại Mỹ vốn yêu thích hệ điều hành Windows trên máy tính cá nhân. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, Nokia nhiều khả năng sẽ uống "nước đục" khi iOS luôn có những "ngón nghề" bất ngờ, còn Android gần như là lựa chọn đầu tiên với những hãng đang có ý định "kiếm chác" trên phân khúc điện thoại tầm trung.

Nhận thấy sự màu mỡ của thị trường tablet và smartphone, nhiều hãng đang dồn mọi nguồn lực để xâm nhập, và IBM cũng đang dần thay đổi định hướng để hòa nhập dần với kỷ nguyên "hậu PC" này. Cụ thể, bộ phận nghiên cứu tại IBM đang cải tiến các công nghệ trong lĩnh vực phần mềm như cơ sở dữ liệu và tạo ra các thuật toán để dự báo thời tiết hay quản lý mức điện năng sử dụng, sau đó chuyển những thông tin này cho thiết bị di động. Ngoài ra, IBM cũng phát triển các công nghệ giúp chip di động có kích thước nhỏ gọn hơn, chạy nhanh hơn và hiệu quả hơn về điện năng tiêu thụ.

"Rõ ràng là chúng tôi (IBM) đang bước vào một kỷ nguyên mới được dẫn dắt bởi các thiết bị di động", Dean chia sẻ, "Mọi chuyện đều có thể xảy ra, ví dụ nếu bạn muốn thay chiếc ví của mình bằng một thiết bị kỹ thuật số". Dean cũng dự báo rằng, trong tương lai, giao tiếp dưới dạng ngôn ngữ tự nhiên (natural-language interface) chắc chắn sẽ thay thế các máy tìm kiếm truy vấn (như Google hay Bing hiện nay) để trả lời các câu hỏi từ người dùng đầu cuối - và thực tế là iOS 5 hiện đã cung cấp giải pháp Siri theo hướng này.

Nhưng dù gì đi chăng nhữa thì con đường phía trước của PC hay smartphone và tablet vẫn còn đó, vẫn dài và đầy chông gai bởi nhu cầu và đối tượng sử dụng của chúng xem ra khó lòng trở thành đối thủ của nhau. Nhưng chí ít, smartphone và tablet đã giúp chúng ta có thêm những lựa chọn điện toán mới thay vì chỉ là những cỗ máy cồng kềnh và cố định.