iPad thế hệ mới xuất hiện ở Việt Nam đã khẳng định tin đồn rằng máy tính bảng này có RAM 1 GB, xung nhịp 1 GHz. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa biết đến thông số đó, người sử dụng vẫn đua nhau đặt mua iPad 2012.
Các công ty sản xuất thi nhau trở thành hãng đầu tiên trên thế giới cho ra mắt điện thoại và tablet với chip 1 GHz, rồi đến lõi kép và lõi tứ... nhưng Apple chưa bao giờ bị coi là kẻ chậm chân. Tất cả các phiên bản iPad 2012 dự kiến chuyển hàng vào ngày 16/3 đều đã được mua đặt hết sạch trong khi sản phẩm vẫn chỉ sử dụng chip hai nhân như thế hệ cũ, thậm chí Apple còn không hề đề cập đến dung lượng RAM hay tốc độ xử lí trong lễ ra mắt ngày 7/3.
Apple hiếm khi nói về cấu hình một cách chi tiết. Họ chỉ nhắc tới nếu thông số đó giúp hình dung rõ hơn về sự thay đổi trong các tính năng, ứng dụng mới cũng như khả năng nâng cao trải nghiệm người dùng.
Khi Motorola tung clip quảng cáo cho Atrix 4G năm 2011, họ liên tục nhấn mạnh đó là điện thoại dùng chip hai nhân đạt tốc độ nhanh nhất thế giới... Trong khi đó, nếu xem lại tất cả quảng cáo iPad và iPhone của Apple, người ta chỉ thấy hình ảnh mọi người đang vui vẻ và thư thái tận hưởng sản phẩm.
Không công việc. Không căng thẳng. Không có những bộ comple cứng nhắc và bận rộn. Không có những cái đầu cắm cúi nhìn vào màn hình tại sân bay hay bên li cà phê. Apple nhấn mạnh iPad và iPhone là thiết bị để khám phá những điều thú vị như chơi game, đọc sách, xem phim, duyệt ảnh... Người ta sẽ không bao giờ chứng kiến Apple liệt kê các con số khô khan khi giới thiệu những thiết bị mà họ gọi là "hậu PC".
Có thể lấy một ví dụ nữa trong lĩnh vực máy tính bảng giá rẻ. Nook Tablet được trang bị RAM và bộ nhớ trong nhiều gấp đôi Kindle Fire, thêm khe cắm thẻ nhớ ngoài microSD lên đến 32 GB, thời lượng pin tốt hơn và chỉ đắt hơn có 50 USD so với Kindle Fire. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm thực tế, một số chuyên gia công nghệ đã phải thốt lên rằng: "Đừng để những thông số làm mờ mắt bạn".
Cấu hình cao hơn cũng không giúp Nook Tablet đạt được doanh số như Kindle Fire. Những thứ liệt kê trên giấy không còn quan trọng nữa. Quan trọng là Kindle Fire được chống lưng bởi hệ thống nội dung phong phú của Amazon. Cấu hình trở thành tiêu chí thứ yếu trong cuộc đua sản phẩm. Người dùng không cần một thiết bị "khủng" nhưng tạo cảm giác khó chịu khi sử dụng mà sẵn sàng chi tiền cho một thiết bị "vừa đủ" nhưng hài hòa giữa thiết kế, phần mềm, nội dung...
HTC cũng bắt đầu thực hiện hướng đi giống Apple. Trong buổi họp báo tại triển lãm Mobile World Congress cuối tháng 2 tại Tây Ban Nha, CEO Peter Chou và Trưởng nhóm thiết kế Scott Croyle của HTC dành hơn một tiếng nói về điện thoại thuộc dòng One nhưng trong số đó chỉ có chưa đầy một phút cho sức mạnh của vi xử lí.
"Điều người sử dụng quan tâm không phải là những con số mà là thứ gì đó thuộc về tâm lý", Giám đốc marketing của HTC John Wang trả lời báo chí. "Trừ những người mới bắt đầu sử dụng, mấy ai còn quan tâm đến số lõi trong điện thoại?".
Ngược lại, Ramchan Woo, Trưởng bộ phận smartphone của LG, lại nhấn mạnh: "Mọi người quan tâm đến cấu hình". Woo có lí ở chỗ thông số và thiết kế sẽ quan trọng khi so sánh giữa các thiết bị Android bởi chúng chạy cùng một hệ điều hành. Nhưng việc nhiều hãng liên tục đem cấu hình ra để so đo với iPad và iPhone đang bị coi là "điều ngớ ngẩn" bởi chúng có nền tảng khác nhau và còn nhiều thứ đáng lưu ý hơn như nội dung có phong phú không, máy có hoạt động nhanh, mượt, thiết kế đẹp và đặc biệt là có khiến mọi người thích thú khi sử dụng hay không.