Niềm tin vào thông tin lan truyền trên web có thể bị ảnh hưởng bởi một số công ty đang bỏ tiền thuê người đăng các bình luận liên quan đến sản phẩm của họ hoặc đả kích đối thủ.
Sự bùng nổ Google, Facebook, Twitter, YouTube… và các diễn đàn trực tuyến đã góp phần thúc đẩy và tạo nên nhiều thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh và tiếp thị. Để chiến dịch quảng bá trở nên tự nhiên và mang tính lan truyền (viral), không ít hãng lớn tại Việt Nam đã nhờ thành viên uy tín trên một số diễn đàn đưa thông tin "bóng gió", "rò rỉ" về một sản phẩm sắp ra mắt, sau đó sử dụng các nickname ảo đăng hàng chục bình luận (comment) đưa đẩy nội dung thể thu hút sự chú ý của mọi người.
Khi nhờ tư vấn trên diễn đàn, nhiều người đã lúng túng trước quá nhiều thông tin trái chiều từ các "đội quân được trả tiền". Ảnh: Ascentum. |
Hiện nay, nhiều người có thói quen lên mạng tìm thông tin hoặc nhờ tư vấn về các mặt hàng trước khi quyết định mua. Khi đó, đội ngũ được trả tiền sẽ lập tức đưa ra lời khen có cánh về sản phẩm. Các comment này cũng nêu một vài điểm chưa tốt (không đáng kể) của nhãn hiệu đó để lời khuyên mang vẻ khách quan hơn.
Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít rắc rối khi trong một số trường hợp, các công ty cạnh tranh cũng huy động nhân viên "phá đám", nói xấu đối thủ và tranh thủ quảng cáo cho sản phẩm của bên mình một cách khéo léo dưới danh nghĩa "thành viên". Tình trạng này khiến nhiều chủ đề (topic) trên forum trở nên nóng bỏng và kéo dài hàng chục trang, làm rối trí những ai đang thực sự muốn tra cứu thông tin. Họ khó có thể xác định đâu là lời khuyên chân thành từ người dùng thực tế, đâu là "quân" của các công ty đang hoạt động ngầm trên mạng.
"Comment của những người được trả có thể tạo hiệu ứng tiêu cực đến cộng đồng trực tuyến vì các thông tin của họ không đáng tin cậy, khiến người đọc không biết tin vào bên nào", một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Canada và Trung Quốc cho biết trên BBC.
Hiện tượng này bắt đầu được chú ý khi topic có tiêu đề "Jia, mẹ cậu muốn cậu về nhà ăn tối" trên diễn đàn của Baidu nhận được tới 300.000 phản hồi chỉ sau 2 ngày. Một công ty PR sau đó thừa nhận họ đã thuê tới 800 người đăng nhập vào 20.000 tài khoản khác nhau để lôi kéo sự sự quan tâm của mọi người về World of Warcraft trong thời gian game này tạm ngừng hoạt động để nâng cấp.
Tình trạng comment ảo đang khá thịnh hàng ở Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng nó cũng xuất hiện ở nhiều nước khác nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Chẳng hạn, quân đội Mỹ thường ẩn danh trong các chat room để thu thập thông tin về những nhóm khủng bố tiềm năng. Hay nhiều trang Facebook cũng được các công ty lập ra để lèo lái dư luận.
Cô gái AJ chia sẻ hành trình xuyên nước Mỹ của mình lên Twitter và được nhiều người yêu mến, nhưng thực chất đó chỉ là chiêu quảng cáo cho dòng xe Fiesta. |
"Trả tiền để thuê người chia sẻ các bình luận là một chiến lược thú vị trong lĩnh vực marketing nhưng đây không phải là hoạt động hay", nhóm nghiên cứu nhận định và nói rằng việc người sử dụng sẽ phải lúng túng trước một "rừng" thông tin trên mạng là điều khó tránh khỏi trong kỷ nguyên Internet.