Các bậc phụ huynh thường đặt kỳ vọng vào con cái mình khi chúng bước chân tới trường. Họ tin rằng, để thành công, trẻ nhất định phải học tập thật chăm chỉ và đạt kết quả tốt.
Song, trên thực tế, có bao nhiêu học sinh sinh viên đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc thành công khi trưởng thành? Họ có thể được hạnh kiểm tốt, điểm phẩy trung bình cuối kỳ, cuối năm luôn ở mức vượt trội. Họ không bao giờ trễ hẹn nộp bài, luôn hoàn thành bài tập về nhà một cách tự giác, đạt điểm 9,10 cho mỗi môn học trong các kỳ thi,... Nhưng tất cả những tiêu chuẩn đó đều không phải thước đo cho cuộc sống hạnh phúc, no đủ của họ về sau này.
Có bao nhiêu học sinh sinh viên đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc thành công khi trưởng thành? (Ảnh minh họa)
Có rất nhiều ví dụ chứng minh người không theo đuổi con đường học vấn vẫn thành công. Từ tỷ phú thế giới như Bill Gates, người đã bỏ Đại học giữa chừng để theo đuổi đam mê đến những cá nhân trượt Đại học thành danh bởi các ý tưởng khởi nghiệp đem đến nhiều giá trị cho con người.
Tất nhiên, tỷ phú Bill Gates không khuyến khích bất cứ ai bỏ học. Mỗi môn học trong chương trình học tập của trường gồm toán, văn, ngoại ngữ, âm nhạc, thể dục,... đều hữu ích đối với mỗi chúng ta. Chỉ là thay vì chủ động sáng tạo, can đảm theo đuổi ước mơ, nhiều bạn trẻ lại luôn bị hoặc tự đặt mình vào thế bị động, chờ đợi để được chọn và sẽ làm điều gì đó khi có sự cho phép.
Về cơ bản, để thành công tại trường học, bạn phải vâng lời trong khi còn bao nhiêu thứ bên ngoài cánh cổng trường học chờ đợi bạn "vượt rào", khám phá. Ngoài kiến thức nền, bản thân học sinh sinh viên nên học cách trở thành người hạnh phúc, cách làm việc thông minh, cách khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn với chính mình và xã hội,...
Nhìn vào những tấm gương thành công, có thể thấy, họ luôn khác biệt so với đám đông.
Tóm lại, người có kết quả học tập không tốt có thể sẽ gặp nhiều bất lợi về mặt bằng cấp hoặc đôi chút kiến thức so với những người học giỏi. Song, xét về khía cạnh thành công thì học giỏi không phải là thước đo.