Được thiết kế dành cho người khiếm thị, một ứng dụng có mã nguồn mở của Viện công nghệ Georgia hứa hẹn sẽ làm thay đổi phong cách nhắn tin của cả những người đam mê công nghệ.
Hầu hết mọi người sử dụng điện thoại di động đều đã từng ít nhất một lần thử soạn một văn bản mà không cần nhìn vào điện thoại của mình. Có thể bạn đã từng soạn một tin nhắn nhanh trong khi đang phải đứng đợi đèn đỏ, hoặc nhắn tin trong lúc đang theo dõi một trận bóng hay một chương trình tivi hấp dẫn, và tất nhiên vào những lúc ấy bạn sẽ muốn có một công cụ giúp soạn tin mà không phải nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại của mình.
Với một ứng dụng miễn phí tên gọi Braille Touch bạn có thể dễ dàng làm được điều này.
Được thiết kế tại Viện công nghệ Georgia, ứng dụng này là sự kết hợp giữa hệ thống chữ nổi Braille và một thiết bị có màn hình cảm ứng. Ứng dụng có thể biến màn hình cảm ứng của iPhone thành một bàn phím cảm ứng mềm được lập trình để nhận biết chữ nổi. Bằng cách sử dụng bộ chuyển đổi những cú chạm tay của bạn vào 6 điểm trên màn hình theo một quy ước chữ nổi cho trước, chương trình sẽ nhận biết được chữ cái bạn muốn viết và đọc nó lên cho bạn có thể xác nhận lại chúng.
Với việc dùng 6 phím cấu hình cho chữ nổi Braille, kiểu màn hình này thực sự phù hợp cho các thiết bị cảm ứng. Người dùng có thể giữ thiết bị trong lòng bàn tay và quay ngược màn hình lại để thuận với các ngón tay khi thao tác trên bàn phím ảo.
Nhà nghiên cứu chính của dự án- Mario Romero cho biết: “Braille Touch làm việc trên các smartphone và tablet cho phép người dùng bắt đầu học bảng chữ cái Braille (chữ nổi) trong thời gian ngắn”. Braille cũng có thể giúp thay thế những thiết bị có bàn phím chữ nổi được sở hữu độc quyền ở một số công ty có giá tới hàng ngàn đô la trước đây.
Cũng đã từng có một vài ứng dụng với chức năng tương tự như TypelnBraille (có giá 4.99 USD, được phát triển bởi EveryWare) và một phiên bản với 8 phím bấm theo vị trí các ngón tay được nghiên cứu bởi các sinh viên của trường Đại học Stanford.
Với những người bình thường, bạn sẽ mất một chút thời gian để học cách soạn các kí tự theo quy ước chữ nổi, nhưng tiện lợi hơn là bạn không cần phải học cách đọc nó. Một cuộc thử nghiệm nhỏ với sự tham gia của những người khiếm thị thông thạo cách gõ chữ nổi Braille, họ có thể gõ 32 từ trong vòng một phút với độ chính xác đến 92%.
Ứng dụng này đã giành được chiến thắng trong MobileHCI 2011 cho thiết kế của mình ở Stockholm. Viện công nghệ Georgia đã phát triển các phiên bản của ứng dụng trên iPhone và iPad, kế tiếp là phiên bản cho Android. Braille Touch sẽ tiếp tục được chứng minh khả năng của mình tại Abilities Exp- Atlanta 2012.
Theo CNET