Một tuần mới với những ứng dụng web mới, Nhịp Sống Số xin giới thiệu đến bạn danh sách tiếp theo để trải nghiệm những "trợ lý" trực tuyến rất thú vị.
Coolendar
Tuy có khá nhiều những dịch vụ ứng dụng web chuyên nghiệp như Google Calendar nhưng khi trải nghiệm Coolendar, người dùng có thể sẽ cảm nhận được cách lên lịch biểu đơn giản nhưng rất linh hoạt. Một danh sách hiển thị rõ ràng giúp bạn tập trung nhanh vào sự kiện mà Coolendar được thiết lập để nhắc bạn, bao gồm: thời gian và nội dung thông tin như địa điểm.
Quản lý sự kiện dễ dàng hơn với Coolendar |
Có thể nói Coolendar tìm đủ mọi cách để... nhắc việc với nhiều hình thức bao gồm: nhắc sự kiện từ web, qua email hay điện thoại di động, Google Talk hay cho cả Amazon Kindle.
TeamLab
Trong hai kỳ trước đây (Phần 1 | Phần 2), Nhịp Sống Số cũng đã giới thiệu các ứng dụng web hỗ trợ làm việc nhóm trực tuyến như Nirvana, Flow, Meetin.gs (họp trực tuyến), Conceptboard và nay là TeamLab.
Bạn sẽ phải ngạc nhiên về khả năng của TeamLab khi trải nghiệm nó hoàn toàn miễn phí |
TeamLab hỗ trợ khá nhiều chức năng nhưng lại hoàn toàn miễn phí, cho phép tạo ngay một đường dẫn cho từng nhóm, ví dụ: nhipsongso.teamlab.com rồi bổ sung các thành viên tham gia dự án, quản lý từng dự án, trò chuyện trao đổi trực tuyến với các thành viên, đưa ra các thông báo mới khi dự án có cập nhật. Mức độ chi tiết mà TeamLab mang lại khi quản trị một dự án cũng khá ấn tượng, tương đối đầy đủ cho một dịch vụ miễn phí.
<>* Nhịp Sống Số: Một ứng dụng web hay và hoàn toàn miễn phí, phù hợp cho quản lý các dự án nhỏ mà bạn có thể theo dõi cập nhật nhanh từ Internet.
Ngoài TeamLab, bạn cũng có thể thử nghiệm <>Doolphy để quản lý dự án. Hạn chế của Doolphy là thu phí cho các gói dịch vụ, tài khoản miễn phí chỉ có thể tạo một dự án duy nhất và hạn chế về dung lượng chia sẻ dữ liệu giữa các thành viên. Tuy nhiên, thế mạnh của Doolphy nằm ở chức năng xuất báo cáo ra dạng Excel, thiết lập quyền hạn cho từng thành viên tham gia dự án.
Simplenote
Đây là một lựa chọn khác bên cạnh ứng dụng Evernote khá nổi tiếng. Chức năng chính của Simplenote là hỗ trợ sao lưu những ghi chú mà bạn có thể đồng bộ hóa cho nhiều thiết bị như PC hay laptop dùng Windows hoặc Mac cho đến các thiết bị di động như iOS (iPhone, iPad) hay Android.
SimpleNote đơn giản theo đúng nghĩa |
Giao diện Simplenote đúng như tên gọi của nó, đơn giản và rõ ràng.
Fyels: chia sẻ 9GB dữ liệu
Hiện có rất nhiều website cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu như MediaFire, YouSendIt, Rapidshare, Megaupload... nhưng Fyels có phần nhỉnh hơn vì cách thức chia sẻ nhanh gọn, không quá rườm rà và hơn hết là cho chia sẻ đến 9GB dữ liệu.
Chia sẻ tập tin dữ liệu đến 9GB |
SocialMention
Một ứng dụng hay tương tự Google Alert để cập nhật luồng tin truyền thông xã hội, giúp bạn theo dõi được các chủ đề hấp dẫn mà mình đang nghiên cứu hay viết hoặc chỉ đơn giản là tìm hiểu về nó. Các từ khóa tìm kiếm có liên quan cũng được gợi ý giúp bạn biết được các từ đang phổ biến để kết nối.
Tìm kiếm tin tức theo xu hướng truyền thông xã hội |
Minutes.Io: quản lý các cuộc họp
Nếu bạn thường xuyên phải quản lý quá nhiều cuộc hội họp thì Minutes.Io sẽ là công cụ thích hợp, trợ giúp bạn như một người trợ lý trực tuyến chăm chỉ.
Quá dễ dàng lên kế hoạch cho một cuộc họp |
Minutes.Io rất dễ sử dụng, thậm chí không cần phải đăng ký tài khoản mà có thể tạo nhanh ngay một bảng ghi chú cho cuộc họp sắp tới, bao gồm: chủ đề buổi họp, thời gian, địa điểm, danh sách người tham dự, những việc cần làm... Mọi thứ đều diễn ra như bạn đang viết trên một tờ giấy để lập kế hoạch cho buổi họp. Đặc biệt là bạn có thể tận dụng Minutes.Io để ghi lại những lưu ý từ các buổi hội thoại từ Skype.
<>* Nhịp Sống Số: quá đơn giản nhưng tiện lợi đến không ngờ, bạn nên thử sử dụng Minutes.Io hoặc kết hợp với Meetin.gs đã được giới thiệu trong phần trước.
Lastpass: chỉ cần nhớ một mật khẩu
Lasspass là một ứng dụng rất hay để quản lý toàn bộ các mật khẩu của bạn, đồng bộ tài khoản xuyên suốt các thiết bị mà bạn đang sử dụng.
Bạn có thể cài đặt ứng dụng này vào trong bất kỳ trình duyệt web nào kể cả các trình duyệt trên thiết bị di động, chúng sẽ được đồng bộ dữ liệu với nhau nên không phải lo nhập thủ công từng tài khoản cho mỗi trình duyệt. Khi truy cập đến website mà bạn có tài khoản, Lastpass sẽ tự động điền thông tin để bạn đăng nhập.
Một ứng dụng trực tuyến nên dùng cho mọi cư dân mạng |
Cái lợi khi dùng Lastpass là không phải nhớ hàng loạt mật khẩu khi bạn có quá nhiều tài khoản, nào là email, diễn đàn hay tài khoản từ các website. Bạn chỉ cần nhớ một mật khẩu cho tài khoản Lastpass còn công việc ghi nhớ tất cả các tài khoản còn lại sẽ được Lastpass phụ trách. Chức năng tạo mật khẩu ngẫu nhiên và an toàn cũng rất đáng dùng.
<>* Nhịp Sống Số: Ứng dụng hay và nên dùng, đặc biệt là cho các cư dân mạng thường xuyên lướt nhiều website, tham gia nhiều diễn đàn hay mạng xã hội. Nếu trả thêm 1 USD mỗi tháng, LastPass còn tăng cường thêm chức năng chống keylogger (phần mềm ghi lại thao tác bàn phím), bảo mật cho tài khoản Lastpass thêm an toàn hơn, cho phép sao lưu và khôi phục các tài khoản từ Lastpass.