Lịch sử phát trển của Sony Ericsson có thể chia làm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên được tính từ khi liên minh này được thành lập cho tới năm 2007 còn giai đoạn thứ hai bắt đầu từ sau năm 2007. Giai đoạn này được coi là thời kỳ suy thoái của Sony Ericsson khi Apple bắt đầu cho ra mắt iPhone.
Nói về giai đoạn đầu tiên của liên minh này, Sony Ericsson đã nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới với nhiều sản phẩm chiếm được cảm tính của người dùng. Đó thật sự là một “kỷ nguyên vàng” của Sony Ericsson và hôm nay chúng ta sẽ cùng nhìn lại những trang vàng của liên minh điện thoại này thông qua những sản phẩm vang bóng một thời.
1. Sony Ericsson T68i (2001)
Liên doanh điện thoại di động của Thụy Điển và Nhật Bản bắt đầu con đường của mình với sản phẩm đầu tiên mang tên Sony Ericsson T68i. Đây không hẳn là một mẫu điện thoại mới mà nó cơ bản chỉ được dựa trên chiếc điện thoại Ericsson T68 đã được sản xuất trước đó. Thế nhưng T68i vẫn gây sốc với thị trường và người sử dụng lúc đó bởi nó là chiếc điện thoại di động đầu tiên có màn hình đa sắc được bán trên thị trường khi đó. Tuy có giá bán lẻ khá cao lên tới 650 USD ở thời điểm ra mắt thế nhưng chiếc điện thoại di động của Sony Ericsson vẫn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng.
Sony Ericsson T68i ngay lập tức có chỗ đứng trên thị trường bởi thiết kế sang trọng, tinh tế với các cạnh được bo tròn. Thay vì sử dụng các phím bấm đa chiều thì chiếc điện thoại này lại dùng phím joystick và chính thiết kế này đã đem đến cho người dùng nhiều thuận tiện. Màn hình hiển thị của máy có độ phân giải 102 x 80 pixels và hỗ trợ 256 màu, đây là một bước tiến đột phá của công nghệ khi đó. Ngoài ra thì T68i còn hỗ trợ tin nhắn MMS cùng một số tính năng như Bluetooth, GPRS, máy hỗ trợ cả ba băng tần và cho phép người sử dụng tùy chỉnh nhạc chuông. Có thể nói rằng T68i chính là chiếc điện thoại đã mở đầu cho thành công của Sony Ericsson.
2. Sony Ericsson T100 (2002)
Bên cạnh chiếc điện thoại có tính đột phá cao như T68i, Sony Ericsson còn tập trung vào một số mẫu di dộng có giá thành rẻ nhưng lại có thiết kế độc đáo và sáng tạo. Sony Ericsson T100 là một ví dụ, chiếc điện thoại này gây ấn tượng với người dùng bằng màn hình màu xanh lam dịu mắt cùng các chức năng hoạt động ổn định.
3.Sony Ericsson T610 (quý II-2003)
Năm 2003, Sony Ericsson tiếp tục tung ra thị trường chiếc điện thoại T610 với thiết kế đẹp mắt khiến cho người dùng khó có thể cưỡng lại. T610 là sự kết hợp giữa các gam màu bạc và đen sang trọng cùng với màn hình hiển thị lên tới 65,000 màu với độ phân giải 128 x 160 pixels.
Vào thời điểm T610 ra mắt, trên thị trường hầu như có rất ít chiếc điện thoại được trang bị máy ảnh có chăng chỉ là một số mẫu máy của Nokia. Chính vì thế sự xuất hiện của T610 gây được rất nhiều sự chú ý, chiếc điện thoại này có khả năng chụp hình ở độ phân giải 288 x 352 pixels và người dùng có thể lưu trữ ảnh trên bộ nhớ trong 2 Mb của máy. T610 đã mang lại doanh thu kỷ lục cho Sony Ericsson, nó đã dần dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên nhiều nước khác nhau.
4. Sony Ericsson T630 (quý IV-2003)
Sony Ericsson T630 là phiên bản tiếp theo sau T610 nhưng nó không được thành công như người tiền nhiệm. Do đó, SE đã nhanh chóng chuyển sang các mẫu di động khác.
5.Sony Ericsson K750i (2005)
Năm 2005 Sony Ericsson đã tung ra con át chủ bài K750i, dòng điện thoại chuyên chụp ảnh với camera 2MP hỗ trợ tính năng tự động lấy nét. Nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh những chiếc điện thoại cầm tay sẽ dần thay thế máy ảnh kỹ thuật số khi sử dụng chiếc điện thoại này của hãng. Ngoài tính năng chụp ảnh cao cấp, K750i còn được trang bị khả năng chơi nhạc MP3 và hỗ trợ thẻ nhớ. Tuy nhiên, một điểm hạn chế của máy đó là người dùng chỉ có thể sử dụng được thẻ nhớ độc quyền của Sony trên K750. Ngoài ra một nhược điểm khác của K750i đó là chiếc điện thoại này chỉ sử dụng jack cắm “Fast Port” thay vì một jack cắm tai nghe 3,5 mm phổ thông.
6. Sony Ericsson W800i (2005)
Năm 2005 có vẻ như là một năm thành công của Sony Ericsson. Hãng đã tiếp tục tung ra dòng sản phẩm điện thoại chơi nhạc chuyên nghiệp Sony Ericsson W800i với thẻ nhớ lên tới 512 MB cùng tai nghe chuyên dụng sành điệu. Thành công của "nữ hoàng nhạc số" đã khiến cho thương hiệu “Walkman" cũng trở nên nổi tiếng hơn. Bên cạnh tính năng nghe nhạc "đỉnh", W800i cũng rất bắt mắt với thiết kế màu trắng và cam trẻ trung. Tuy nhiên một lần nữa Sony Ericsson lại không thiết kế giắc cắm chuẩn 3,5 mm cho W800i và điều này ít nhiều ảnh hưởng đến những tín đồ muốn thưởng thức chất lượng âm nhạc tuyệt hảo trên W800i. Ngoài W800i thì các phiên bản khác của dòng điện thoại W cũng rất được các bạn trẻ Việt Nam yêu thích bởi chúng không những cho chất lượng âm thanh hay mà còn được tích hợp nhiều công cụ đa phương tiện hữu ích.
7. Sony Ericsson K790i (2006)
Quãng thời gian thống trị của K750i chính là "thời kỳ vàng son" của Sony Ericsson. Thừa thắng xông lên, hãng điện thoại này đã mang đến thế hệ di động tiếp theo trong dòng K là model K790i. Chiếc điện thoại này đánh dấu sự ra đời của dòng điện thoại CyberShot đưa tính năng chụp ảnh lên một cấp độ cao hơn. Thiết kế của K790i cũng trở nên trau chuốt, đẹp mắt và cuốn hút người dùng cùng camera có độ phân giải 3,2 MP hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách với máy ảnh kỹ thuật số. Ngoài ra màn hình TFT 2 inch với độ phân giải QVGA cũng là một điểm cộng của chiếc điện thoại này.
8. Sony Ericsson K810i (2007)
Sự sụp đổ của Sony Ericsson bắt đầu ngay sau khi hãng này cho ra mắt K810i, model kế thừa từ chiếc điện thoại K790i. K810i có thiết kế hiện đại, với các nút bấm bằng kim loại sáng bóng nhưng camera của máy lại chỉ giới hạn ở 3,2 MP. Đây thực sự là một điểm trừ quá lớn bởi thời điểm đó người dùng đang rất mong chờ một sản phẩm 5 "chấm" đến từ hãng điện thoại này. Do vậy, K810i đã không thể đánh bại các đối thủ khác như Nokia N95, một sản phẩm rất xuất sắc của Nokia.
Thật đáng tiếc các phiên bản điện thoại Sony Ericsson về sau giá vẫn tương đối cao và thẻ nhớ chính hãng không phải lúc nào cũng dễ tìm và đó chính là lý do khiến người dùng dần xa rời các sản phẩm của liên minh điện thoại này. Những đám mây đen chỉ thực sự bao trùm lấy Sony Ericsson khi người khổng lồ iPhone sừng sững bước ra từ bóng tối.