Apple là 1 trong 8 công ty phải ra giải trình trước tòa về việc có đưa phần mềm 'do thám' Carrier IQ vào các thiết bị di động của mình.
-
Về việc Carrier IQ âm thầm theo dõi hầu hết smartphone
- Phản ứng xung quanh scandal theo dõi 140 triệu điện thoại
- Smartphone - 'kẻ' do thám đáng sợ?
- Scandal theo dõi 140 triệu ĐTDĐ bị “thổi phồng”?
Thứ 6 tuần trước, Tòa án Quận Delaware (Mỹ) đã triệu tập đối tượng công ty Carrier IQ, 3 nhà cung cấp mạng di động cùng 4 nhà sản xuất điện thoại di động lớn ở Mỹ, yêu cầu giải trình về việc (có thể) vi phạm các Đạo luật Liên bang về nghe lén, Đạo luật về Lưu trữ thông tin đối thoại điện tử và Đạo luật Chống gian lận và lạm dụng.
Cáo buộc này được đưa ra bởi 4 cá nhân sở hữu các điện thoại di động có chứa phần mềm gây tranh cãi của nhà cung cấp Carrier IQ. Các công ty bị cáo buộc bao gồm Apple và Carrier IQ, các nhà mạng viễn thông AT&T, Sprint, T-Mobile cùng các nhà sản xuất HTC, Samsung và Motorola. Tất cả các doanh nghiệp này đều đã thừa nhận các máy điện thoại di động do họ cung cấp đều có ứng dụng (được cho là một dạng rootkit) của công ty Carrier IQ.
Đối mặt với các cáo buộc, các nhà mạng đều nói rằng phần mềm này chỉ dùng cho mục đích theo dõi và quản lí hệ thống trong khi các nhà sản xuất thì cho rằng thiết bị của họ có chứa phần mềm của Carrier IQ là do các nhà mạng tự ý đưa vào.
Ít ra đây cũng là hành động đầu tiên từ cơ quan hành pháp đối với vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi phần mềm "do thám" của Carrier IQ bị phát hiện vào tháng trước. Theo đó, phần mềm đang khiến cho 7 doanh nghiệp nói trên phải ra trước tòa vốn là phần mềm của công ty Carrier IQ (có trụ sở tại Mountain View, California) đưa ra với mục đích để các nhà mạng viễn thông và các nhà sản xuất phân tích chất lượng dịch vụ và sản phẩm, ví dụ như các vấn đề liên quan đến rớt cuộc gọi hay sự hao tốn pin của thiết bị. Phần mềm này cũng được dùng để thu thập các dữ liệu phân tích chất lượng dịch vụ, chất lượng thiết bị và những thứ được Carrier IQ mô tả là trải nghiệm người dùng.
Hiện công ty này đang là tâm điểm của cơn bão phẫn nộ của người dùng sau khi chuyên gia bảo mật 25 tuổi Trevor Eckhart cho rằng ứng dụng này hoạt động như một rootkit, theo dõi "nhất cử nhất động" của người dùng các điện thoại Android, BlackBerry cũng như một số dòng điện thoại thông minh khác. Trevor Eckhart nói rằng phần mềm này rất khó nhận biết và gỡ bỏ, hơn thế nữa nó còn được cài đặt để chạy mặc định trên hàng triệu điện thoại di động bán ra mà không thông báo với người dùng.
Carrier IQ và các nhà mạng di động đã phản đối cáo buộc này, thậm chí đã có một số nhà phân tích bảo mật cũng lên tiếng về tính chính xác khi gọi ứng dụng của công ty này là dạng lưu trữ do thám hành vi người dùng qua thao tác phím (keylogger) hay là rootkit, cho rằng đây là một sự thổi phồng về nguy cơ của sự việc. Mặc dù vậy, các mối quan ngại không vì thế mà giảm đi. Việc các dữ liệu nhạy cảm do chương trình này thu thập được sử dụng như thế nào đã được các cơ quan hành pháp Mỹ cũng như châu Âu nêu ra và yêu cầu làm rõ.
Apple sau khi công bố sẽ ban hành bản cập nhật để gỡ bỏ phần mềm của Carrier IQ ra khỏi hệ điều hành mới nhất của hãng đã không có bất kì bình luận nào về việc phải đối mặt với tòa án. Carrier IQ cũng thông báo công ty không nhận được bất kì trát nào của tòa và cũng không có bình luận gì thêm. Người phát ngôn của AT&T thông báo công ty này không có bình luận gì về yêu cầu của tòa. Sprint, HTC, Samsung và T-Mobile không trả lời ngay khi được hỏi về phản ứng trước yêu cầu của tòa.