Dựa vào số liệu mà Tổng cục Thống kê đưa ra về tổng lượng khách quốc tến đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, có thể thấy du lịch đang được kỳ vọng trở thành ngành mũi nhọn thúc đẩy kinh tế nước nhà.
Song, bài toán khó đặt ra cho ngành này đang là vấn đề về nguồn nhân lực. Khi nguồn nhân lực làm du lịch không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu kém về chất lượng (ngoại ngữ, tin học, khả năng ứng xử, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp).
Cụ thể, với lượng sinh viên thuộc ngành này ra trường mỗi năm chỉ vào khoảng 15.000 người, hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu lao động ước tính cần khoảng 40.000 người. Tại khu vực phía Nam, 50% tổng số lao động làm về du lịch nhưng phải đến 2/3 trong số đó lại chưa từng qua đào tạo.
Trong khi không ít ngành tại Việt Nam đang khan hiếm lao động, nhiều bạn trẻ vẫn đang băn khoăn tự hỏi học gì để sau không bị thất nghiệp? (Ảnh minh họa)
Khan hiếm lao động có chất lượng, các công ty, doanh nghiệp lữ hành thậm chí còn cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giành người giỏi.
Giải quyết bài toán nguồn nhân lực thuộc ngành du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ VHTT&DL đánh giá lại các trường đào tạo du lịch từ cấp thấp đến cap hiện đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, tìm ra hướng chuyển đổi mô hình.
Cần kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lớn nhằm xây dựng chương trình chuẩn, mang tính thực nghiệm cao, đáp ứng đúng, đủ nhu cầu đầu vào của doanh nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp lữ hành cũng ủng hộ chương trình đào tạo gắn chặt thực hành tại những cơ sở khách sạn. Thậm chí có thể đào tạo ngay tại chỗ ở các địa phương mạnh về du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng,... để đạt hiệu quả tốt.
Bên cạnh ngành du lịch, còn rất nhiều ngành hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như ngành công nghệ thông tin.
Quan trọng nhất, mỗi cá nhân học sinh, sinh viên nên tìm hiểu kỹ càng yêu cầu của thị trường lao động ngành mình theo học để tự cải thiện, phát triển bản thân, tránh bị thất nghiệp do kiến thức, kỹ năng không đáp ứng được.