Sự thành công của Nguyễn Minh Trí – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần công nghệ Việt: là một hiện tượng hiếm hoi nhưng không ngẫu nhiên. Anh xác định mục tiêu nghề nghiệp từ rất sớm, tập trung toàn lực theo một lộ trình được phác thảo rõ ràng. Nhìn lại chặng đường học tập và khởi nghiệp ở nước Mỹ của chàng trai trẻ này thì thấy có sự đan cài giữa khát vọng cá nhân và lý tưởng xã hội. – Bài trên Doanh Nhân Sài Gòn</>
Nguyễn Minh Trí hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị của hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ phần mềm là Công ty cổ phần Công nghệ Việt (Viettech) ở Việt Nam và Công ty Virtualosity Solutions tại Mỹ.
Chàng trai trẻ này có bảng thành tích rất đáng nể. Trong suốt bốn năm đại học, anh lọt vào danh sách “Sinh viên ưu tú toàn Mỹ”, nằm trong số 0,1% sinh viên xuất sắc nhất do tổ chức giáo dục uy tín hàng đầu của Mỹ là The National Dean’s List cấp.
Năm thứ hai đại học, anh được Tổng thống Mỹ George W. Bush trao giải thưởng The President’s Student Service Award dành cho sinh viên có những đóng góp tích cực cho cộng đồng với đề án cải tiến, nâng cấp quản lý Tổ chức từ thiện St. Vincent de Paul tại Portland.
Cũng trong năm này, anh giành được giải nhất trong cuộc thi 16k Entrepreneur Challenge với giải thưởng 16.000 USD. Trong năm 2007 và 2008, anh trở thành người Việt Nam đầu tiên liên tiếp lọt vào “Top 25 nhà kinh doanh trẻ châu Á” của tạp chí BusinessWeek.
Năm 2010, bảng thành tích của anh được bổ sung danh hiệu “Doanh nhân Mỹ gốc Á xuất sắc 2010” do Trung tâm Phát triển doanh nhân Mỹ gốc Á trao tặng, đồng thời anh còn là một trong 10 doanh nhân gốc Á xuất sắc năm 2010 do tạp chí Inc bình chọn.
Cũng theo Inc, Virtualosity Solutions đứng hạng thứ 47 trong các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có mức tăng trưởng cao nhất tại Mỹ, đạt 639% sau ba năm (2007-2010).
Đầu tháng 9/2011, Nguyễn Minh Trí về Việt Nam công tác. Nhân dịp này, anh đã dành cho Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần một cuộc trò chuyện.
Trông anh già dặn hơn nhiều so với tuổi 29…
Đúng. Một phần là vì tôi muốn như vậy. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng trong những cuộc tiếp xúc, thương thảo với đối tác. Không chững chạc thì khó tạo được sự tin cậy, nhất là khi tiếp xúc với những người lớn hơn mình cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.Thêm nữa, xa nhà cũng khiến mình phải làm quen với cuộc sống tự lập. Nhờ vậy mà mình mau trưởng thành hơn.
Anh bắt đầu “xa nhà” từ khi nào?
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp cấp II, tôi đi du học tự túc ở Mỹ. Môi trường học tập mới của tôi là một trường dòng ở miền Tây Bắc Mỹ.
Anh có gặp phải những cú sốc văn hóa khi chân ướt chân ráo sang xứ người?
Tôi có gặp một số khó khăn. Thứ nhất là cảm giác hơi lạc lõng vì mình là du học sinh Việt Nam đầu tiên của trường này. May mắn là tôi sống cùng bà nội và chú ruột.Đổi lại, tôi đi học khá xa. Hằng ngày, tôi phải đi bốn chặng xe buýt cho hai lượt đi và về, mỗi lượt khoảng hơn hai giờ đồng hồ.
Đi lại vất vả cũng không đáng ngại bằng sự hạn chế về khả năng ngôn ngữ, không theo kịp bài giảng, dù đã tham gia liên tục nhiều khóa đào tạo tiếng Anh ở một trong những trung tâm đào tạo hàng đầu tại Sài Gòn hồi còn ở nhà. Người bản xứ nói khá nhanh.
Tôi phải thu âm bài giảng rồi về nhà nghe thêm một lần nữa nhưng vẫn không ăn thua. Tôi tiến thêm một bước nữa là học bài trước ở nhà, đến lớp chỉ tập trung vào các điểm mấu chốt cũng như nhờ thầy cô giải đáp những chỗ còn khúc mắc.
Cách học này khá hiệu quả với tôi. Năm 2001, tôi tốt nghiệp trung học, trở thành thủ khoa của toàn khối, vinh dự nhận được bằng khen của Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Tôi học song song hai ngành là kỹ sư điện toán và thương mại tại Trường Đại học Tổng hợp Portland, bang Oregon.
Tại sao anh lại chọn hai ngành xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau?
Tôi mê thương mại từ nhỏ. Nhưng là thương mại trong lĩnh vực kỹ thuật. Thành ra nếu chỉ biết thương mại thì chắc chắn tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình trao đổi công việc với những người làm kỹ thuật.Trong trường hợp mình không làm chủ thì việc biết hai ngành vẫn là một lợi thế cạnh tranh khi đi làm thuê.
Có thể hiểu là anh đã xác lập lộ trình khởi nghiệp khá rõ ràng?
Đúng. Mình chủ động vẫn tốt hơn. Trong suốt thời gian đi học, tôi tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao tay nghề, phát triển kỹ các kỹ năng mềm, chẳng hạn như khả năng giao tiếp, cách thức làm việc đội nhóm.
Về kỹ thuật, năm thứ nhất, tôi và một số bạn học đoạt giải ba cuộc thi rô bốt tự động vùng Tây Mỹ. Năm thứ hai, tôi tình nguyện tham gia bộ phận bảo trì hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông của trường.
Từ một nhân viên cài đặt hệ thống mạng ở ký túc xá và các phòng ban, sau một năm, tôi được giao nhiệm vụ quản lý toàn bộ hệ thống mạng và viễn thông của trường.
Cũng trong năm này, tôi tham gia nhiều hoạt động khác như đề án cải tiến, nâng cấp quản lý Tổ chức từ thiện St. Vincent de Paul tại Portland, bằng cách lập trang web để bán những món đồ quyên góp được, cũng như đơn giản hóa thủ tục quyên góp bằng những mẫu đơn điền qua mạng; tham gia cuộc thi 16k Entrepreneur Challenge của tổ chức Student in Free Enterprise và giành giải nhất với đề án kinh doanh Làm đại lý độc quyền về đĩa phim cho Công ty TVB.
Giải nhất từ cuộc thi này mang lại cho tôi khoản tiền thưởng 16.000 USD.
Nói như vậy không phải để khoe thành tích, mà muốn nói rằng tôi không tham gia những hoạt động này để cho… vui, mà làm với hết khả năng của mình.
Rồi anh làm gì với khoản tiền 16.000 USD?
Một phần số tiền dùng để chi trả cho chuyến về thăm nhà. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi về thăm gia đình sau tám năm đi học xa nhà. Việc đi lại khá tốn kém.
Thời đi học, mỗi lần xài tiền cho nhu cầu cá nhân, tôi đều đắn đo bởi ba mẹ mình kiếm được đồng tiền rất cực khổ. Cũng vì vậy mà tôi cố gắng học dồn tín chỉ để ra trường sớm hơn dự định nửa năm.
Về phần còn lại của giải thưởng được dùng vào hoạt động nghiên cứu thị trường, dọn đường cho việc thành lập Công ty Viettech vào năm 2005.
Thời điểm tôi tham gia cuộc thi thì giải thưởng chỉ có 16.000 USD, còn bây giờ số tiền dành cho người thắng cuộc đã lên đến 110.000 USD, do nhiều mạnh thường quân bỏ tiền vô. Đương nhiên, giá trị giải thưởng tăng lên thì điều kiện ràng buộc cũng chặt chẽ hơn. Người thắng cuộc phải sử dụng toàn bộ số tiền có được để thành lập doanh nghiệp.
Hiện tại, tôi tiếp tục gắn bó với cuộc thi trong vai trò là một thành viên của ban giám khảo, đồng thời hướng dẫn cho những sinh viên thế hệ sau ở Trường Đại học Portland.
Có mất thời gian quá không?
Khi còn là sinh viên, tôi được nhiều người giúp đỡ, phản biện và giải đáp những thắc mắc trong quá trình lập đề án. Giờ đây, khi mình có điều kiện để giúp đỡ những thế hệ đi sau thì tại sao lại ngần ngại. Biết nhận thì cũng phải biết cho đi chứ.
Tôi nghĩ sinh viên là tài nguyên quý giá nhất của mỗi quốc gia. Vun đắp cho nguồn tài nguyên này là công việc thiết thực, rất đáng để làm.
Trở lại với chuyện làm ăn của anh.Viettech ở Việt Nam, còn người sáng lập thì lại ở Mỹ. Khoảng cách địa lý có ảnh hưởng nhiều đến công tác điều hành doanh nghiệp?
Sau khi thành lập công ty, tôi qua Mỹ đầu quân cho Công ty Serena, doanh nghiệp mà tôi đã thực tập ba tháng trước khi tốt nghiệp đại học.
Múi giờ giữa Việt Nam và Mỹ lệch nhau khoảng 12 tiếng. Thế nên, ban ngày đi làm thuê tích lũy kinh nghiệm, buổi tối thì làm chủ. Thêm nữa, khách hàng chủ yếu của Viettech là ở Mỹ nên việc tôi ở thị trường này là một thuận lợi.
Sau chín tháng làm việc với vai trò kỹ sư thiết kế phần mềm, tôi được bổ nhiệm làm quản lý dự án, trở thành người trẻ nhất đảm nhiệm vị trí này trong lịch sử phát triển của Serena.
Năm 2007, tôi rời Serena, thành lập Virtualosity Solutions (VS), chuyên cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp.
Việc hai doanh nghiệp cùng hoạt động trong một lĩnh vực liệu có dẫn đến tình trạng giẫm chân lên nhau?
Không. Phân khúc của hai công ty khác nhau. Viettech tập trung vào khách hàng nhỏ, lẻ, còn VS nhắm đến những khách hàng lớn, thường là nằm trong 1.000 doanh nghiệp lớn nhất theo bảng xếp hạng của tạp chí Fortune (Fortune 1.000).
Trong một chừng mực nào đó thì có thể xem Viettech là quá trình tập dượt, chuẩn bị cho sự ra đời của VS.
Điều hành cùng lúc hai công ty cách nhau nửa vòng trái đất, có khi nào anh rơi vào trạng thái quá tải?
Khá thường xuyên. Dù những cộng sự của mình có thể trực tiếp thương thảo với khách hàng nhưng nhiều việc tôi vẫn muốn nhúng tay vô. Khách hàng của tôi thuộc nhiều lĩnh vực. Làm việc với họ là cơ hội để mình trang bị thêm tri thức ở những lĩnh vực còn mới mẻ, chẳng hạn như logistics (hậu cần), tài chính, khách sạn…
Càng ôm đồm càng mệt mỏi. Trung bình mỗi ngày tôi làm việc khoảng 14-16 tiếng.
Làm việc với cường độ cao như vậy, anh có còn thời gian cho gia đình của mình?
Công việc bận rộn nhưng tôi vẫn thu xếp khoảng hai, ba tiếng để ăn tối và thư giãn, trước khi bắt đầu công việc với công ty ở Việt Nam. Riêng những ngày cuối tuần thì không làm gì hết, ngoài gia đình và bạn bè.
Lập gia đình ở tuổi 29, liệu có sớm không?
Không. Tôi nghĩ mình đủ trưởng thành để chăm sóc cho mái ấm của mình. Thời gian thì cũng đã chín muồi. Trước khi quyết định đi đến hôn nhân, chúng tôi đã có hơn sáu năm quen nhau, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn và thử thách.
Vợ tôi là y tá. Dù không cùng ngành nghề, nhưng vợ tôi rất thông cảm với chồng, quán xuyến công việc gia đình để tôi yên tâm tập trung cho công việc.
Là người có nhiều kinh nghiệm làm ăn tại Mỹ, theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất khi làm ăn tại thị trường này?
Chất lượng là vấn đề sống còn. Văn hóa Mỹ cổ xúy chủ nghĩa cá nhân, chỉ có quán quân, không có hạng nhì, hạng ba. Thế nên không có chỗ cho lối làm ăn chụp giựt.
Một yếu tố nữa cũng cần quan tâm, theo kinh nghiệm của tôi, là thái độ trung thực, có khả năng đến đâu thì làm tới đó. Biết lượng sức mình cũng là cách để giảm thiểu rủi ro. Nếu nhận việc quá sức, làm không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người ta thì vô cùng phiền toái.
Mất khách hàng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là bị người ta kiện tụng, chưa biết đúng sai thế nào, chỉ riêng việc phải hầu tòa là hình ảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại về lâu dài không biết đâu mà kể. Nói chung, môi trường kinh doanh ở Mỹ rất khắc nghiệt.
Trong một môi trường cạnh tranh như vậy, liệu cơ hội có chia đều cho tất cả?
Tôi nghĩ là không. Tiếp cận những công ty lớn rất khó, vì thường là họ đã có sẵn những nhà cung cấp dịch vụ, chưa kể nhiều công ty khác cũng sẵn sàng tiếp cận.
Là người đến sau nên mình không thể đòi hỏi quyền lợi như những đối tác truyền thống của họ. Thêm nữa, khách hàng lớn thường tìm đến những nhà cung cấp có uy tín. Đấy cũng là cách họ giảm thiểu rủi ro.
Vậy làm thế nào anh có thể tiếp cận được những doanh nghiệp trong danh sách Fortune 1.000?
Khách hàng lớn đầu tiên của tôi là InterContinental Hotels Group, một công ty có mạng lưới khách sạn ở nhiều quốc gia trên thế giới, thông qua lời giới thiệu của một người quen biết với tôi. Khách hàng lớn nhưng giá trị hợp đồng thì rất nhỏ.
Có lẽ nhờ vậy mà họ mạnh dạn chọn mình bởi bên A luôn yêu cầu danh sách những khách hàng mà mình đã cung cấp dịch vụ, xem như một trong những tiêu chí để đánh giá khả năng và độ tin cậy của nhà cung cấp.
Nếu không được sự tiến cử thì chắc chắn người ta đã không chọn chúng tôi, bởi công ty thành lập chưa lâu, quy mô lại nhỏ.
Ngược lại, khi mình đã tạo dựng được một giá trị nhất định thì những cơ hội sẽ xuất hiện. Thế nên tôi luôn “chắt chiu” từng cơ hội, dù rằng rất nhỏ.
Nhiều khi để người ta đồng ý dành cho một cơ hội tiếp xúc đã là may mắn. Có thể họ chưa cần mình, nhưng biết đâu vào một lúc nào đó họ có nhu cầu thì sẽ nghĩ đến mình.
Thành ra, phải kiên nhẫn như người đi săn. Mỗi khi hoàn tất công việc theo yêu cầu của khách hàng, tôi đều để tâm quan sát xem có thể giúp gì thêm cho họ. Cho đi rồi sẽ nhận lại những gì tương xứng.
Thực tế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam sau khi đã phình to ra thì mới từng bước tiến ra thị trường nước ngoài. Còn anh thì nhắm đến thị trường Mỹ ngay từ khi ở vạch xuất phát?
Nước Mỹ là một môi trường rất tốt cho sáng tạo. Google, mạng xã hội Facebook khởi nguồn từ Mỹ. Người Mỹ nghĩ ra điện thoại iPhone, máy tính bảng (iPad)…, còn làm ra (gia công) thì đã có những nước khác gia công.
Tôi nghĩ ở đâu sự sáng tạo được cổ vũ, được tạo điều kiện và tưởng thưởng xứng đáng thì ở đó chắc chắn phát triển.
Một lý do khiến tôi muốn phát triển sự nghiệp của mình ở nước Mỹ vì tôi tin rằng mình còn nhiều cơ hội để học hỏi. Toàn bộ nhân viên của VS đều là người Mỹ. Làm việc với họ rất thích. Họ luôn nhìn vấn đề dưới nhiều giác độ mà bản thân tôi không phải lúc nào cũng thấy hết được.
Ước mơ của tôi là biến doanh nghiệp của mình thành một công ty đa quốc gia, kinh doanh đa ngành, và đến một thời điểm thích hợp thì sẽ quay trở lại Việt Nam đầu tư. Còn một lý do nữa khiến tôi mạnh dạn nhắm đến thị trường Mỹ phần vì rành rẽ thị trường này hơn Việt Nam.
Dường như anh cũng không dám chắc rằng mình sẽ thành công nếu khởi nghiệp ở quê nhà?
Tôi tự tin rằng mình vẫn thành công, thậm chí còn hơn bây giờ bởi Việt Nam còn nhiều cơ hội, ai lẹ hơn thì chớp được. Tôi nghĩ rằng cái gì dễ đạt được thì khó bền.
Tôi không dám chắc rằng những cơ hội này sẽ nhiều trong dài hạn. Tôi cũng không dám chắc rằng mình có thể tự hào về những thành công của mình như những gì mà tôi đã gầy dựng được ở nước Mỹ.
Theo anh, liệu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nào không trong ngành công nghiệp phần mềm?
Nói một cách sòng phẳng thì nguồn nhân lực của chúng ta còn nhiều hạn chế. Thứ nhất là sinh viên ngành công nghệ thông tin chưa có điều kiện tiếp cận với những phần mềm trị giá hàng triệu USD. Mà đây là những công cụ để sản xuất các dịch vụ tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Thế nên chúng ta dồi dào nhân lực nhưng ở mức độ kỹ thuật phổ thông, tức là học ở đâu cũng được.
Thứ hai, tôi có cảm giác một số bạn trẻ hơi quan trọng hóa bản thân, dẫn đến tâm lý kén cá chọn canh, vô hình trung tự loại bỏ cơ hội phát triển của mình. Hãy xem mình như một cục bọt biển.
Thứ ba, rất ít kỹ sư công nghệ thông tin có khả năng giao tiếp với khách hàng bằng tiếng Anh. Đây là một thất thế rất lớn của chúng ta so với những quốc gia nói tiếng Anh hoặc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Thực tế này khiến chúng ta khó thu hút dòng vốn cũng như công nghệ từ những nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp phần mềm. Đây cũng là một trong những lý do khiến tôi quyết định sáng lập trang mạng xã hội Myworld năm 2007, chia sẻ học tập Anh ngữ và tích hợp các tính năng giải trí trực tuyến.
Đây cũng là hình thức đầu tư?
Nếu có nhà đầu tư nào quan tâm đến mạng xã hội này thì nghĩa là nó hoạt động có hiệu quả, tạo ra giá trị với cộng đồng, tức là tôi thành công. Và ngược lại.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.