Điện thoại

Cận cảnh “bữa tiệc” di động năm 2011

Nokia tuyên bố Nokia ngừng sản xuất smartphone chạy trên nền tảng của riêng mình để sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7, hay sự trở lại của thương hiệu Motorola Razr là những điều đã tạo ra một “bữa tiệc” di động đặc biệt trong năm 2011.

Cùng xem 10 điểm nhấn quan trọng trên thị trường smartphone 2011.

 

Sự trở lại của Nokia
 
 
Cái bắt tay đầy hy vọng của 2 ông lớn.

 

Quyết định ngừng sản xuất smartphone chạy hệ điều hành Symbian vốn thống lĩnh thị trường di động trong nhiều năm qua của Nokia đã thực sự khiến giới công nghệ bất ngờ. Điều người ta còn bất ngờ hơn khi Nokia lại lựa chọn đối tác là Microsoft bởi nền tảng Windows Phone từ sau những năm huy hoàng nhất của mình đã không còn gây nhiều hứng thú cho người dùng. Cùng thời điểm tuyên bố hợp tác với Microsoft, Nokia cũng tung ra thị trường chiếc điện thoại MeeGo đầu tiên và cũng là cuối cùng - N9. Chiếc điện thoại này đã ít nhiều giúp Nokia “quay trở lại đường đua” sau một thời gian dài “hụt hơi”. Và, sau 8 tháng tuyên bố hợp tác, Nokia và Microsoft cũng đã ra mắt chiếc điện thoại Windows Phone đầu tiên - Lumia 800. Dù sự thành công vang dội chưa đến với Lumia 800 nhưng thị trường di động đã có những phản ứng đầu tiên rất tốt dành cho smartphone này với số lượng đơn đặt hàng cao đúng như mong đợi của Nokia.

 

Bước ngoặt mang tên “Mango”

 

2011 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của hệ điều hành của Microsoft - Windows Phone 7. Với việc bắt tay với Nokia, như là một “tấm vé” chắc chắn giúp Microsoft tiến vào cuộc đua trên thị trường di động, gã khổng lồ phần mềm đã nâng cấp lên phiên bản Mango với hơn 500 tính năng cải tiến mới. Mango được đánh giá cao với khả năng xử lý đa tác nhiệm, tích hợp nhiều e-mail, mạng xã hội và cả trình duyệt Internet Explorer 9. Năm 2012 rất có thể sẽ được “đón tiếp” bản nâng cấp Tango, Microsoft sẽ giới thiệu về phiên bản này tại triển lãm CES 2012 sẽ diễn ra vào tháng 1 tới.

 

Google thâu tóm Motorola

 

Bởi sức ép từ những vụ kiện tụng “um xùm” mà Apple đang gây khó dễ với những nhà sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, thế nên, Google đã quyết định làm một điều khá bất ngờ, đó chính là mua lại Motorola với một bảng danh mục bản quyền ấn tượng. Hơn thế nữa, Google cũng muốn sở hữu Motorola để thực hiện tham vọng bành trướng trên thị trường di động với những chiếc điện thoại mang thương hiệu của riêng mình. Mặc dù những đối tác của Google hiện tại là Samsung và HTC vẫn dành những lời khen với quyết định mua lại Motorola nhưng rõ ràng gã khổng lồ tìm kiếm trực tuyến giờ đã trở thành một đối thủ của họ.
 
Với Motorola, nhiều năm "chết lặng" sau thành công vang dội của dòng điện thoại RAZR siêu mỏng. Mới đây, nhà sản xuất này cũng đã làm "rúng động" thị trường di động bằng chiếc điện thoại Droid RAZR mỏng nhất thế giới với kích thước chỉ 7,1mm. Droid RAZR có màn hình Super AMOLED Advanced 4.3 inch, camera 8 megapixel, vi xử lý lõi kép 1,2GHz.

 

HTC mua lại thương hiệu âm thanh nổi tiếng Beats Electronics
 
 
HTC Sensation XE là chiếc điện thoại sử dụng công nghệ Beats Audio đầu tiên.

Với nỗ lực tạo sự khác biệt cho các dòng sản phẩm của mình, HTC đã mua lại 51% cổ phần của thương hiệu âm thanh cao cấp Beats Electronics với giá 500 triệu USD. Ngay sau khi thương vụ hoàn tất, hầu hết các dòng điện thoại mới của HTC, gồm Sensation XE, Sensation XL, đều được tích hợp công nghệ Beats Audio. Và những mẫu smartphone này đều đang được đánh giá cao.

 

Sự lên ngôi của smartphone lõi kép

 

Cuối năm 2010 là sự tỏa sáng của bộ vi xử lý 1GHz. Tại thời điểm đó, chip 1Ghz là chuẩn mực trong các dòng điện thoại cao cấp. Tuy nhiên, 2011 chứng kiến hàng loạt điện thoại mới với những bộ vi xử lý lõi kép, tốc độ từ 1GHz -1,4GHz. Và năm 2012, giới công nghệ còn đánh cược vào những mẫu di động lõi tứ, và còn nhiều điều “khó tin” hơn thế nữa. Đến lúc đó, smartphone với chip 1Ghz sẽ là “vũ khí” của những chiếc điện thoại phổ thông, tầm trung.

 

Điện thoại 3D

 

3D là một công nghệ rất đặc biệt với hầu hết các nhà sản xuất, vì thế, chỉ là vấn đề về thời gian để các nhà sản xuất đưa công nghệ hình ảnh 3 chiều đến với những chiếc điện thoại cầm tay. LG là hãng đầu tiên tung ra điện thoại 3D - Optimus 3D, tiếp sau đó là HTC với EVO 3D. Sharp cũng ra mát điện thoại 3D tại Nhật Bản nhưng không bán ra ở các thị trường khác.

 

Tuy vậy, do phải tích hợp công nghệ 3D vào điện thoại nên thiết kế của những chiếc điện thoại 3D thường rất to và dày hơn so với các dòng điện thoại khác. Và đến thời điểm này, thị trường di động chưa có dấu hiệu “chào đón” tính năng khá đặc biệt này.

 

RIM đặt niềm tin vào châu Á
 
 
PlayBook - chiếc máy tính bảng đầu tiên thất bại ê chề của RIM.

Sau những mất mát và thất bại trên thị trường di động, giờ đây RIM đang xem châu Á như là “cứu cánh” của hãng. RIM hy vọng vực lại thị phần vốn đã đánh mất sau gần 2 năm không tạo ra sự đột phá trong thiết kế và phần mềm.Indonesialà một trong những thị trường lớn nhất của RIM. Nhà sản xuất đến từCanadavừa ra mắt dòng điện thoại Bold 9790 tạiIndonesiatrước khi tung ra ở các thị trường khác.

 

RIM cho biết kế hoạch của hãng là sẽ cố gắng ra mắt sản phẩm mới tại thị trường châu Á cùng thời điểm với chiến dịch tổ chức ở Bắc Mỹ. 

 

Điện thoại Facebook

 

Mạng xã hội Facebook trở thành một công cụ giao tiếp phổ biến của người dùng Internet. Và HTC là nhà sản xuất nhanh nhẹn tung ra 2 dòng điện thoại dành riêng cho những “tín đồ” của Facebook. Những chiếc điện thoại này được tích hợp một nút bấm Facebook để chia sẻ thông tin, và nút bấm này sẽ phát sáng khi tài khoản Facebook của người dùng có cập nhật mới.

 

Trong khi đó, nền tảng Android cũng vừa mới nâng cấp một phiên bản mới nhất dành cho Facebook.

 

iOS 5 

Apple tiếp tục cải tiến cho nền tảng di động của mình với nhiều tính năng mới, như chức năng thông báo NotificationCentergiống như trong Android, hay dịch vụ nhắn tin iMessage, Twitter và đặc biệt là “trợ lý” Siri - điều là nên nét đặc biệt của iPhone 4S. iPhone 4S không có sự đổi mới về thiết kế như mong đợi của người dùng, nhưng máy được nâng cấp với camera 8 megapixel, vi xử lý lõi kép tốc độ 1GHz.

 

Hệ điều hành Android Ice Cream Sandwich 

Galaxy Nexus là điện thoại Android 4.0 đầu tiên.
 
 
“Bữa tiệc” di động năm 2011 cũng được góp vui với nền tảng Android 4.0 và chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng phần mềm này - Galaxy Nexus. “Bánh kem” Android Ice Cream Sandwich được cải tiến với hàng loạt tính năng đặc biệt, như “Face unlock” - mở máy bằng cách nhận diện khuôn mặt; NFC - trao đổi dữ liệu bằng cách chạm 2 máy vào nhau; phản hồi cuộc gọi bằng 1 tin nhắn; chuyển đổi giọng nói bằng văn bản…