1. Ghi đủ các thông tin về bạn
Đây có thể là điều rất cơ bản khi sử dụng facebook nhưng hầu như chúng ta đều khá dễ dãi khi điền các thông tin về bản thân. Việc để tên, ngày sinh, nơi ở, trường lớp hay nơi công tác thật của bạn chính là những thông tin giúp facebook có thể bảo vệ tài khoản facebook của bạn một cách an toàn nhất.
2. Cung cấp số điện thoại và email “chính chủ”
Chỉ với một số điện thoại hay một tài khoản mail có thật là bạn có thể lập một tài khoản facebook khá dễ dàng. Chính vì vậy nhiều người đã mượn số điện thoại hay mail của người khác, thậm chí sử dụng sim rác, mail ảo để lập tài khoản facebook. Khi sự cố xảy ra, thật khó để có thể lấy lại được tài khoản cũ.
Do vậy, bạn cần cung cấp cho facebook số điện thoại cũng như mail của chính bản thân bạn để có thể dùng chúng lấy lại tài khoản facebook khi bị hack.
3. Thay đổi câu hỏi bảo mật
Những câu hỏi mặc định của facebook như: Bạn sinh ra ở đâu? Tên một người bạn thân?… đều rất dễ để kẻ xấu có thể lợi dụng hack tài khoản của bạn.
Vì vậy, bạn nên chọn những câu hỏi bảo mật có tính chất ngẫu nhiên và khó đoán. Ví dụ: Bạn hay chơi game gì nhất? Câu trả lời: Prince of Persia, Ghost of war hay Worm Party,…
4. Kích hoạt nhận thông báo khi đăng nhập
Khi bật chức năng thông báo đăng nhập thì chỉ cần có bất kỳ ai đăng nhập vào tài khoản của bạn ở bất cứ một thiết bị không tin cậy nào (đăng nhập lần đầu tiên ở máy lạ hay 2 thiết bị đang cùng lúc đăng nhập vào 1 tài khoản) thì facebook sẽ thông báo về ngay cho bạn thông qua thanh thông báo, mail hay số điện thoại mà bạn đã đăng ký.
Cách kích hoạt:
Vào Thiết lâp > Bảo mật > Cảnh báo đăng nhập > sau đó tích chọn vào những mục bạn muốn facebook thông báo về > ấn lưu.
5. Tạo 2 lớp bảo mật
Nếu tính năng này được bật thì mỗi lần đăng nhập, ngoài mật khẩu bạn sẽ cần nhập một đoạn mã bí mật (dưới dạng kí tự hoặc mã QRcode) được gửi tới điện thoại. Đây là cách bảo mật khá hữu hiệu trước những tay hacker nguy hiểm.
Cách thực hiện:
Vào Thiết lập > Bảo mật > Xét duyệt đăng nhập > tích vào "Yêu cầu mã bảo mật để truy xuất tài khoản của tôi từ trình duyệt lạ." > FB sẽ gửi một mã vào số điện thoại bạn đã đăng ký > Tiến hành nhập mã > Xong.
6. Đặt mật khẩu mạnh và thay đổi định kỳ
Nếu mật khẩu của bạn quá đơn giản như một dãy số dễ đoán (123456,111111,..), số điện thoại, họ tên hay ngày tháng năm sinh thì các hacker không cần tới 1 phút để phá mật khẩu của bạn.
Vì vậy hãy tạo một mật khẩu đủ mạnh và thay đổi nó thường xuyên, ít nhất là 1 tháng 1 lần. Một mật khẩu đủ mạnh phải bao gồm: chữ, số, ký tự đặc biệt, chữ viết hoa và có độ dài hơn 8 ký tự. Ví dụ: KjhS$1069@kJHs
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tạo mật khẩu bạn có thể sử dụng trang web www.strongpasswordgenerator.com để tự động tạo một mật khẩu đủ mạnh cho bạn. Ngoài ra trang web này còn cung cấp cho bạn những gợi ý để bạn dễ dàng nhớ được các mật khẩu của mình.
7. Hạn chế để các ứng dụng sử dụng tài khoản facebook làm tài khoản đăng nhập
Sử dụng tài khoản facebook để đăng nhập các ứng dụng, diễn đàn bên ngoài là một việc hết sức tiện lợi. Tuy nhiên điều này có thể mang lại nhiều rủi ro, đặc biệt là khi bạn dùng tài khoản facebook để đăng nhập vào các ứng dụng hay diễn đàn không trong sáng.
Bạn chỉ nên dùng tài khoản facebook để đăng nhập vào các ứng dụng do facebook tạo ra hoặc của các nhà cung cấp đáng tin cậy. Bạn có thể vào Settings - Apps để xem các ứng dụng nào đang sử dụng tài khoản facebook của bạn để đăng nhập và loại bỏ các ứng dụng không đáng tin.
8. Cẩn trọng trước đường link và ứng dụng lạ
Không click bất kỳ đường link, ứng dụng nào mà bạn không biết nó là gì, dù được gửi từ bất kỳ ai, kể cả bạn bè thân thiết của bạn.
Đặc biệt chú ý những trang web có giao diện nhái lại facebook, bởi đây chính là những trang web do hacker lập ra để lừa người dùng “biếu không” tài khoản facebook cho chúng.
Khi like status, like trang, chia sẻ nội dung hay tham gia nhóm mới bạn cần xem xét kỹ nội dung cũng như tính an toàn của chúng.
9. Thoát khỏi facebook khi bạn dùng chung máy tính với người khác
Nếu quên, bạn có thể đăng xuất từ xa bằng cách: Vào Thiết lập - Bảo mật - Nơi bạn đăng nhập. Trang này là danh sách trình duyệt và thiết bị đã được sử dụng gần đây để đăng nhập vào tài khoản của bạn (bao gồm ngày, giờ và vị trí tương đối khi đăng nhập). Tại đây bạn có thể chọn kết thúc từng hoạt động riêng lẻ hoặc kết thúc toàn bộ hoạt động trên thiết bị đã đăng nhập trước đó.
10. Không nên làm bạn với tất cả mọi người
Để tránh việc ai đó có thể thu thập các thông tin trong “profile” của bạn. Bạn chỉ nên kết bạn với những người mà bạn biết họ trên thực tế. Đừng đồng ý kết bạn với tất cả những lời mời vì rất có thể hacker là một trong số họ đấy!
Hy vọng với những cách thức trên đây, bạn sẽ sử dụng facebook một cách thoải mái mà không bận tâm đến sự nhóm ngó của những kẻ xấu bụng.