Có tới 1/5 giáo viên đã từng là nạn nhân của nạn bôi nhọ trên mạng (cyberbaiting) hoặc biết đến trường hợp tương tự đã từng xảy ra với một giáo viên khác - theo Báo cáo Norton Online Family vừa được công bố hôm nay, 24/11.
Báo cáo Norton Online Family (báo cáo toàn cầu về hiện trạng bảo mật trực tuyến trong các gia đình) cho biết, học trò trước tiên tìm cách gây rối và chọc tức giáo viên cho tới khi họ nổi khùng, sau đó chúng ghi lại những hình ảnh về vụ việc bằng thiết bị di động và đưa lên mạng nhằm khiến giáo viên xấu hổ và để lại hình ảnh không tốt về trường học.
Có tới 67% giáo viên cho rằng việc kết bạn với học trò trên các trang mạng xã hội có thể khiến họ gặp rủi ro nhiều hơn. Dù vậy, 34% các giáo viên còn lại vẫn kết bạn với học trò/sinh viên của mình. Chỉ có 51% số lượng giáo viên cho biết trường học của họ có một bộ luật về giao tiếp ứng xử giữa giáo viên và học trò trên các trang mạng xã hội. Có tới 80% giáo viên kêu gọi bổ sung các biện pháp giáo dục về an toàn trực tuyến trong trường học, và 70% số phụ huynh ủng hộ xu hướng này.
Một hiện tượng đáng lưu ý khác trong Báo cáo Norton Online Family là rất nhiều trẻ em đang phung phí tiền của cha mẹ qua các cuộc mua bán trực tuyến. 23% số cha mẹ cho phép con cái sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng cho mục đích mua hàng trực tuyến tiết lộ con cái của họ thường tiêu quá tay. 30% cha mẹ cho biết con cái họ đã từng sử dụng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng của họ để mua hàng trực tuyến mà không xin phép. Hơn một nửa các bậc phụ huynh (53%) mà cho phép con cái của họ giao dịch trực tuyến bằng tài khoản của mình cho biết trẻ nhỏ sử dụng tài khoản mà không được sự đồng ý của mình.
Có tới 77% các bậc cha mẹ đưa ra những nguyên tắc về sử dụng Internet cho trẻ nhỏ. Với những gia đình nền nếp, trẻ nhỏ ngoan và tuân thủ nguyên tắc gia đình thường khá an toàn khi trực tuyến, chỉ có 55% trẻ trong các gia đình này từng gặp phải trải nghiệm trực tuyến xấu. Con số này là 82% với những trẻ không tuân thủ nguyên tắc.