Với cách tính phí hiện nay, mặc dù cước thuê bao trả sau có rẻ hơn trả trước, nhưng khi so sánh thì "không thấm vào đâu". Đơn cử, cước trả sau hiện ở mức khoảng 1.000 đồng/phút với phí hàng tháng là 50.000 đồng. Trong khi đó, cước liên lạc trả trước khoảng 1.400 đồng/phút, nhưng được khuyến mãi tặng 50% đều đặn hàng tháng và tặng 100% giá trị thẻ cho 10 lần nạp đầu tiên (đối với sim mới). Ngay cả việc thuê bao cũ hàng tháng được hưởng 50% giá trị thẻ đều đặn hàng tháng so với việc thuê bao trả trước mới khi nạp tiền được hưởng 100% giá trị thẻ nạp cũng khiến khách hàng tính toán dùng sim (sim rác) thay cho việc nạp thẻ. Vì vậy, kho số của các nhà mạng càng ngày càng mở rộng, nhưng tuổi đời hoạt động của các sim chỉ từ 6 tháng tới 1 năm. Điều này khiến cho thị trường di động trong nước phát triển không bền vững.
Mặt khác, các đại lý khi bán sim được "hoa hồng" là 26% trong khi với thẻ cào chỉ là 6%. Mức chiết khấu này khiến các đại lý chạy theo lợi nhuận, kích hoạt sim trước để bán nên càng khó quản lý các thuê bao trả trước.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng hiện đã kiến nghị thu cước hoà mạng đối với thuê bao di động trả trước, phát hành sim không có mệnh giá và khuyến mại sim này giống như các sim đang hoạt động, quy định giá bộ sim kích hoạt ở mức 15 ngàn đồng... Và trên hết, để tăng tính bền vững và tạo sự bình đẳng cho các thuê bao, cần có những ưu đãi rõ nét và cụ thể hơn cho các thuê bao di động trả sau.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng, đại diện cho Bộ TT&TT, cho biết, sắp tới sẽ có Thông tư quy định về việc thu phí hoà mạng đối với thuê bao trả trước, các chính sách khuyến khích phát triển thuê bao trả sau. Văn bản này sẽ góp phần đảm bảo cho thị trường di động Việt Nam phát triển một cách lành mạnh.