Nhịp sống số

90 ngày không online và điện thoại di động

Những người thường xuyên nhắn tin và vào mạng xã hội sẽ khó có thể hình dung cuộc sống của chàng sinh viên 24 tuổi khi quyết định không truy cập Facebook, Twitter hay gửi e-mail, SMS... trong suốt 3 tháng.

Jake Reilly, sống ở Chicago (Mỹ), quyết định thực hiện dự án táo bạo "Amish Project" để tìm lại cảm giác khi sống ở thời mà điện thoại và Internet còn hiếm hoi.

Reilly ngồi với 6 người bạn thân và chợt nhận ra ai cũng mải mê bên thiết bị thay vì tập trung tán gẫu.
Reilly ngồi với 6 người bạn thân và chợt nhận ra ai cũng mải mê bên thiết bị thay vì tập trung tán gẫu. Ảnh minh họa: Trần Mạnh Hiệp.

Bắt đầu từ tháng 10/2011, Reilly tạm cắt dịch vụ với hãng viễn thông Verizon, vô hiệu tài khoản Facebook, LinkedIn và Twitter, cài chế độ trả lời tự động "vắng mặt cho đến 1/1/2012" qua e-mail và chỉ sử dụng điện thoại cố định để liên lạc với mọi người. Tạp chí Forbes cho rằng Reilly nên đặt tên dự án của anh là "Nếu tôi sống ở thế giới cách đây 30 năm". Thách thức lớn nhất mà Reilly phải vượt qua là anh ngắt kết nối trong khi mọi người quanh anh vẫn đang kết nối.

"Tôi ở cùng phòng với 2 người nữa và trong suốt 3 tháng, họ chỉ thi thoảng thấy tôi xác nhận thông tin từ ngân hàng qua e-mail. Đôi khi tôi lấy tay che trước màn hình giống các cô gái quay đi khi xem một cảnh phim kinh dị. Tôi cố gắng không nhìn vào những thứ đang hiện hữu bởi một khi nhìn, bạn khó cưỡng lại cảm giác muốn xem thêm", Reilly chia sẻ trên Yahoo Networks.

Trước khi thực hiện dự án, Reilly đọc mọi thông điệp Twitter của 250 người mà anh theo đuôi. Anh dành 1,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook, gửi 1.500 SMS mỗi tháng. "Tôi không đếm số phút sử dụng điện thoại nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu con số đó là tầm 600-900", anh cho hay. "Tôi đã rất chần chừ khi ngắt điện thoại vì mọi giao tiếp của tôi là qua di động và e-mail. Nếu tôi không trả lời tin nhắn trên Facebook và smartphone trong vòng 1 tiếng hoặc phản hồi e-mail trong 1 ngày, mọi người sẽ coi đó là điều khó chấp nhận".

Vì thế, anh đã phải vật lộn để thích nghi. Anh bắt đầu những cuộc giao tiếp với câu hỏi thăm xã giao: "Bạn/anh/chị... đang làm gì thế?" nhưng đa số kè kè bên người laptop hoặc điện thoại nên câu trả lời thường là đang chơi Angry Birds, đang chat, đang Facebook... Không ai chỉ đơn giản ngồi yên lặng suy ngẫm. Người ta rủ nhau ra ngoài ăn tối nhưng trên tay ai cũng cầm điện thoại.

Liên lạc qua điện thoại công cộng ở bệnh viện.
Liên lạc qua điện thoại công cộng ở bệnh viện.

Gần nơi Reilly ở có một bệnh viện và tại phòng chờ có điện thoại công cộng dành cho các bệnh nhân. Anh mang theo một cuốn sổ nhỏ ghi số điện thoại những người quan trọng. Nhưng đa số người ta không trả lời cuộc gọi vì bận rộn. Họ sẽ nhắn tin hoặc gọi lại khi xong việc. Vì vậy, anh ngồi đó đợi và trong 3 tuần đầu, anh cứ đi ra đi vào bệnh viện như thế.

Sau đó, Reilly bắt đầu mang theo phấn và đạp xe đến nhà mọi người, viết lời nhắn trên bảng, vỉa hè... Anh thỏa thuận về hệ thống tín hiệu riêng, chẳng hạn nếu ở nhà, họ sẽ để một con chó bông, một quả dưa... ở cửa sổ với ý nghĩa: "Tôi đang ở nhà. Lên chơi đi". Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng dành thời gian và anh nhận ra một số người anh coi là bạn thân lại không thân thiết như anh từng nghĩ.

Reilly cũng không xem TV, nên khi ở nhà anh thấy không có việc gì làm. Anh đạp xe đến nhà mọi người, nếu gặp sẽ vào ngồi tán gẫu. Ở trường, các cô bạn bắt đầu để lại lời nhắn cho anh ở tầng trệt: "Tôi ở tầng 4, lên đây đi" hay "Jake, cậu đang ở đâu"... Sau đó, nhiều người biến những thông điệp đó thành trò đùa như "Jake, mẹ cậu nói không còn yêu cậu nữa", "Jake, em có thai rồi" hay "Cảnh sát kiếm cậu đấy"...

Những tin nhắn dán trên cửa kính.

"Nhưng thú vị nhất là tôi và bạn gái đã quay lại với nhau. Chúng tôi cảm thấy gắn bó hơn bởi khi ở bên, chúng tôi không bị áp lực hay phân tán gì cả. Chúng tôi toàn tâm toàn ý cho nhau vì khi xa nhau, chúng tôi khó liên lạc được. Không có những tin nhắn khi say hay những lời trách móc, ghen tuông trên Facebook. Chỉ tôi và cô ấy mà thôi", Reilly tâm sự. "Tôi hẹn hò qua lời nhắn viết trên tấm bảng trước văn phòng cô ấy, gửi bánh quy với lời yêu thương... và tất nhiên tôi không biết phản ứng của cô ấy vì không có hồi âm tức thì qua điện thoại".

Anh cho rằng Facebook là một trò vô bổ. Người ta chỉ chọn và đưa lên đó những ảnh đẹp nhất, chỉ khoe khi vào những nhà hàng xịn nhất. Trên đó, bạn luôn thấy những người có công việc tốt hơn, đi du lịch nhiều hơn, có vợ xinh hơn và rất nhiều thứ khác hay ho hơn của bạn. Bạn chẳng bao giờ hiểu được góc khuất của họ.

Reilly cũng gặp gỡ những người lớn tuổi và họ nói rằng dự án của anh không có gì đặc biệt vì họ đã sống như thế suốt mấy chục năm rồi. Nhưng với những ai quen dùng di động và Internet, đây là một kỳ tích, nhất là khi Reilly đã viết tay 75 lá thư và 85% đã phản hồi lại với anh.

Những lá thư tay được gửi về.
Những lá thư tay được gửi về.

"Tôi đùa mọi người rằng tôi sẽ làm một dự án khác là không nói chuyện trực tiếp với bất cứ ai mà chỉ liên lạc quan Intenet và các công nghệ khác. Nhưng đó là trò đùa. Cuộc sống của tôi đã trở nên đơn giản hơn và tôi hạnh phúc vì điều đó", Reilly khẳng định.