Doanh nghiệp

5 lý do khiến Apple đang bị “mất điểm”

5 lý do khiến Apple đang bị “mất điểm”

Đó là những nguyên nhân:
1. Thiếu sự đa dạng và đổi mới sản phẩm 
2. Đánh mất danh tiếng về việc xây dựng những sản phẩm tốt nhất
3. Không đủ quan tâm đến các thị trường mới nổi
4. Không mã nguồn mở
5. Android sẽ có nhận thức về thương hiệu tốt hơn trong tương lai

Quý vừa qua Apple đã công bố doanh thu “khủng” của mình. Tuy nhiên, một sự thật đối nghịch là cổ phiếu của “táo khuyết” lại đang có xu hướng bị một số nhà đầu tư “bỏ rơi”. Cũng trong thời gian qua, sản phẩm đình đám iPhone 5 dù mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Apple, nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, dòng sản phẩm này đã không đạt được doanh số như kì vọng của hãng. Liệu có phải những điều trên xuất phát từ sự ra đi của Steve Jobs? Hay cùng với đó là việc quản lý yếu kém và thiếu sáng tạo của CEO đương thời? Có chăng Apple đang rơi vào chu kì trì trệ mà bất cứ tập đoàn nào cũng phải trải qua? Hãy cùng tìm hiểu xem những nguyên nhân nào khiến “người lãnh đạo”, hay “nhà dẫn dắt thị trường” này đang gặp phải.


 

1. Thiếu sự đa dạng và đổi mới sản phẩm 

Không nghi ngờ gì một sự thật hiển nhiên rằng iPhone là dòng sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại của thế giới công nghệ vào thời điểm khi chiếc smartphone này được cho ra mắt. Sản phẩm này đã được Apple “thổi hồn” vào bằng thiết kế phần cứng rất tinh vi và phần mềm đem lại sự trải nghiệm không thể có trên bất cứ thiết bị nào khác cho các tín đồ iOS. Vấn đề đặt ra là Apple đã không thay đổi nhiều sau chặng đường “tung hoành” 6 năm của iPhone. Những trải nghiệm và kinh nghiệm tinh túy mà “táo khuyết” trang bị trên dòng sản phẩm “con cưng” của mình đã không thay đổi trong suốt thời gian dài. Những cải tiến nhỏ lẻ trên các phiên bản tiếp theo của một dòng thiết bị cầm tay sẽ không đủ để thỏa mãn người dùng và phù hợp với tầm vóc của người đi tiên phong.

Tâm lý “nếu nó không bị hỏng thì đừng sửa chữa nó” (“if it isn’t broken, don’t fix it”) là tốt và thể hiện sự tự tin của “nhà lãnh đạo”. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, các đối thủ của Apple và thị trường đã đa dạng hóa và thay đổi rất nhiều. Hiện nay thị trường smartphone được phân chia ở ba đặc điểm rõ ràng: điện thoại giá rẻ, cao cấp và phablet. Tuy nhiên, chiến lược cạnh tranh của Apple chỉ là duy trì thế mạnh vững chắc ở một phân khúc thị trường duy nhất là dòng smartphone cao cấp. Quan điểm này đang dần bộc lộ những điểm yếu chết người khi thế hệ iPhone mới nhất của Apple không đạt được như hãng kì vọng. Những sản phẩm của “táo khuyết” không xuất hiện trong phân khúc smartphone dưới 100 USD, cũng như không có những thiết bị tương đương với Galaxy Note II của Samsung. Điều tồi tệ nhất là đã quá muộn cho Apple để thay đổi chiến thuật. 
 

Như giới công nghệ đã được chứng kiến sự nỗ lực của nhà sản xuất đến từ California này trước đây khi cố gắng thâm nhập vào thị trường đã bão hòa bằng việc tung ra sản phẩm iPad mini. Chính bởi sự “xao lãng” trước đây của Apple về những phân khúc khác nhau, nên bây giờ hãng đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn khi họ quyết định mở rộng thị trường hơn.

2. Đánh mất danh tiếng về việc xây dựng những sản phẩm tốt nhất
Tất nhiên, công bằng mà nói, Apple sẽ “thanh minh” rằng họ từ chối hạ thấp tiêu chuẩn để đáp ứng phân khúc người dùng bình dân. Tuy nhiên, khi làm điều đó, tập đoàn này đã tự đẩy mình vào một góc. Và hiện giờ đang là thời điểm thuận lợi nhất để Apple nhận ra sự thật rằng họ đang chỉ có một phạm vi nhỏ của các sản phẩm thực sự tốt, nhưng những sản phẩm của tập đoàn này không còn giữ vai trò “đầu tàu” hay đủ sức dẫn dắt thị trường nữa. Tất nhiên, người hâm mộ iOS chắc chắn sẽ luôn chọn iPhone thay vì một chiếc HTC cùng giá, tuy nhiên liệu tình trạng này sẽ còn duy trì được trong bao lâu nữa nếu Apple không lấy lại hình ảnh “nhà lãnh đạo” của mình?

Sự phổ biến của những dòng smartphone cao cấp của Samsung trong thời gian qua đã chứng tỏ một mối đe dọa thực sự đối với danh tiếng là nhà sản xuất thiết bị cầm tay cao cấp của Apple. Galaxy S3 được nhiều người lựa chọn là chiếc điện thoại tốt nhất của năm 2012, và chiếc smartphone này liên tục là đối thủ đáng gờm của iPhone 5 trong hầu hết các bảng đánh giá. Sự thay đổi trong nhận thức của người dùng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khả năng lựa chọn thiết bị cầm tay của họ trong tương lai, và Apple cần thực sự phải quan tâm tới điều này trên những sản phẩm tiếp theo của mình.

3. Không đủ quan tâm đến các thị trường mới nổi
Giờ đây thị trường công nghệ đã thực sự bão hòa. Dù ở bất kì phân khúc nào, chúng ta hoàn toàn có thể có những thiết bị smartphone, tablet hay PC theo đúng nhu cầu của mình. Kịch bản này cũng diễn ra ngay cả ở những thị trường mới nổi như một quy luật tất yếu.

Điện thoại di động giá rẻ đang rất phổ biến ở Trung Quốc, Ấn Độ, và châu Phi. Một số “đại gia” đã nhanh chân đi trước đón đầu ở những thị trường này để tận dụng lợi thế như Microsoft, Google và thậm chí là cả Firefox. Tuy nhiên, nhắc lại một lần nữa, chiến lược của Apple là không lựa chọn những sản phẩm giá rẻ, và quan điểm này đã khiến họ “bỏ rơi” mảnh đất màu mỡ của thị trường mới nổi. Điều gì sẽ xảy ra khi người tiêu dùng trong các nền kinh tế này bắt đầu đòi hỏi những thiết bị cầm tay đắt tiền hơn? Liệu Apple có thể hi vọng vào việc với tình trạng đang “thong dong đi bộ” của mình mà vẫn có thể cạnh tranh với nhiều thương hiệu được thành lập hơn nữa trong những thị trường này không? Tập đoàn này thực sự đang kìm hãm “đôi chân” của chính mình bởi việc bỏ qua những nhu cầu hiện tại, cũng như các khu vực trong tương lai cho sự tăng trưởng tại các thị trường mới nổi.

4. Không mã nguồn mở

Có một cuộc tranh luận dài về việc một mã nguồn mở hay đóng sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho cả nhà sản xuất và người dùng. Một mặt, Google, Linux, và Firefox tin rằng những sản phẩm cao cấp sẽ phát triển hơn khi có các rào cản thấp hơn để nhập và trao đổi thông tin. Mặt khác, Apple, và ngay cả Microsoft, thích việc duy trì các tiêu chuẩn chất lượng bằng cách kiểm soát chặt chẽ các nền tảng của họ. Có cả những ưu điểm và khuyết điểm trên cả hai nền tảng trên. Tuy nhiên, có một nhân tố chính mà chiếm ưu thế phần lớn về lợi thế khi đem so sánh trên mã nguồn mở, đó là sự đổi mới.

Hãy cùng nhìn vào những sản phẩm sáng tạo của bên thứ 3 như ROM tùy chỉnh MIUI của một nhà phát triển Trung Quốc, bạn sẽ thấy sự đổi mới và thú vị trên nền tảng Android mà sản phẩm này mang lại cho thiết bị của mình. Tương tự như vậy, Ouya, Gamestick và các thiết bị Android TV sẽ đưa Android vào phòng khách của người dùng theo cách mà chưa một sản phẩm nào của Apple có khả năng làm được. Dù các sản phẩm này không mang lại lợi ích trực tiếp cho Google, nhưng ít nhất việc các nhà phát triển bên thứ ba lấy ý tưởng và xây dựng nó cũng đủ để thuyết phục các khách hàng sử dụng những sản phẩm khác trên nền tảng Android trong tương lai.

5. Android sẽ có nhận thức về thương hiệu tốt hơn trong tương lai

Nếu bạn băn khoăn rằng điều duy nhất nào đã khiến một Apple đang trên đà phá sản có thể tạo ra bước nhảy vọt để trở thành người dẫn dắt thị trường, câu trả lời là tập đoàn này đã rất thông minh khi thu hút người dùng bằng một ý tưởng tốt. Không nghi ngờ gì khi iPod là sản phẩm đầu tiên của Apple thuộc sở hữu của rất nhiều người dùng, sau đó thiết bị này là chất xúc tác dẫn người dùng tới iTunes, và “chỉ hướng” cho họ quen thuộc hơn với thương hiệu Apple. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm iPhone được tích hợp liền mạch với các thiết lập hiện tại của người dùng, bằng cách sử dụng cùng một tài khoản và phần mềm. Và cuối cùng nhiều người quyết định chuyển đổi hoàn toàn sang Mac, đơn giản bởi vì Apple cung cấp một hệ sinh thái làm việc rất tốt với tất cả các sản phẩm của họ.

Đó là chiến lược xây dựng thị phần bằng cách thuyết phục chậm rãi và đi từ tận gốc của vấn đề, bắt đầu từ một ý tưởng sáng tạo duy nhất. Tuy nhiên, giờ đây Apple đã không còn theo đuổi các khách hàng theo phương án trên nữa. Thay vào đó, Android lại nổi lên như một nền tảng tinh tế đem lại cho người dùng những trải nghiệm công nghệ tiên tiến nhất. Hãy tự trả lời câu hỏi, có bao nhiêu người sử dụng tài khoản Gmail, Google Maps, Google Docs hay trình duyệt Chrome mặc dù họ không hề có đến một chiếc smartphone Android nào? Bao nhiêu người sẽ chơi game trên một thiết bị Android như Ouya, hay sử dụng dongle Android giá rẻ để kết nối TV với Internet, hoặc chí ít là sẽ quan tâm đến các dự án tương lai như Project Glass? Google đã là một tên tuổi lớn, nhưng tập đoàn này vẫn đang tiếp tục truyền bá nhận thức về thương hiệu của mình thông qua các công nghệ mới, thị trường mới và tiếp tục hợp tác với các công ty mới. Trong khi đó, Apple chỉ còn lại với danh tiếng hiện tại của tập đoàn này để lôi kéo những khách hàng mới.
Kết luận

Trì trệ là một vấn đề không nhỏ mà mỗi tập đoàn dù lớn hay nhỏ sẽ đều phải đối mặt. Vấn đề này nếu không được giải quyết triệt để và nhanh chóng thì có thể sẽ dẫn tới kết quả xấu nhất là sự sụp đổ của cả một thương hiệu lớn. Microsoft, RIM và Nokia là ba “đại gia” đã không theo kịp sự thay đổi về cái nhìn cũng như sở thích của người tiêu dùng, và do đó vào thời điểm hiện tại họ đang phải vật lộn để đuổi theo các nhà phát triển sáng tạo hơn. Cuộc chiến chắc chắn sẽ chưa kết thúc mà sẽ còn gay cấn hơn rất nhiều. Và trong cuộc chiến sống còn đó, Apple buộc phải thay đổi cách tiếp cận của mình nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế của mình trong thời gian tới.

Xem thêm: Tại sao Apple thành công ?

Tham khảo: androidauthority/genk