Nhịp sống số

VNPT trình Chính phủ kế hoạch thoái 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành

Phải mất 5 năm, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới có thể tái cấu trúc toàn Tập đoàn, trong đó có việc tái cấu trúc lại các khoản vốn đầu tư ngoài ngành.

<>

Ảnh minh họa.

Ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT khẳng định, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn là chủ trương chung của Chính phủ, nhưng không phải thoái vốn ở tất cả các ngành. Hiện VNPT đang trình Chính phủ kế hoạch thoái 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn theo hướng: lĩnh vực ngoài ngành nào đầu tư hiệu quả, thì tiếp tục đầu tư, hoặc tăng mức đầu tư; lĩnh vực ngoài ngành nào đầu tư không hiệu quả, thì phải sắp xếp lại.

Mặc dù vậy, ông Đức vẫn khẳng định, việc đầu tư của VNPT vào các lĩnh vực ngoài ngành như tài chính, ngân hàng, bất động sản đang an toàn. "Việc góp vốn của VNPT vào Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đang an toàn và có thể tiếp tục duy trì. Trong lĩnh vực bất động sản, VNPT không góp vốn nhiều, nên cũng không gặp khó khăn trong việc điều chỉnh", ông Đức nói và cho biết, VNPT đang xem xét để triển khai dự án đầu tư bất động sản tại Nghệ An (vốn đầu tư 53 triệu USD - PV).

Theo thống kê, VNPT đang góp vốn đầu tư vào 85 công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn ở các lĩnh vực: bưu chính - viễn thông; quảng cáo truyền thông đa phương tiện; ngân hàng, tài chính; bất động sản; thiết kế xây lắp; du lịch... Tổng doanh thu năm 2010 từ các doanh nghiệp VNPT góp vốn đạt 7.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này chưa bằng 1/6 lần doanh thu của MobiFone (doanh thu của MobiFone năm 2010 là 36.000 tỷ đồng), công ty do VNPT sở hữu 100% vốn.

Vào tháng 8/2011, VNPT đã có những động thái đầu tiên trong việc thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) thông qua việc bán đấu giá quyền mua 25 triệu cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, VNPT đã không thành công, vì không có nhà đầu tư nào đặt mua. Nguyên nhân, theo ông Đức, là do thị trường chứng khoán quá xấu.

Thông tin mà phóng viên có được, VNPT hiện là cổ đông lớn thứ hai của Maritime Bank, với tổng số cổ phần nắm giữ 62.629.999, tương đương tỷ lệ sở hữu 12,53% vốn điều lệ. Mặc dù không thành công trong việc thoái vốn tại Maritime Bank, nhưng mới đây, VNPT đã rút được một phần vốn góp từ Công ty Truyền thông VMG, với số cổ phần nắm giữ từ 36%, xuống còn 29%, đồng thời giảm tỷ lệ vốn góp của Tập đoàn tại Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn từ 14,4% xuống còn 11%.

Mặc dù vậy, việc thoái vốn của VNPT tại các doanh nghiệp mà Công ty đang góp vốn đầu tư không phải là chuyện "nói là làm được ngay", vì hiện các công ty mà VNPT góp vốn đầu tư có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Hơn nữa, với tình trạng "chợ chiều" của thị trường chứng khoán hiện nay, nếu có thực hiện bán cổ phần của các công ty góp vốn, VNPT cũng không thể bán được với giá như kỳ vọng. Điều này cũng đã được chứng minh qua nhận định của ông Đức, Chính phủ cho phép VNPT thời hạn 1 năm để thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhưng điều này cũng liên quan đến tái cấu trúc Tập đoàn, do đó, trong thời hạn 1 năm, Tập đoàn không thể hoàn thành được, mà phải cần khoảng thời gian 5 năm.