Smartphone

Các thuật ngữ smartphone thường gặp

Các thuật ngữ smartphone thường gặp

Những thuật ngữ và khái niệm như "màn hình cảm ứng điện dung", "MicroSD" và “HSPA+”… có khó hiểu với bạn mỗi khi đọc những thông tin liên quan đến điện thoại thông minh (smartphone)? Nếu câu trả lời là có, thì bài viết sau đây sẽ dành cho bạn.

Bộ vi xử lý (Processor)

Bộ vi xử lý Apple A4 do Samsung sản xuất. Ảnh minh họa: Internet

Bộ vi xử lý bên trong một smartphone đóng vai trò như bộ não, đảm nhiệm công việc xử lý mọi tác vụ của thiết bị. Hiện tốc độ được xem là mạnh nhất cho một smartphone cao cấp (hi-end) là 1GHz trở lên. Những nhà sản xuất vi xử lý đạt tốc độ 1GHz cho smartphone chủ yếu là Samsung với các dòng vi xử lý Hummingbird và cung cấp chip Apple A4 cho Apple, Qualcomm với dòng Snapdragon và Texas Instruments (OMAP). Những vi xử lý tốc độ 1Ghz giúp xử lý các tác vụ và chạy phần mềm một cách nhanh chóng, trong đó có cả nhu cầu giải trí như duyệt web, phát video HD 720p hoặc 1080p (Full HD)…

Tuy nhiên, một smartphone không nhất thiết phải sở hữu một vi xử lý 1Ghz để hoạt động tốt. Khi chiếc G2 của nhà mạng T-Mobile chưa ra mắt, nhiều người đã thất vọng về hiệu năng của chiếc smartphone khi biết nó chỉ được trang bị một chip Qualcomm Scorpion tốc độ 800Mhz. Nhưng sau một loạt các phép thử (benchmark) bằng phần mềm, hiệu năng thực tế của G2 lại tỏ ra tương đương với một chiếc điện thoại sử dụng chip Snapdragon 1Ghz.

Tóm lại, người dùng nên cân nhắc và bỏ thời gian nghiên cứu về chiếc điện thoại họ muốn mua: nó sử dụng loại vi xử lý nào, do ai chế tạo và khả năng xử lý đa tác vụ của nó. Nếu bạn là người có nhu cầu cao về những ứng dụng nghe – nhìn – giải trí, bao gồm việc thường xuyên lướt Web song song với mở nhiều phần mềm một lúc, những smartphone sử dụng vi xử lý từ 1Ghz trở lên tỏ ra là lựa chọn thích hợp hơn cả…

Bộ nhớ RAM

Không khác gì một chiếc máy tính cá nhân, năng lực tính toán và xử lý nhiều ứng dụng và phần mềm vào cùng một thời điểm tùy thuộc vào dung lượng bộ nhớ RAM còn trống vào thời điểm đó. Có một thực tế là các hãng điện thoại hiếm khi quảng cáo về dung lượng bộ nhớ RAM trong các sản phẩm của họ, vậy một trong những “nghĩa vụ” của người tiêu dùng là nghiên cứu xem chiếc smartphone định mua của họ được trang bị bộ nhớ RAM thật sự là bao nhiêu. Nên nhớ, với một smartphone, bộ nhớ RAM không-bao-giờ-là-đủ.

Những mẫu smartphone đời cũ hoặc thuộc phân khúc cấp thấp (low-end) thường chỉ được cài đặt sẵn khoảng 256MB RAM, vừa đủ để chạy không nhiều ứng dụng trong cùng một lúc mà không gây trì trệ hệ thống cho lắm. Với những thiết bị cao cấp như chiếc iPhone 4 của Apple hay Galaxy S của Samsung, 512MB RAM trang bị sẵn cho phép người dùng thao tác với nhiều ứng dụng hơn mà vẫn đảm bảo tốc độ xử lý của chiếc máy.

Quay lại với con số 256MB, số RAM này đủ để đáp ứng nhu cầu của một người bình thường trong các tác vụ nhắn tin sms, thực hiện cuộc gọi, duyệt web, và thỉnh thoảng chơi game. Những ai thật sự có nhu cầu cao về đa tác vụ nên nhắm đến những mẫu smartphone có ít nhất 512MB bộ nhớ RAM trở lên.

Màn hình (Display)

Công nghệ Retina Display và Super AMOLED. Ảnh minh họa: Internet

Màn hình LCD dùng trên điện thoại di động chia làm hai loại chủ đạo: TFT và IPS-LCD,

<>Màn hình LCD TFT có góc nhìn hẹp và khả năng hiển thị dưới ánh sáng trực tiếp không tốt. Ngoài ra, màn TFT còn đòi hỏi nhiều điện năng dẫn đến hiệu suất sử dụng pin không cao. Vì những hạn chế không nhỏ này, mà màn TFT chủ yếu được dùng nhiều trên những smartphone cấp thấp giá rẻ và những điện thoại bình dân khác, mà đôi khi còn được gọi bằng cái tên “điện thoại phổ thông” (feature phones).

<>IPS-LCD, được dùng trên những mẫu smartphone cao cấp như iPhone của Apple hay Droid X của Motorola, còn được tiếp thị dưới cái tên “Retina Display” (Màn hình có độ hiển thị gần với võng mạc con người). Những hạn chế cố hữu của TFT đều được khắc phục trên IPS-LCD: góc nhìn rộng hơn, màu sắc trung thực hơn và tiêu thụ năng lượng cũng ít hơn.

Ngoài hai loại trên, một công nghệ hiển thị mới xuất hiện gần đây là<> AMOLED (Active-matrix organic light-emitting diode – Tạm dịch: Màn hình di-ot sử dụng ánh sáng hữu cơ ma trận động). Được xem là công nghệ hiển thị mang đến chất lượng hình ảnh cũng như độ nét trước ánh sáng mặt trời chân thực nhất, cộng thêm độ tiêu thụ điện thấp hơn so với các đối thủ LCD cùng loại, AMOLED là hàng “độc quyền” trên những mẫu smartphone cao cấp như Google Nexus One hay HTC Droid Incredible.

Mẫu Galaxy S của Samsung là thiết bị đầu tiên trên thế giới sử dụng màn hình <>Super AMOLED do chính công ty nghiên cứu và phát triển. Màn hình Super AMOLED được gắn cảm biến chạm ngay trên bề mặt, thay vì phải chồng thêm một lớp nữa như các công nghệ hiển thị khác, điều này khiến Super AMOLED trở thành màn hình hiển thị mỏng nhất trên thị trường. Vì cùng một lý do mà độ nhạy trên màn Super AMOLED cũng cao hơn màn AMOLED thông thường.

Màn hình cảm ứng (Touchscreens)

Điện thoại iPhone đều được trang bị cảm ứng điện dung. Ảnh minh họa: Internet

Màn hình cảm ứng của smartphone giúp người sử dụng tương tác trực tiếp với bề mặt điện thoại và hệ điều hành. Hiện tại có hai công nghệ cảm ứng chính được các nhà sản xuất trang bị cho smartphones: <>cảm ứng điện trở (resistive) và <>cảm ứng điện dung (capacitive).

Màn hình cảm ứng điện trở cấu tạo gồm hai lớp dẫn điện cùng một khoảng trống ở giữa. Khi ngón tay người dùng nhấn vào một điểm trên màn hình, hai lớp dẫn điện sẽ chạm vào nhau và tạo thành một mạch điện tại điểm đó. Lúc này thông tin có được tại “mạch” này sẽ được truyền thẳng đến bộ vi xử lý.

Trong khi đó, màn hình cảm ứng điện dung thường được sử dụng trên những mẫu máy cao cấp hơn, chẳng hạn như HTC Evo 4G hoặc chiếc Droid của Motorola. Màn hình điện dung gồm một bề mặt thủy tinh được phủ bằng một lớp dẫn điện trong suốt, thường là một màng ITO (Indium Tin Oxide). Cơ thể con người cũng tạo ra điện, vậy nên khi ngón tay người dùng chạm vào lớp dẫn điện trên màn hình, điều đó tạo ra một sự ngắt quãng trong tĩnh điện trường của màn hình. Lúc này bộ vi xử lý có nhiệm vụ dò tìm địa điểm đã phát sinh sự ngắt quãng đó.

(còn tiếp)