Nhịp sống số

Cáp quang Thunderbolt sẽ ra mắt trong năm nay

Hôm 12/3/2012, Intel cho biết cáp quang cho cổng Thunderbolt giúp truyền dữ liệu nhanh hơn và xa hơn giữa các máy tính như Macintosh của Apple sẽ được bán ra trong năm nay.

Thunderbolt, mới được giới thiệu cách đây một năm, là công nghệ kết nối tốc độ cao dùng để truyền dữ liệu giữa máy tính và các thiết bị ngoại vi. Hiện nay, Thunderbolt được kết nối bằng dây đồng, nhưng trong tương lai cáp quang có thể cung cấp thêm băng thông và có thể nối dài hơn, theo người phát ngôn Dave Salvator của Intel.

Thunderbolt là công nghệ do Apple và Intel hợp tác phát triển và được xem là một giải pháp kết nối nhanh hơn so với USB 3.0, với tốc độ truyền lên đến 10Gbps (gigabit/giây). Một bộ phim độ nét cao có thể được truyền từ thiết bị lưu trữ ngoài sang MTXT chỉ trong vòng chưa đến 30 giây.

Công nghệ này được giới thiệu vào năm 2009 với hứa hẹn sẽ dùng xung quang để truyền dữ liệu. Nhưng do giá sợi quang quá cao, nên khi lần đầu ra mắt trên máy Mac của Apple hồi năm ngoái, công nghệ Thunderbolt đã phải dùng cáp đồng. Các hãng máy tính cá nhân như Lenovo sẽ phải trang bị cổng Thunderbolt trong MTXT Windows của họ vào cuối năm nay.

Intel cho biết, cáp đồng thích hợp để truyền dữ liệu qua khoảng cách ngắn dưới 6m. Cáp quang dùng tốt để truyền dữ liệu với độ dài đến hơn 10m.

Mặt mạnh của cáp quang là nó cho phép nối cáp dài hơn và khi công nghệ này phát triển thêm thì nó sẽ thêm băng thông, theo ông Salvador. Nhưng khi kết nối qua cáp quang, các thiết bị nào cần điện năng cũng cần cũng phải có nguồn cung cấp điện riêng. Điện năng dùng để hoạt động qua đường nối cáp quang dài hơn có thể không thích hợp vì bị giảm điện năng do trở kháng gây ra.

Theo ông Salvador, cáp đồng có lợi hơn vì nó cung cấp đến 10W điện năng nên thiết bị không cần phải có ổ cắm điện.

Intel không cho biết cụ thể lịch bán ra cáp quang. Hãng này cũng từ chối không cho biết giá cả.

Các cổng Thunderbolt hiện có trên máy Mac của Apple sẽ tương thích với cáp quang sắp ra mắt. Người dùng sẽ có thể mua sản phẩm hiện có và chuyển từ cáp đồng sang cáp quang mà không cần phải thay đổi bộ phận nào trong máy tính. Hệ mạch cũng đảm bảo được cáp Thunderbolt sẽ kết nối được bằng cáp đồng hay cáp quang.

Mục đích của Intel khi dùng Thunderbolt là để giảm thiểu số cổng và đồng nhất tất cả các giao thức truyền dữ liệu, kết nối mạng và hiển thị qua một đầu kết nối duy nhất. Thunderbolt hỗ trợ các giao thức gồm DisplayPort cho màn hình hiển thị và PCI-Express 2.0 cho các thiết bị ngoại vi như thiết bị lưu trữ ngoài. Thiết bị Thunderbolt dùng chung một đầu kết nối, và các thiết bị có thể kết nối nối tiếp nhau bằng cáp điện hay cáp quang.

Thunderbolt là một công nghệ dành riêng cho một lĩnh vực đặc biệt ,được sử dụng cụ thể trong các lĩnh vực như lưu trữ và kết nối mạng, theo Jim McGregor - Giám đốc chiến lược công nghệ của In-Slat.

Theo ông McGregor, máy tính có cổng Thunderbolt cũng tốt, nhưng cho đến khi công nghệ này có mặt trên các thiết bị sử dụng hàng ngày như thiết bị cầm tay, camera và máy nghe nhạc MP3, người ta mới thấy được sự khác biệt. Tuy nhiên, các hãng sản xuất thiết bị đang tránh dùng cáp nối, và nhiều công nghệ không dây đang lấn sân trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng.

Ông McGregor cho biết, Thunderbolt cũng có thể sẽ đắt tiền hơn với công nghệ quang học, điều này có thể cản trở người dùng chấp nhận nó. Các công nghệ đầu kết nối tuyệt vời như FireWire đã xuất hiện nhưng cũng không được thành công cho lắm.

Chỉ hơn một năm sau khi được giới thiệu, Thunderbolt hiện ở trong giai đoạn trưởng thành khi công nghệ này đã được sử dụng trên các thiết bị ngoại vi và máy tính. Intel cũng đang thực hiện cải thiện công nghệ này.

Hồi đầu tuần này, Intel cho biết đang xây dựng hỗ trợ giao thức PCI-Express 3.0 trong Thunderbolt, nhằm giúp đẩy mạnh tốc độ truyền dữ liệu. Hãng sản xuất chip này cũng đang phát triển một loại công nghệ Thunderbolt kế tiếp dựa trên quang tử học silicon, giúp truyền dữ liệu nhanh hơn gấp 5 lần so với công nghệ Thunderbolt hiện giờ. Công nghệ này dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm 2015.