Nhịp sống số

[Cảm nhận] Kinzu v2 Pro edition: Tuyệt vời!

[Cảm nhận] Kinzu v2 Pro edition: Tuyệt vời!
>Sau thành công của Kinzu v1, đầu năm 2012 Steelseries tiếp tục tung ra phiên bản Kinzu v2 với các cải tiến nhằm loại bỏ hoàn toàn nhược điểm của Kinzu v1, đồng thời đưa dòng chuột Kinzu lên một đẳng cấp mới. Hôm nay, GenK muốn đề cập đến Kinzu v2 Pro edition, một phiên bản đã được Steelseries hoàn thiện từ ngoài vào trong một cách tuyệt vời.

Thông số cơ bản:

Counts Per Inch (CPI) : 3200.
Frames Per Second (FPS) : 3600.
Inches Per Second (IPS) : 65.
Gia tốc : 30G.
Khoảng cách lift-off tối đa : 2mm.
Nút : 4.
Đồ dài dây nối : 2m.
Trọng lượng : 77 gram.
Kích cỡ : 36x64x117mm.

Tổng quan thiết kế:

Nhìn chung, design bên ngoài Kinzu v2 không khác gì Kinzu v1 về hình dáng, kích thước lẫn trọng lượng. Kinzu v2 ngoài màu đen mà người viết đang review còn có thêm hai màu đỏ và cam, tăng thêm lựa chọn về mẫu mã cho game thủ. Vẫn chỉ đơn giản như thế mà không hề đơn điệu, dễ hiểu vì hiệu năng sử dụng của Kinzu là một tiềm ẩn bên trong so với dáng vẻ được cho là chẳng có gì nổi bật ở bên ngoài, đó mới là cái khiến game thủ có cái nhìn khác về Kinzu : mộc mạc và giản dị.
 
Phiên bản Kinzu v2 Pro edition được phủ sơn bóng, và chất lượng sơn cũng tốt hơn hẳn
so với phiên bản White, Red của Kinzu v1.

Vẫn là 3 bun cơ bản của một PC mouse, Kinzu có thêm một nút điều chỉnh "on-the-fly sensitivity" cho phép người dùng
có thể điều chỉnh CPI ngay lập tức theo mặc định (400-3200) hoặc thiết lập trong driver, về cơ bản không khác gì Kinzu v1.
 
Nếu như nhìn qua, gamer chúng ta cũng chẳng thể phân biệt được đâu là Kinzu v1, đâu là Kinzu v2. Tuy nhiên nếu soi kỹ một chút, người dùng sẽ thấy sự khác biệt giữa logo của 2 phiên bản. Nhìn chung, về kiểu dáng thiết kế thì Kinzu v2 cũng không khác gì nhiều so với Kinzu v1. Bây giờ chúng ta tiến hành "mổ xẻ" chiếc Kinzu v2 này xem có điều gì bất ngờ hay không.

Ở Kinzu v1,bảng mạch chính gồm mắt quang, IC nguồn, thạch anh và vô số tụ nhỏ nằm rải rác. Dây nguồn 5 sợi, giao tiếp 8 chân giữa 2 bảng mạch chính và bảng mạch chứa switch của mouse. Mắt quang sử dụng trong Kinzu v1 được bao trùm bởi một nắp nhựa to bản, cùng với ống kính (lens) gắn đồng thời bên trong. Switch của Kinzu v1 (white) là TTC, thay vì omron như người anh em Kinzu v1 Red hay Sudden Attack edition.
 
Còn đối với người anh em v2, bảng mạch của model này gần như khác hoàn toàn Kinzu v1, với IC nguồn khá lớn, và mắt đọc cũng khác nhau.
 
Switch được sử dụng trong Kinzu v2 Pro edition là Omron, một trong những switch có độ
nảy mềm mại rất được giới game thủ rất ưa chuộng.

3 lớp feet của Kinzu v2 pro edition là teflon 100% khá dày và mượt. Tuy vậy ở Kinzu v2 chỉ có phiên bản
PRO edition mới có lớp feet đáng giá này.

Driver của Kinzu v2 chính là Steelseries Engine sử dụng chung với các loại mouse Steelseries đời mới. Mặc dù có đến 4 thiết lập chỉ số CPI, nhưng nút phụ chỉ cho phép Kinzu thay đổi qua lại với 2 thiết lập. Game thủ có thể chuyển chỉ số CPI bằng nút hình tam giác ở giữa thân chuột. Hỗ trợ tốc độ phản hồi tín hiệu (polling rate) lên đến 1000Hz làm giảm triệt để hiện tượng "delay" khi di chuột. Tab "Buns" trong driver dùng để điều chỉnh theo ý muốn các nút bấm, và "Statistics" để record lại lược sử thao tác chuột kể từ khi bắt đầu kích hoạt.
 

Thử nghiệm thực tế :

Để test một cách tốt nhất, tôi thiết lập CPI ở mức 1600 và 3200, 2 chế độ Low và High sensitivity, cùng với bàn di (mouse pad) Roccat sense, Razer Goliathus speed. Game được "chuột bạch" lần này vẫn là game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) Counter-Strike, đồng thời sẽ test thêm ở game chiến thuật thời gian thực (RTS) Warcraft III ở mức CPI 400 và 800.

Ở trong game Counter-Strike, khác với mọi khi, chỉ có 2 mức sensitivity là High và very-High, vì tôi sẽ test bằng config cá nhân kèm gia tốc. Trước hết là config kèm gia tốc High sensitivity quen thuộc của tôi : 1600 CPI, sens win 4, sens ingame 1.0 và không sử dụng 3 lệnh noforce (lệnh tắt hoàn toàn gia tốc).

Có thể các bạn chưa biết, khi sử dụng config có gia tốc, tính năng Auto correction (nắn đường chuột thành đường thẳng) và hiện tượng loss sẽ tăng xác suất rõ rệt. Khi test config kèm gia tốc, tôi muốn chứng minh cho các bạn thấy 3600 frames per second của sensor Kinzu v2 cùng những cải tiến so với Kinzu v1 đời đầu không tệ một chút nào so với con số của nó. Với main Weapon là AWP, tôi không hề gặp một chút khó khăn nào khi vẩy crosshair vào giữa người địch, tracking ổn định và cảm giác chuột mượt mà tuyệt đối.
 
 
Trải nghiệm với secondary Weapon là Desert Eagle, theo thói quen vẩy chuột tôi hay vẩy từ dưới lên trên để headshot đối phương, và trong screenshot dưới đây là pha vẩy headshot một đường chéo từ tầm giữa người địch lên đầu. Gần như không cảm thấy sự khó chịu của auto correction, đường vẩy thực sự thoải mái. Build-in-acceleration (gia tốc sẵn có trong mouse) như ở phiên bản Kinzu v1 cũng hoàn toàn biến mất,. Trong những pha khoảng cách vẩy xa của AWP, hay những pha đấu 1v1, hồng tâm luôn chuẩn xác đúng cữ vẩy, không có hiện tượng bị trôi quá đà gây mất chính xác.
 
Ở very-high sensitivity : 3200 CPI, sens win 3, sens ingame 1.0.
Và vẫn không sử dụng 3 lệnh noforce.
 
Thật ngạc nhiên, hiện tượng skip pixel ở Kinzu v1 hay thậm chí là KANA đã hoàn toàn không nhận thấy. Với một người sử dụng config có gia tốc luôn rất nhạy cảm với hiện tượng này, tuy nhiên sau nhiều giờ sử dụng kinzu, tôi chỉ cảm thấy hơi mỏi tay do đã quen dùng mouse DeathAdder (vốn có độ nặng và kích thước lớn hơn Kinzu), sự mượt mà trong các đường lia chuột của Kinzu v2 phải nói là làm tôi ấn tượng rất mạnh.

Bạn có thật sự ngạc nhiên khi Kinzu v2 lại vừa loại bỏ gần như hoàn toàn được auto correction, làm biến mất hẳn build-in-acceleration, chỉ có 3600 FPS mà mắt đọc lại không hề bị loss không ? Một số thông tin sau đây về Kinzu v2 có thế sẽ khá thú vị :

Mắt đọc (sensor) được sử dụng trong Kinzu v2 là PixArt PAW3305DK, với 3,7 Megapixel/s (Kinzu v1 là 3,75 Megapixel/s). Nhưng 1 frame của mắt đọc PixArt không phải là 20x20 pixel như mắt đọc của Kinzu v1 mà là 32x32 pixel. Với fps của Kinzu v1 là 9375, chúng ta sẽ làm một phép tính đơn giản :

Kinzu v1: 20x20x9375 = 3.750.000 ~ 3.75 Megapixel/s.
Kinzu v2: 32x32x3600 = 3.686.400 ~ 3.70 Megapixel/s.

Hay ngoài lề một chút như Razer DeathAdder với mắt đọc Avago 3888, 1 frame = 30x30 pixel, cùng với 6400 fps:

30x30x6400 = 5.760.000 pixel ~ 5.8 Megapixel/s.

Như vậy, PixArt PAW3305DK là một mắt đọc ko tệ chút nào, cùng với mạch xử lý đã loại bỏ những Auto correction hay build-in-accel khó chịu, Kinzu v2 dường đã thoả mãn cơn khát của giới game thủ nói chung và tín đồ Steelseries nói riêng. Từ những thông số này có thể nói sẽ làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của giới gamer: Frames per second chưa phải là tất cả. Vì sao Kinzu v2 không bị skip pixel ở mức 1600 và 3200 CPI như người anh em KANA?

Và đây là câu trả lời :
 
Ở Kinzu v2 sử dụng lens 1.0x, do đó tracking luôn ổn định ở mức 1600 hay 3200 CPI. Ngược lại, tuy cùng chung mắt đọc PixArt với Kinzu v2 nhưng lens của KANA chỉ là 0.5x, đó là nguyên nhân gây ra skip pixel ở KANA. Bù lại Inch Per Second (IPS) của KANA tăng gấp đôi (130 so với 65 của Kinzu v2) do sự khác biệt về lens.
 
 
Tuy nhiên, sẽ không ít game thủ sẽ thắc mắc: vậy lens 1.0x hoạt động ra sao ở mức 400 và 800 CPI ? Đó là một vấn đề chưa rõ ràng, bởi vì khi test trong game Warcraft III, apm (action per minute) của tôi luôn ổn định và micro (điều khiển quân) luôn chính xác. Từ sử dụng item kịp thời cho đến việc cứu quân luôn suôn sẻ, những thao tác nhanh khi hai bên quân giáp chiến không gặp bất cứ trở ngại nào.
 
Có vẻ như nhược điểm đáng kể duy nhất của Kinzu v2 là không có những nút phụ hỗ trợ. Việc có thể sử dụng nút phụ để rút HE, smoke, hay voice ingame trong Counter-Strike là sự tiện lợi vô cùng mà Kinzu không thể làm được. Hay là những numpad để sử dụng item trong Warcraft III một cách kịp thời, cứu hero hoặc quân của bạn một cách thần thánh, hoặc chỉ đơn giản là back và forward để lướt web tiện lợi. Ngoài ra scroll của Kinzu v2 build vẫn khá lỏng lẻo, những pha vẩy chuột nhanh và liên tục sẽ nghe thấy những âm thanh lọc cọc phát ra từ nút cuộn.

Kết luận :

Vẫn là kiểu dáng nguyên thuỷ của dòng Kinzu nhưng Kinzu v2 đã được cải tiến hoàn toàn từ bên trong. "Bình cũ, rượu mới" luôn là sự ngạc nhiên, bất ngờ cho những đệ tử Lưu Linh say mê dòng chuột này. Đây cũng là sự lựa chọn hoàn hảo khi các game thủ cảm thấy quá nhàm chán với những con chuột văn phòng, muốn trải nghiệm mùi vị của một gaming mouse cao cấp.

Ưu điểm:

-  Dễ sử dụng, thiết kế đơn giản và cân đối phù hợp với người thuận tay trái hoặc tay phải.
-  Sensor mới hắc phục hoàn toàn những nhược điểm của Kinzu v1.
-  Bản Pro edition sử dụng nút omron và feet teflon 100% cao cấp.

Nhược điểm:

-  Auto Correction có thể không hợp với một bộ phận người sử dụng.
-  Không có nút phụ nên đã giảm mất sự tiện dụng.
-  Kích thước khá bé, chỉ dành cho kiểu cầm Claw grip (giữ chuột bằng 4-5 đầu ngón tay).