Nhịp sống số

5 kỳ vọng với quả xoài Windows Phone 7

5 kỳ vọng với quả xoài Windows Phone 7

Kể từ lần Microsoft giới thiệu phiên bản Mango của Windows Phone 7 hồi tháng 5/2011, đến nay, tại hội chợ IFA đang diễn ra tại Berlin, người ta mới có dịp kiểm chứng và thêm kỳ vọng vào những gì "quả xoài" này có thể mang tới.

Tại triển lãm này, HTC đã giới thiệu 2 mẫu máy Titan và Radar chạy hệ điều hành Mango. Với các điện thoại “quả xoài” này, Microsoft cùng các đối tác hy vọng sẽ cải thiện được doanh số các thiết bị di động dùng Windows Phone 7 hiện có, đang tăng chậm hơn nhiều so với dự tính. IDC cho biết, Windows Phone 7 dự kiến sẽ chỉ nắm được 3,8% thị phần vào cuối năm nay. Mặc dù có giao diện gọn gàng và dễ chịu, song hệ điều hành này vẫn không thu hút được nhiều người dùng khi tỏ ra không có gì đặc biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa sự thiếu vắng của một số tính năng quan trọng (như chạy đa nhiệm các ứng dụng của các bên thứ 3) cùng các ứng dụng hấp dẫn cũng góp phần khiến Windows Phone 7 chưa "mọc mũi sủi tăm" lên ngay được.

Nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ thay đổi sau khi phiên bản Mango ra mắt, phiên bản này mang tới 500 tính năng mới cho Windows Phone 7 và sẽ tăng cường tính năng chạy đa nhiệm cũng như cung cấp các thông tin theo cách người dùng muốn thấy hơn. Thêm vào đó, Mango sẽ làm cho các ứng dụng kết hợp hiệu quả hơn với hệ điều hành. Có thể nhận thấy sự kỳ vọng vào phiên bản mới này qua việc c&aacuaacute;c nhà sản xuất đang sốt sắng lên lộ trình cho việc ra mắt thiết bị của mình. Hãy xem 5 điểm mạnh mà các điện thoại di động Mango có thể mang tới cho người dùng.

<>Phần cứng mới bóng bẩy hơn

Các mẫu điện thoại di động đầu tiên sử dụng Windows Phone 7 phiên bản Mango của HTC là Titan và Radar đã được giới thiệu tại hội thảo CTIA. Nhà sản xuất Đài Loan này cùng 2 "đại gia" Hàn Quốc là LG và Samsung cũng sắp sửa công bố các sản phẩm tương tự tại thị trường Mỹ vào khoảng trung tuần tháng 10. Theo các thông tin chính thống (cũng như "ngoài luồng") các điện thoại thế hệ này đều có ngoại hình bóng bẩy và nội lực “thâm hậu”. Giống như tên gọi của mình, HTC Titan có màn hình lớn lên tới 4,7 inch so với màn hình 3,7 inch của iPhone hay 4,3 inch của HTC EVO 3D. Độ phân giải màn hình của Titan là 480x800. Máy được trang bị bộ vi xử lý 1.5GHz dung lượng lưu trữ 16GB, 512MB RAM và máy ảnh 8 “chấm”. Radar có cấu hình thấp hơn một chút khi được trang bị bộ vi xử lý tốc độ 1GHz, dung lượng lưu trữ 8GB, 512MB RAM. Thiết bị này cũng được trang bị màn hình super LCD có độ phân giải tương tự như Titan song kích cỡ chỉ có 3,8 inch.

LG tiếp tục hợp tác với các đối tác thời trang trong việc sản xuất các dòng điện thoại đặc biệt mà LG Prada là một ví dụ. Theo thông tin đồn đại thì các máy sử dụng phiên bản mới Windows Phone 7 Mango cũng thuộc dạng này. Có vẻ như LG Optimus 7 sẽ được khoác lên mình chiếc áo thời trang cao cấp nhãn hiệu Jil Sander và ra mắt người dùng vào tháng 11 tới. Một mẫu máy khác của LG cũng đang trong vòng bí mật là Fantasy với các phỏng đoán về màn hình lớn “bất thường".

Samsung cũng đã có một sản phẩm “lộ diện” trước đây tại hội nghị đối tác toàn cầu của Microsoft, song tên gọi và cấu hình cũng như ngày ra mắt đều chưa được tiết lộ. Có vẻ như nó sẽ là phiên bản chạy Windows Phone 7 của Galaxy S II có tên mã là SGH-i937.

Các đối tác khác có kế hoạch tung ra các sản phẩm cài đặt Mango dự kiến sẽ có Acer, ZTE và không thể quên "chiến hữu" mới của Microsoft là Nokia. Nhưng cũng lạ là không hề có bất kỳ thông tin nào đồn đại về việc các điện thoại di động Windows Phone 7 mới này có hoạt động được với mạng 4G hay không (?). Mặc dù một giám đốc sản phẩm của Microsoft từng tiết lộ hãng rất hứng thú với công nghệ 4G, nhưng cho tới nay tất cả các mẫu máy công bố đều chỉ là 3G.

<>

Ứng dụng Bing thú vị và hữu dụng hơn

Cỗ máy tìm kiếm Bing chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cải tiến đột phá của phiên bản Mango. Một trong các tính năng liên quan chặt chẽ tới nó là Local Scout, sử dụng GPS để xác định vị trí người dùng và sau đó cung cấp các thông tin liên quan tới vị trí đó dựa trên mọi mối quan hệ trực tuyến của họ. Ví dụ khi bạn tìm kiếm một nhà hàng, Local Scout sẽ đưa ra một danh sách hướng dẫn về các nhà hàng ăn uống trong vòng bán kính 25 dặm xung quanh vị trí của bạn.

Một trong các tính năng đáng chú ý khác liên quan đến Bing là tìm kiếm trong lĩnh vực âm nhạc. Bạn chỉ cần giơ điện thoại của mình ra trước loa, Bing sẽ ghi nhận giai điệu và tiến hành tìm kiếm rồi trả về cho bạn các thông tin như tên bài hát, nghệ sỹ biểu diễn và nơi có thể mua bản nhạc (gần giống như ứng dụng Shazam trên iOS và Android). Thú vị hơn nữa là việc tìm kiếm dựa trên dữ liệu đầu vào là hình ảnh tương tự như dịch vụ Goggles của Google, chỉ có điều đây là ứng dụng dành cho nền tảng Windows mà thôi. Để dễ hình dung về tính năng này, bạn có thể tưởng tượng khi bạn thấy một cuốn sách trong cửa hàng và muốn tìm thông tin về nó. Bạn chỉ cần hướng máy ảnh của điện thoại vào bìa sách, Bing sẽ tìm kiếm và cung cấp các thông tin liên quan đến cuốn sách ấy như các đánh giá, nhận xét, giá cả và một số thông tin ngoài lề khác.

<>Trải nghiệm giải trí tốt hơn

Phần mềm âm nhạc Zune (không phải máy nghe nhạc Zune) của Microsoft vốn được đánh giá khá cao với giao diện thân thiện, các tính năng tương tác với máy tính hấp dẫn khiến cho nó hoàn toàn có thể sánh được với iTunes. Trong Windows Phone 7, trung tâm (hub) Music + Video chính là nơi Zune hiện hữu. Tại đây người dùng có thể sử dụng các dịch vụ Last.fm, Slacker hay YouTube tích hợp sẵn. Ứng dụng sẽ lưu lại danh sách các video và bài hát mà người dùng đã thưởng thức để tiện theo dõi. Trình chơi nhạc Zune Player trong Windows Phone 7 Mango còn có tính năng tạo danh sách các bài hát tương tự như bài đang nghe (playlist) giống như tính năng Genius Playlist của iTunes. Đây quả thực là một tính năng cộng thêm rất đáng giá cho Windows Phone 7.

Windows Phone còn cung cấp những trải nghiệm game hấp dẫn cho người dùng, nhất là với những ai đam mê xBox. Phiên bản Mango cập nhật thêm các tính năng mà trước đây chỉ có trên ứng dụng mở rộng của xBox Live, bao gồm các khả năng cải thiện hỗ trợ phần tin nhắn, đồng bộ tích hợp các thành tích và khả năng chỉnh sửa hồ sơ xBox của người dùng. Hình đại diện 3D của người dùng giờ đây đã hoàn toàn có thể sử dụng ảnh động. Tất cả những điều ấy hứa hẹn những phút giây thưởng thức game tuyệt vời với Windows Phone 7.

<>

Tăng cường hỗ trợ Microsoft Office

Một trong những điểm mạnh của hệ điều hành Windows Phone 7 là khả năng tích hợp bộ ứng dụng Microsoft Office. Với các điện thoại Windows Phone 7 đời đầu, người dùng chỉ có thể sử dụng One Note để ghi chú. Với Mango, người dùng có thể cài ứng dụng Evernote để ghi chú và thêm hình ảnh. Tất nhiên, người dùng có thể xem, sửa và tạo tài liệu trong Word và Excel. Phiên bản mới Mango còn cho phép người dùng lưu và chia sẻ tài liệu qua dịch vụ đám mây của Microsoft là Office 365 hay Windows Live SkyDrive. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể truy cập vào các tài liệu mình cần ở bất kỳ nơi nào có kết nối Internet.

Cũng trong phiên bản Mango, bạn có thể ghim thư mục e-mail mà bạn cần lưu ý đặc biệt vào màn hình ngoài để tiện truy cập. Bạn cũng có thể ghim các nội dung cập nhật RSS của Outlook theo cách tương tự. Các e-mail được tổ chức theo dạng hội thoại nên rất tiện cho việc tổ chức, theo dõi và trả lời. Nếu bạn dùng Outlook cho công việc thì Windows Phone 7 cung cấp một sự tiện lợi đáng kể khi di chuyển.

<>Thông minh hơn và hy vọng sẽ có nhiều ứng dụng hơn

Một trong những điểm khác biệt mà Microsoft muốn người dùng nhận thấy khi dùng Windows Phone 7 so với các hệ điều hành cạnh tranh như iOS và Android nằm ở cách thức tiếp cận ứng dụng. App Connect là một tính năng mới sẽ gắn chặt các ứng dụng vào kết quả tìm kiếm trên Bing.

Microsoft nói rằng ứng dụng trên các nền tảng di động khác khi cài vào máy sẽ không tương tác với những ứng dụng khác. App Connect sẽ giải quyết vấn đề này bằng việc gắn kết chúng với tính năng tìm kiếm của Mango. Ví dụ trong trường hợp bạn muốn tìm thông tin về một bộ phim, App Connect sẽ tích hợp luôn các thông tin của một ứng dụng đặt vé xem phim kiểu như Fandango mà bạn đã cài trong máy với các thông tin khác trong kết quả tìm kiếm như thời gian chiếu, đánh giá, trailer và các thông tin liên quan khác.

Do phiên bản Mango vẫn chưa có sản phẩm tung ra thị trường nên các nhà phát triển vẫn chưa tích hợp được tính năng này vào các ứng dụng đang chạy cho phiên bản hiện hành. Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian và App Connect chắc chắn sẽ là một tính năng được mong chờ nhất trên phiên bản hệ điều hành di động mới này của Microsoft.

Việc chú trọng đẩy mạnh phát triển ứng dụng là rất quan trọng đối với bất kỳ hệ điều hành nào. Cho dù có vẻ ngoài hấp dẫn và được tán dương hay đến đâu đi chăng nữa mà không có nhiều ứng dụng hấp dẫn thì Windows Phone 7 cũng khó có thể bứt phá. Tính đến ngày 27/8/2011 Windows Phone 7 Marketplace đã có hơn 30.000 ứng dụng. Nhìn có vẻ nhiều nhưng khi so sánh với các con số 250.000 ứng dụng Android và 425.000 ứng dụng dành cho iPhone thì chẳng thấm vào đâu. Trước đây nhiều nhà phát triển cho biết họ vẫn chần chừ trong việc phát triển ứng dụng cho Windows Phone 7 một phần vì tốc độ bán ra quá chậm của các sản phẩm này. Liệu các tính năng cập nhật mới của Windows Phone 7 Mango cùng các chiến binh điện thoại “hầm hố” sẽ thay đổi được điều này? Chúng ta hãy cùng chờ xem!