-Anonymous chính thức phủ nhận thông tin đã tấn công Facebook.
Facebook kín tiếng
Vào tối ngày 31/5 (giờ Mỹ), mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook bất ngờ rơi vào tình trạng truy cập không ổn định, “lúc được, lúc không”; khiến hàng trăm triệu cư dân mạng trên toàn cầu (và cả ở Việt Nam) gặp khó khăn khi đăng nhập và sử dụng các tính năng trên mạng xã hội này. Sự cố kéo dài từ khoảng nửa tiếng cho tới hơn hai giờ đồng hồ, thậm chí nhiều người dùng cho biết tới ngày 1/6, họ vẫn chưa thể truy cập được vào mạng xã hội này.
Sự cố này khiến cư dân mạng, đặc biệt là những ai “nghiện Facebook” không khỏi choáng váng. Một mạng xã hội lớn, với hơn 900 triệu người dùng cùng một hệ thống bảo mật mạnh như Facebook không hiểu sao cũng có lúc rơi vào tình trạng “lag thất thường” như thế này. Người dùng Facebook cần biết rằng liệu đây chỉ là một lỗi kĩ thuật đơn thuần của “Phây”; hay thực sự Facebook đã bị tin tặc đưa vào tầm ngắm?
Trên trang tin Reuters, phát ngôn viên của Facebook Michael Kirkland thông báo ngắn gọn về sự cố này “Vào ngày 31/5, nhiều người dùng đã gặp phải tình trạng gián đoạn khi truy cập vào mạng xã hội Facebook. Các vấn đề này đã được đội ngũ kĩ thuật của chúng tôi giải quyết xong xuôi và hiện tại, người dùng đã có thể truy cập vào Facebook hoàn toàn bình thường. Chúng tôi vô cùng xin lỗi về sự bất tiện”.
Tuy nhiên, tới ngày 1/6, nhiều người dùng Internet vẫn gặp khó khăn khi sử dụng Facebook. Theo thông tin trên website chuyên theo dõi sự cố đứt mạng downforeveryoneorjustme.com, phải tới khoảng 9h40 ngày 1/6 (giờ Mỹ), Facebook mới hoạt động bình thường trở lại.
Người dùng “tò mò” rất muốn biết về nguyên nhân của sự cố này; đơn giản bởi vì Facebook đang nắm giữ rất nhiều thông tin của họ, và trong một thế giới mạng đầy rẫy hiểm họa như ngày nay, chúng luôn luôn có nguy cơ bị tấn công và đánh cắp. Vậy mà, cách lí giải về sự cố của Facebook lại hết sức ngắn gọn, chung chung như trên; khiến không nhiều người hài lòng. Quay ngược thời gian hai năm trước, khi Facebook cũng gặp tình huống tương tự vào tháng 9/2010; trái với cách lí giải chung chung; đội ngũ kĩ thuật của hãng đã công bố và giải trình khá chi tiết về nguyên nhân ngừng hoạt động của trang mạng.
Chính điều này khiến giới truyền thông đặt nghi ngờ rằng đây không phải là một lỗi kĩ thuật thông thường của Facebook. Rất có thể Facebook đã bị tin tặc tấn công và những người lãnh đạo Facebook muốn “ém nhẹm” thông tin này. Họ không muốn thừa nhận một điều rằng, một trang mạng lớn và bảo mật mạnh như Facebook cũng có khi bị hack!
Cú lừa ngoạn mục
Tối 31/5, trên tiểu blog Twitter xuất hiện dòng tweet "Looks
like good old FaceBook is having packet problems… #F***FaceBook | #OpFaceBook |
#F***YourIPO” từ tài khoản Twitter mang tên YourAnonNews. Chỉ từ
dòng tweet ngắn ngủi này, nhiều trang tin lớn trên thế giới bên cạnh việc phản
ánh tình hình truy cập vào mạng xã hội lớn nhất hành tinh đã cho rằng, nhóm tin
tặc khét tiếng Anonymous đứng đằng sau mọi chuyện. Anonymous đã đe dọa hạ gục
Facebook nhiều lần, chính điều này khiến giới truyền thông đưa họ vào tầm nghi
vấn.
Tuy nhiên, đến ngày 1/6, Anonymous đã lên tiếng trong một thông cáo báo
chí của mình “Chúng tôi không tấn công Facebook”. Họ cho biết sau khi đọc được
thông tin về vụ việc này, họ đã tiến hành điều tra cẩn trọng thông qua việc thu thập thông tin từ các thành viên của mình, cũng như từ các nhóm hacker khác
trên toàn thế giới và khẳng định đây là một thông tin không có thật. Tất cả chỉ
là suy diễn không có cơ sở của giới truyền thông.
Trên Twitter, Anonymous khẳng định thêm một lần nữa “Anonymous sẽ không
bao giờ tấn công mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã nói nhiều lần rồi. Tại sao
chúng tôi lại đi tấn công công cụ truyền bá thông tin của mình?” Theo Anonymous, họ có những nguyên tắc hoạt động nhất đinh, và một trong
những nguyên tắc đó là không tấn công vào các phương tiện truyền thông; kể cả
các phương tiện mà họ không ưa.
Họ cũng cực lực lên án, chỉ trích các phương tiện truyền thông đã đăng tải các thông tin suy diễn, vô căn cứ. Các trang tin đã nhanh chóng đính chính lại thông tin này.
Theo nhận định của Anonymous, đây có thể chỉ là một lỗi kĩ thuật thông
thường bắt nguồn từ các máy chủ của Facebook. Tuy nhiên, có thể hiểu nguyên
nhân của việc Facebook không công bố chi tiết nguyên nhân vụ việc lần này như trong năm
2010 là bởi Facebook là công ty mới lên sàn chứng khoán, mọi phát ngôn đều sẽ
ảnh hưởng ít nhiều tới giá cổ phiếu của mình. Cuối ngày 2/6, vì sự cố này mà cổ
phiếu của hãng tiếp tục giảm 1,85 USD.
Chính vì đang là tâm điểm chú ý của các
nhà đầu tư cũng như các chuyên gia kinh tế - tài chính, giữa lúc việc kinh doanh không mấy thuận lợi, hẳn Facebook sẽ chẳng
dại gì đi công bố chi tiết về một thông tin mà hãng biết chắc sẽ gây bất lợi cho
mình cả. Chính việc “úp mở” của hãng đã khiến cho giới truyền thông có một
ngày “Cá tháng Sáu” ngoài dự kiến!
Tổng hợp