Nhịp sống số

6 trụ cột chính phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020

Dự thảo Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 đã xác định 6 trụ cột chính để phát triển công nghiệp CNTT.

Dự kiến ngân sách Trung ương sẽ dành 2.337 tỷ đồng để phát triển công nghiệp CNTT. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Nội dung cụ thể của 6 trụ cột này vừa được Vụ CNTT (Bộ TT&TT) giới thiệu với cộng đồng CNTT-TT tại Hội thảo Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 diễn ra sáng nay, 31/5/2012 ở Hà Nội.6 trụ cột gồm: Môi trường chính sách; Phát triển nhân lực CNTT; Phát triển doanh nghiệp, thương hiệu; Phát triển sản phẩm, thị trường; Thu hút đầu tư, và phát triển các khu CNTT tập trung; Phát triển Phần mềm nguồn mở.

Trong đó, đáng lưu ý nhất là về Môi trường chính sách, thời gian tới sẽ nghiên cứu, bổ sung các dự án đầu tư sản xuất phần mềm, nội dung số, phần cứng - điện tử, và dịch vụ CNTT vào danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư; nghiên cứu, sửa đổi các chính sách thuế; thành lập Quỹ Phát triển nhân lực CNTT và Quỹ Phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam...

Về Phát triển nguồn nhân lực, Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ thi lấy chứng chỉ quốc tế về CNTT (mức tối đa không quá 300 USD/chứng chỉ); hỗ trợ tổ chức các hoạt động thực tập sinh tại các tổ chức, doanh nghiệp (hỗ trợ tiền lương, tiền công không quá 1 triệu đồng/thực tập sinh/tháng)...

Về Phát triển doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng và áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn ISO 27001, ISO 20000, CMMi; hỗ trợ doanh nghiệp CNTT Việt Nam mua thương hiệu có uy tín của nước ngoài...

Về Phát triển sản phẩm, thị trường, sẽ tập trung ưu tiên cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm - Bộ TT&TT sẽ xây dựng, ban hành Danh mục sản phẩm dịch vụ CNTT trọng điểm; thành lập Hội đồng thẩm định với đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thẩm định các dự án sản xuất, phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm do doanh nghiệp đề xuất. Mặt khác, sẽ tập trung các nguồn lực phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT chuyên ngành (thuộc các lĩnh vực như quản lí hành chính Nhà nước, ngân hàng, tài chính, quốc phòng, giao thông,...) và định hướng các sản phẩm, dịch vụ CNTT khác (như phát triển phần mềm nhúng, phần mềm cho các thiết bị viễn thông, sản phẩm nội dung số cho điện thoại di động, phát triển dịch vụ truyền hình Internet và các mạng xã hội,...).

Tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 là 2.337 tỉ đồng (gồm 249 tỉ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp và 2.188 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển).

Hiểu rõ Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT có tác động tới đa dạng đối tượng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp CNTT, Bộ TT&TT đã tổ chức riêng một hội thảo sáng nay để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo với mong muốn sẽ ban hành được một Chương trình Quốc gia phát triển công nghiệp CNTT hiệu quả, khả thi, có thể đi ngay vào cuộc sống.

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi về những vướng mắc, bất cập, hạn chế tồn tại trong Dự thảo. Các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh tới mong muốn cơ quan quản lí Nhà nước hỗ trợ để có thể phát triển thị trường - yếu tố then chốt ảnh hưởng tới sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp nói riêng và ngành công nghiệp CNTT nói chung.